Mùa Vu Lan, đi lễ chùa vãn cảnh, cầu bình an gia đạo

30/11/2023

“Mỗi đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con…”

Hàng năm, cứ đến tháng 7 Âm lịch, mỗi người làm con, và đặc biệt là Phật tử đều nôn nao đến Chùa thắp nén hương dân Phật, cầu bình an gia đạo. Hãy cùng Adayroi điểm qua 3 ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng bậc nhất Nam Bộ để cầu an mùa Vu Lan này.

Chùa Giác Lâm – TP. HCM

Tọa lạc tại đường Lạc Long Quân – quận Tân Bình, Tổ đình Giác Lâm (hay còn gọi là Cẩm Sơn tự, Sơn Can Tự) là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn. Nơi đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam. Năm 1988, Tổ đình Giác Lâm được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là du tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Ban đầu, Tổ đình Giác Lâm là trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và Nam Bộ. Đến năm 1873, dưới thời Thiền sư Minh Khiêm trụ trì, tổ đình còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, khắc bản gỗ và diễn Nôm kinh, luật Phật giáo.

(Nguồn: Internet)

Giác Lâm Tự đã được trùng tu tổng cộng 3 đợt lớn nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo ban đầu và vẻ đẹp cổ kính, phủ lớp bụi mờ theo thời gian. Trong đó, chính điện của chùa được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc nhà dân gian truyền thống với 1 gian, 2 chái và 4 cột chính (tứ trụ). Nhìn từ bên ngoài, chính điện trông như một ngôi nhà bình thường, nhưng khi bước vào bên trong, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi không gian của điện khá rộng và sâu. Bên trong điện có 56 cột to hơn một vòng tay ôm của người lớn, mỗi cột đều chạm khắc câu đối, sơn son thiếp vàng vô cùng công phu.

(Nguồn: Internet)

Du khách đến chùa có thể bái Phật, chạm tay vào những nét chạm trổ tinh xảo trên từng cây cột, ngắm nhìn vẻ đẹp cổ kính bất chấp thời gian trong từng viên gạch và ngồi dưới những tán cây xanh mướt, hít một hơi không khí thanh tịnh nơi đất Phật và cảm nhận sự bình yên đang lan tỏa trong tâm hồn. Trong ánh nắng ban mai, mái ngói phủ rêu xanh cổ kính như thách thức sức mạnh của thời gian sẽ đưa bạn về với không gian yên bình của những ngôi làng Việt xưa. Toàn bộ khuôn viên chùa còn phản ánh tín ngưỡng trong kiến trúc của người dân bản địa xưa: “Minh đường, thủy tụ”, tức trong chùa phải có cây cối xum xuê, ao, hồ nước mát mẻ để vượng khí sinh sôi. Từ đó, chùa Giác Lâm đã trở thành một biểu tượng tín ngưỡng rất quan trọng trong lòng người dân Gia Định xưa.

(Nguồn: Internet)

(Nguồn: Internet)

Thiền viện Chơn Nguyên (Chùa Khỉ) – Bà Rịa, Vũng Tàu

Tọa lạc dưới chân núi Kỳ Vân thuộc thị trấn Phước Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thiền viện Trúc Lâm Chơn Nguyên là một trong những điểm đến được nhiều du khách, đặc biệt là Phật tử yêu mến, ghé thăm. Thiền viện thường được người dân bản địa và những du khách từng đến thăm yêu mến gọi với cái tên chùa Khỉ. Nguồn gốc của tên gọi này bắt nguồn từ những con vật tinh khôn sống hoang dã trên núi Kỳ Vân. Sau khi chùa được lập, các sư thường cho chúng ăn, lâu dần quen hơi, hàng ngày vào lúc sáng sớm, đàn khỉ đều tìm xuống chân núi. Lúc đầu chỉ có vài ba chục con, hiện tại, số lượng khỉ đã lên đến gần 200. Đến thăm Thiền viện Chơn Nguyên, trước khi viếng cảnh chùa, du khách lúc nào cũng bị “níu chân” bởi những con vật đáng yêu này.

(Nguồn: Tiểu Duy)

Chùa thuộc trường phái Trúc Lâm nên có kiến trúc khá giống với Thiền viện Trúc Lâm tại Đà Lạt, thờ đức Phật Thích Ca thiền định trên tòa sen. Dãy hành lang và các cửa sổ lớn chạy xung quanh chánh điện được thiết kế vừa tạo cảm giác rộng lớn, vừa có thể đón nhận ánh sáng, lưu thông không khí. Phía trước chánh điện là hai cột đá lớn được tạc thành hình cây đèn dầu có thể thắp sáng vô cùng ấn tượng. Nhưng điều đặc biệt nhất của Thiền viện có lẽ là tiếng chuông gió du dương mà bất kỳ ai đặt chân đến đây nghe được đều cảm thấy khoan thai dễ chịu.

(Nguồn: Tiểu Duy)

(Nguồn: Tiểu Duy)

Điều làm nên sức hút của Thiền viện chính là cảnh quan xung quanh đẹp rực rỡ. Đi dọc theo con đường quanh co uốn lượn, bên là biển rộng mênh mông, bên là ngọn núi Kỳ Vân cao vời vợi quanh năm lộng gió, du khách sẽ thấy một ngôi chùa nằm nép mình yên bình dưới những ngọn núi đá đồ sộ. Từ chân núi, để đến được chùa, du khách phải rảo bước lên những bậc thang bằng đá nằm giữa màu xanh um, mát rượi của cây cối trông đẹp tuyệt vời. Trên đường đi, du khách sẽ có cảm giác như vừa lạc đến “Hoa Quả Sơn” – vương quốc của loài khỉ với những tảng đá đủ mọi hình thù, nằm ngổn ngang trên triền núi. Bên cạnh đó, sư trụ trì đã cho cất những chòi nhỏ dọc theo sườn núi để du khách nghỉ chân. Trong nắng sớm, những ngôi chòi lá nằm im lìm giữa rừng cây, nắng xuyên qua kẽ lá tạo cho khung cảnh nơi đây một vẻ đẹp liêu trai khó cưỡng.

(Nguồn: Tiểu Duy)

Phước Điền Tự (Chùa Hang) – Châu Đốc, An Giang

Chùa Hang còn có tên khác là chùa Phước Điền, nằm tĩnh mịch ở một triền núi Sam, Châu Đốc, An Giang. Chùa do bà Lê Thị Thơ (có biệt danh là Bà Thợ do thạo nghề may vá), pháp hiệu Diệu Thiện, lập nên. Qua thời gian, am tu vẫn còn gắn liền với nhiều câu truyện truyền thuyết mà cho đến tận bây giờ vẫn còn lôi cuốn người nghe. Khi bà Lê Thị Thơ qua đời, am tu đã được người dân Châu Đốc vì mến mộ Bà mà xây dựng thành chùa và đặc tên là chùa Hang. Bởi tương truyền, ngày xưa, núi này có đôi mãng xà thành tinh tu luyện cư ngụ trong những hang sâu. Khi bà đến tu, đôi mãng xà không còn hung tợn nữa mà thường đến nằm im lắng nghe kinh kệ. Bà đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà và sau khi bà qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất. Chính vì vậy mà người dân địa phương còn gọi nơi đây là chùa Thanh Xà – Bạch Xà.

(Nguồn: Internet)

Từ chân núi đến chùa Hang là những bậc thang cao, một bên là bức tường thành, một bên là núi rừng. Bước lên khoảng nửa chặng đường bậc thang, bạn sẽ đến hoa viên của chùa. Trong hoa viên có một hồ nhỏ hoa súng nở đầy, xung quanh nhiều loại hoa khác đua nhau khoe sắc. Cũng trong khu này có một am thờ tượng Phật Di Lặc. Phía trước hoa viên có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và bốn vị hộ pháp đứng nhìn về phía dưới chân núi. Phía trước chùa có hai ngôi bảo tháp được xây dựng và chạm khắc tinh xảo. Bảo tháp phía dưới thờ hòa thượng Thích Huệ Thiện, vị sư trụ trì đời thứ hai, còn phía trên là bảo tháp sư bà Diệu Thiện. Chùa có kiến trúc đơn giản mộc mạc với nền lát gạch, mái ngói và cột gỗ căm xe,… Qua thời gian và các đời Hòa thượng trụ trì tiếp nối chăm sóc chùa, ngoài việc trùng tu còn mở rộng và xây dựng thêm nhiều công trình phụ và chùa Hang Châu Đốc có diện mạo như hiện tại.

(Nguồn: Internet)

(Nguồn: Internet)

Đứng trên chùa khách thập phương có thể nhìn bao quát cảnh núi cao, ruộng đồng bát ngát, xa xa là những vạt tràm xanh ngát. Khi bình minh ló dạng, nắng đã từ từ đậu trên những ngọn cây quanh núi, khách hành hương cũng bắt đầu viếng chùa nhiều hơn. Không khí buổi sớm mai mát mẻ, mùi trầm hương thơm ngát hòa cùng tiếng kinh kệ, tiếng chuông chùa khiến cho không gian ở đây thư tịch, yên bình và tịnh tâm vô cùng.

(Nguồn: Internet)

[wp-faq-schema accordion=1]

#Xem thêm một số bài viết về :Mùa Vu Lan, đi lễ chùa vãn cảnh, cầu bình an gia đạo