Hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi là gì, nguy hiểm không, làm sao để biết

30/11/2023

Một trong những dị tật bẩm sinh ở trẻ mà mẹ nên lưu ý là hội chứng đầu nhỏ. Biểu hiện của hội chứng này ra sao và có gây nguy hiểm cho trẻ không, hãy cùng tìm hiểu câu trả lời sẽ có ngay sau đây.

1. Hội chứng đầu nhỏ là gì?

Dị tật đầu nhỏ hay chứng teo não là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng trẻ có kích thước vòng đầu nhỏ hơn nhiều so với những em bé thông thường. Khi mẹ bầu mang thai, kích thước đầu và não bộ của bé sẽ cùng nhau phát triển. Do vậy, hiện tượng đầu nhỏ ở thai nhi là do não không được phát triển bình thường và đầy đủ trong thời gian thai nghén hoặc ngừng lớn sau khi sinh, dẫn đến tình trạng chu vi đầu nhỏ hơn bình thường. Đây là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp và độc lập, không nhất thiết đi kèm với các dị tật nào khác.

Khi bị tật đầu nhỏ, trẻ sẽ có kích thước vòng đầu nhỏ hơn nhiều so với thông thường (Nguồn: hellobacsi.com)

2. Nguyên nhân gây tật đầu nhỏ ở thai nhi

Tuy còn nhiều tranh cãi khác nhau xung quanh nguyên nhân gây ra hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi, nhưng giới y học đã xác định được một số nguyên nhân chính của dị tật này như:

  • Mẹ bầu mắc phải một số căn bệnh nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai khiến bào thai bị lây nhiễm như bệnh thủy đậu, bệnh sởi Đức (Rubella), ký sinh trùng Toxoplasma hay virus Cytomegalovirus.
  • Thai nhi bị suy dinh dưỡng nặng: cơ thể thai phụ không cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của bào thai trong giai đoạn thai kỳ khiến bào thai xuất hiện dị tật.
  • Mẹ bầu tiếp xúc với các hóa chất độc hại: khi mang thai, việc mẹ sử dụng hay tiếp xúc với các chất gây nghiện như ma túy, rượu, chất cấm độc hại… có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ của thai nhi, khiến não phát triển bất bình thường.
  • Thiếu máu, oxy đến thai nhi: các biến chứng phát sinh khi mẹ mang thai có thể làm gián đoạn việc cung cấp máu và oxy đến não bộ của trẻ, khiến não bị tổn thương gây dị tật.
  • Di truyền: không chỉ có những nguyên nhân trên phát sinh trong quá trình mang thai, các đột biến trong gen của bố và mẹ khi kết hợp cũng là một nguyên nhân gây ra dị tật đầu nhỏ.

Tật đầu nhỏ ở trẻ có thể xảy ra do gen bẩm sinh hoặc do môi trường (Nguồn: vinmec-prod.s3.amazonaws.com)

3. Thai nhi đầu nhỏ có sao không

Tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau của hội chứng đầu nhỏ mà ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong tương lai. Nếu dị tật nhẹ, hội chứng này chỉ khiến đầu trẻ nhỏ hơn thông thường kể cả khi đã trưởng thành hoàn toàn. Nếu nghiêm trọng hơn, đầu nhỏ sẽ khiến trẻ mắc phải một loạt các vấn đề như: chứng động kinh; chậm phát triển các kỹ năng cơ bản như nói chuyện, ngồi, đứng, đi lại; thần kinh vận động kém, khó giữ thăng bằng cơ thể; suy giảm giác quan như thị giác và thính giác; học tập và tiếp thu kiến thức, kỹ năng chậm…

Ở một số trẻ, các vấn đề này sẽ có thể được cải thiện dần khi lớn lên. Tuy nhiên, đa số trường hợp sẽ phải đối mặt với các khó khăn này trong suốt cuộc đời. Rất khó để nhận biết trẻ bị dị tật đầu nhỏ sẽ mắc phải vấn đề nào ngay khi mới sinh ra, vì vậy, con cần được thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ trong suốt quá trình lớn lên.

4. Xét nghiệm dị tật đầu nhỏ

Việc chẩn đoán tật đầu nhỏ ở trẻ có thể thực hiện ngay từ khi mang thai hoặc sau khi trẻ được sinh ra. Cụ thể:

Với phương pháp chẩn đoán khi mang thai: thông qua siêu âm, các bác sĩ có thể phát hiện sớm dị tật đầu nhỏ ở thai nhi. Bào thai sẽ được siêu âm đo vòng đầu trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 tới đầu tháng 7 của thai kỳ. Việc thực hiện các xét nghiệm dị tật thai nhi là rất quan trọng để có thể đưa ra những phương pháp can thiệp kịp thời nếu có biến chứng.

Với phương pháp chẩn đoán sau khi trẻ ra đời: Sau khi trẻ sơ sinh được tối thiểu 1 ngày tuổi, các nhân viên y tế sẽ thực hiện đo kích thước vòng đầu của trẻ và so sánh với bảng tiêu chuẩn thông thường. Việc đo lường sẽ được tiến hành định kỳ đến khi trẻ 3 tuổi để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc hội chứng đầu nhỏ. Nếu nghi ngờ có dị tật, các bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm bổ sung như chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), chụp MRI (cộng hưởng từ) để đưa ra những chẩn đoán chính xác hơn.

Mẹ bầu nên kiểm tra nguy cơ trẻ bị tật đầu nhỏ ngay từ khi mang thai thông qua siêu âm (Nguồn: phunuvietnam.vn)

5. Cách điều trị và ngăn ngừa hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi

Là một loại dị tật bẩm sinh, người mắc chứng đầu nhỏ thường sẽ phải sống chung với căn bệnh này suốt đời. Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm được cách nào chữa khỏi hội chứng này. Y học mới chỉ có thể giúp trẻ giảm bớt các vấn đề phát sinh như dùng thuốc để kiểm soát chứng co giật, các biện pháp trị liệu giúp cải thiện hành vi, dễ dàng tiếp thu kiến thức và kỹ năng sinh hoạt.

Để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra dị tật đầu nhỏ ở con trẻ, chị em phụ nữ có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Đăng ký khám tổng quát tiền hôn nhân để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của cả hai vợ chồng cũng như chuẩn bị tốt nhất trước khi mang thai.
  • Trong thời gian mang thai, mẹ cần tuân thủ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh giúp cơ thể đủ dưỡng chất cần thiết, an thai khỏe mạnh để cung cấp cho thai nhi; hạn chế tối đa các đồ uống có cồn, không sử dụng các chất gây nghiện, không tiếp xúc với các hóa chất độc hại; tránh xa những nơi ô nhiễm, bụi bẩn, giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, các ký sinh trùng gây bệnh.
  •  Thăm khám thường xuyên và nghe tư vấn của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện thai sản uy tín nhất hiện nay.
[wp-faq-schema accordion=1]

#Xem thêm một số bài viết về :Hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi là gì, nguy hiểm không, làm sao để biết