7 món cháo lươn cho bé ăn dặm 7 tháng tăng cân ngon bổ không tanh

Useful
30/11/23
Lượt xem : 106 view
Rate this post

1. Giá trị dinh dưỡng của cháo lươn đối với bé 7 tháng

1.1. Cháo lươn chứa đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu

Để bé phát triển toàn diện thì trong chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cung cấp đủ bốn chất dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, đường bột, vitamin và khoáng chất. Trong cháo lươn chứa đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng này. Trong 100g thịt lươn có tới 12,7g chất đạm giúp bé tăng cân nhanh, khỏe mạnh. Thậm chí, thịt lươn còn có chất đạm nhiều hơn cả tôm, cua. Cũng trong 100g thịt lươn có 25,6g chất béo và 285 calo giúp bé có nhiều năng lượng và vận động nhanh nhẹn. Ngoài ra, trong thịt lươn chứa nhiều vitamin A, B1, B6 và các khoáng chất có lợi cho cơ thể như sắt, kali, canxi, natri giúp bé phát triển tốt hơn. Chất bột đường có trong gạo, lúa mạch sẽ hoàn thiện hệ dưỡng chất đầy đủ cho bé ăn dặm.

1.2. Cháo lươn có thể chữa được một số bệnh ở trẻ nhỏ

Theo Đông y, thịt lươn có thể giúp chữa một số bệnh ở trẻ nhỏ như đau xương, suy dinh dưỡng và còn có tác dụng bồi bổ khí huyết rất tốt. Ngoài các cách chữa bé 7 tháng ăn dặm bị táo bón khỏi nhanh không dùng thuốc thì đây cũng là một thực phẩm hữu hiệu giúp trẻ tránh khỏi tình trạng này.

Cháo lươn được xem là giàu dinh dưỡng hơn cả cháo tôm, cháo cua

Cháo lươn được xem là giàu dinh dưỡng hơn cả cháo tôm, cháo cua (Nguồn: yeutre.vn)

2. Cách nấu cháo lươn cho bé ăn dặm 7 tháng

Bước vào thời kỳ tập nhai, ngoài bổ sung thêm cho trẻ các loại bột, thực phẩm giàu dinh dưỡng tiện lợi thì các mẹ cũng nên tự tay xuống bếp nấu những món cháo ngon từ lươn dưới dây.

2.1. Cháo lươn nấu nghệ

Cháo lươn nấu nghệ là món ăn phổ biến bởi nó dễ chế biến mà chất lượng dinh dưỡng vẫn không hề thua kém các loại cháo khác.

Nguyên liệu: 1kg lươn đồng, một muỗng nước nghệ, ½ bát gạo nếp, ½ bát gạo tẻ, hạt nêm, nước mắm, rau răm, hành lá, gia vị.

Cách thực hiện:

Trước tiên là làm sạch lươn bằng cách xóc muối rồi rửa sạch lớn. Sau đó đem luộc chín rồi vớt ra cho nguội. Tiếp đó, tuốt lấy thịt lươn để riêng còn xương lươn thì đem luộc lấy nước. Gạo nếp và gạo tẻ đem rang vàng, tốt nhất nên mua các loại gạo chất lượng, khi nấu dẻo, thơm rồi cho vào nồi nấu chín nhừ. Sau đó phi hành mỡ vào xào lươn cho lươn chín thêm và có mùi thơm. Nêm nếm gia vị, nước nghệ, dầu điều vào thịt lươn xào sau đó chế khoảng 200ml nước vào và đun sôi. Khi cháo đã chín, bạn múc cháo ra bát rồi thêm phần thịt lươn đã xào vào, cho thêm ít rau răm cắt nhỏ, để nguội và cho bé ăn.

Cháo lươn nấu nghệ thơm ngon, màu sắc hấp dẫn

Cháo lươn nấu nghệ thơm ngon, màu sắc hấp dẫn (Nguồn: eva.vn)

2.2. Cháo lươn gạo nếp

Cháo lươn gạo nếp là món cháo lươn cho bé ăn dặm thơm ngon, bổ dưỡng, chứa đầy đủ bốn nhóm chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Mẹ có thể nấu cháo lươn gạo nếp cho bé từ 7 tháng tuổi.

Nguyên liệu: Một bát gạo nếp, 1kg lươn đồng, gia vị, rau răm, hành lá.

Cách thực hiện: khi mua lươn về mẹ cũng làm sạch, đem luộc và tuốt lấy thịt như cách làm món cháo lươn ở trên. Khi tuốt mẹ cẩn thận kẻo phần xương dăm ở lưng của lươn có thể đâm vào tay nhé. Gạo nếp rang vàng thơm sau đó cho 200ml nước vào đun sôi và ninh nhừ. Hoặc mẹ có thể cho gạo vào nồi nước hầm xương lươn cho ngọt cháo cũng được. Lươn sau khi tuốt thịt thì xào lên, cho thêm ít hạt nêm, nước mắm cho hợp khẩu vị của bé. Sau khi lươn chín thì cho vào bát, múc cháo vào và bỏ rau răm lên.

2.3. Cháo lươn khoai môn

Khoai môn chứa nhiều tinh bột đường, lươn chứa nhiều chất đạm, chất béo và vitamin, khoáng chất. Do đó, cháo lươn khoai môn rất giàu dinh dưỡng, giúp bé no lâu, nhiều năng lượng để vận động. Hơn nữa, mùi khoai môn thơm nên rất hấp dẫn với bé.

Nguyên liệu: 200g thịt lươn, 100g khoai môn, 100g gạo, hành tím, rau mùi, dầu ăn trẻ em.

Cách thực hiện: Gạo đem rửa sạch rồi cho vào nồi ninh nhừ. Khoai môn cạo sạch vỏ, cắt miếng nhỏ và hấp chín. Ướp thịt lươn với ½ thìa hạt nêm trong 15 phút, sau đó phi hành mỡ và xào thịt lươn. Tiếp đến cho cả khoai môn và thịt lươn vào nồi cháo và ninh thêm 10 phút nước. Mẹ nêm nếm gia vị vừa đủ với khẩu vị của bé rồi rắc hành lá, một chút tiêu lên rồi tắt bếp.

Cháo lươn khoai môn

Cháo lươn khoai môn (Nguồn: baomoi.com)

2.4. Cháo lươn bí đỏ

Bí đỏ là nguyên liệu quen thuộc của các bà mẹ khi cho con ăn bột. Bởi bí ngô rất giàu vitamin A cũng như chất bột đường. Cùng với thịt lươn nhiều dưỡng chất giúp bé phát triển toàn diện. Bé ăn dặm từ 7 tháng có thể ăn được món cháo lươn bí đỏ này.

Nguyên liệu: 200g thịt lươn, một miếng bí đỏ, 100g gạo, hành mùi, dầu ăn, gia vị.

Cách thực hiện: Mẹ vo sạch gạo rồi cho vào nồi ninh nhừ. Bí đỏ thì gọt vỏ, thái nhỏ, hấp chín rồi tán nhuyễn. Sau đó cho thịt lươn và bí đỏ vào nồi cháo và nấu thêm tầm 10 phút. Cuối cùng, đợi cháo chín nhừ thì cho hành lá, mùi, dầu ăn vào khuấy đều và tắt bếp.

2.5. Cháo lươn rau ngót

Rau ngót có tính mát, ngọt cộng với lươn giàu đạm, chất béo và vitamin mang lại nguồn dưỡng chất đầy đủ cho bé yêu từ 7 tháng tuổi.

Nguyên liệu: 200g thịt lươn đã làm sạch, 100g rau ngót, 100g gạo tẻ, hành khô, dầu ăn, gia vị.

Cách thực hiện: vo sạch gạo rồi cho vào nồi đun sôi cho nhừ. Rau ngót rửa sạch và thái nhỏ để bé dễ nhai nuốt. Sau đó phi hành mỡ, bỏ lươn vào xào đến khi thịt lươn săn và ngấm gia vị. Sau khi cháo đã chín nhừ thì cho lươn và rau ngót vào. Đun nhỏ lửa tầm 15 phút nữa thì nêm nếm gia vị, cho hành lá vào, đợi chín và tắt bếp.

2.6. Cháo lươn cà rốt

Cà rốt rất giàu vitamin A, lươn giàu chất đạm, chất béo và các vitamin khoáng chất. Do đó, cháo lươn cà rốt giúp bé phát triển toàn diện. Mẹ có thể nấu món cháo lươn này cho bé ăn dặm từ 7 tháng tuổi.

Nguyên liệu: 50g thịt lươn làm sạch, ½ củ cà rốt, 100g gạo tẻ, gia vị, dầu ăn trẻ em.

Cách thực hiện: Mẹ vo sạch gạo và cho vào nồi với tỷ lệ gạo:nước là 7:10. Sau đó đun nhỏ lửa ninh đến khi nhừ. Lươn đem luộc hoặc hấp sơ qua, cà rốt băm nhỏ hoặc cắt hình hạt lựu. Sau đó cho thịt lươn và cà rốt vào nồi cháo đã ninh nhừ, nêm nếm thêm gia vị và đun nhỏ lửa khoảng 10 phút. Sau khi cháo đã nguội bớt thì mẹ cho thêm 1,5 thìa dầu ăn vào cháo để bé ăn ngon hơn. Ngoài 7 món cháo lươn này thì các mẹ có thể chế biến thêm với các nguyên liệu tự nhiên khác như cháo lươn rau củ quả, cháo lươn đậu xanh cho bé ăn dặm…

2.7. Cháo lươn mồng tơi

Cháo lươn mồng tơi vừa cung cấp chất dinh dưỡng, năng lượng cho bé yêu vừa giàu chất xơ giúp bé không bị táo bón. Đây cũng là một trong những thực phẩm giúp hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh. Do đó, đây là món cháo lươn cho bé ăn dặm được nhiều mẹ thực hiện cho bé yêu từ 7 tháng tuổi.

Nguyên liệu: 500g thịt lươn đã làm sạch, 200g rau mồng tơi, 50g bột gạo, gia vị.

Cách chế biến: Thịt lươn đem hấp sơ qua rồi băm nhỏ, sau đó ướp với ½ thìa nước mắm trong 15 phút. Rau mồng tơi nhặt lá rửa sạch rồi xay nhuyễn lấy nước, bỏ bã. Tiếp đó mẹ phi hành mỡ và cho lươn vào xào. Bột gạo cho vào nồi đun sôi, sau đó cho thịt lươn đã xào và nước lọc rau mồng tơi vào khuấy đều. Nêm nếm gia vị hợp với khẩu vị của bé và đun sôi trong 10 phút rồi tắt bếp.

Cháo lươn mồng tơi giàu năng lượng và chất xơ

Cháo lươn mồng tơi giàu năng lượng và chất xơ (Nguồn: onkiti.com)

3. Lưu ý cách nấu cháo lươn cho bé ăn dặm không tanh

Thịt lươn có nhiều chất dinh dưỡng như vì lươn là động vật sống dưới nước nên không tránh khỏi có mùi tanh. Do đó, khi làm và nấu lươn mẹ cần chú ý một số mẹo sau đây để khử mùi tanh cho món cháo lươn

3.1. Lưu ý khi làm thịt lươn

Lươn khi mua về, mẹ nên ngâm với nước gạo trong 1-3 tiếng để sạch bùn bẩn. Sau đó, cho muối vào để lươn thả hết chất nhớt. Ở vùng quê, một số bà mẹ có thể cho tro và trấu vào để tuốt lươn sạch hơn. Nếu không có tro, trấu thì mẹ có thể dùng giấm nhé. Khi rạch bụng để loại bỏ nội tạng thì mẹ nên dùng nước muối để rửa sạch lươn một lần nữa.

Lươn sau khi được làm sạch thì nên mang đi luộc hoặc hấp. Để loại bỏ mùi tanh hoàn toàn thì mẹ nên cho vào nước luộc, hấp một lát nghệ hoặc gừng.

3.2. Lưu ý khi nấu

Để thịt lươn có mùi thơm ngon, không còn mùi tanh nữa thì mẹ nên phi hành mỡ và xào lươn. Việc này giúp thịt lươn săn chắc, ăn ngon hơn và cũng giúp lươn ngấm gia vị tốt hơn.

Như vậy là bạn đã có 7 công thức nấu cháo lươn cho bé ăn dặm thơm ngon, giàu dinh dưỡng rồi. Mẹ đừng quên các cách khử mùi tanh của lươn để bé ăn dễ dàng hơn nhé.  Tuy nhiên, ngoài việc cho con ăn dặm các mẹ cũng vẫn nên để trẻ dùng các loại sữa bột giúp bổ sung vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, mẹ tham khảo thêm dầu ăn cho trẻ ăn dặm giúp hấp thu tốt nhất các loại vitamin thiết yếu. Chúc các mẹ áp dụng thành công và có những món cháo lươn bổ dưỡng nhất cho bé yêu nhanh lớn, khỏe mạnh!