Mặt bằng cản tiến độ loạt dự án giao thông lớn

Useful
21/07/24
Lượt xem : 43 view
72c662bcc54667183e57 17207619423531652714445 0 111 1168 1980 crop 17207620258821532073499
Rate this post

Thông tin về tình hình triển khai dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến tuần đầu tháng 7/2024, sản lượng thi công dự án đạt hơn 92% giá trị hợp đồng (đã hoàn thành 4/6 cầu).

Mặt bằng cản tiến độ loạt dự án giao thông lớn- Ảnh 1.

Thi công dự án cải tạo cầu yếu trên các quốc lộ (Ảnh: Tạ Hải).

Đáng nói, do công tác GPMB không đáp ứng tiến độ, dự án đã không thể về đích theo kế hoạch ban đầu (tháng 5/2024).

Cho đến nay, tại công trình cầu Đa Phúc (phía TP Hà Nội), mặt bằng phần đường vẫn còn vướng 18 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường). Dự kiến, công tác cưỡng chế, bảo vệ thi công sẽ được thực hiện từ tháng 7/2024; đường đầu cầu Bến Mới phía tỉnh Ninh Bình mới bàn giao tháng 12/2023.

“Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến tháng 3/2025.

Ban QLDA 2 cần đôn đốc các nhà thầu thi công hoàn thành cầu Bến Mới vào tháng 10/2024; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của TP Hà Nội để thực hiện công tác cưỡng chế, bảo vệ thi công cầu Đa Phúc”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị.

Chậm bàn giao mặt bằng cũng đang là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến dự án thành phần 1 thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 chậm tiến độ.

Theo báo cáo, đến đầu tháng 7/2024, sản lượng thi công toàn dự án đạt xấp xỉ 57%, chậm khoảng 7,7% so với kế hoạch.

Trên phạm vi mặt bằng được bàn giao, gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch) đang bám sát tiến độ, đảm bảo hoàn thành vào 30/4/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rút ngắn 4 tháng so với kế hoạch.

Tuy nhiên, sản lượng thi công gói thầu CW2 vẫn chậm 20% so với kế hoạch do thiếu cát đắp nền đường và chậm GPMB (đến giữa tháng 4/2024 mới đủ mặt bằng thi công thông suốt toàn tuyến).

Đáp ứng tiến độ đề ra, hoàn thành dự án vào tháng 9/2025, đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tăng cường huy động máy móc thiết bị, nhân lực, vật lực thi công bù lại khối lượng chậm so với kế hoạch; Chủ động phối hợp với các nhà thầu dự án đường Vành đai 3 TP.HCM để tìm nguồn cát hợp pháp cung cấp cho dự án.

Vướng mặt bằng, dự án tuyến tránh TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng và dự án QL6 tuyến tránh TP Hoà Bình đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành trong năm 2024 theo kế hoạch.

Báo cáo cho thấy, đến đầu tháng 7/2024, tỷ lệ bàn giao mặt bằng tại dự án tuyến tránh TP Cao Bằng mới đạt 87%, sản lượng thi công đạt 54%, chậm tới khoảng 30% do vướng GPMB, tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành theo kế hoạch.

Tại dự án QL6 tuyến tránh TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, mặt bằng bàn giao đạt khoảng 80%. Địa phương chưa ban hành giá đất, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tổ chức chi trả bồi thường cho các hộ dân trong phạm vi đất ở, đất khác đối với phần diện tích GPMB bổ sung; chưa thực hiện xong các thủ tục tái định cư cho 12 hộ dân bị ảnh hưởng. Sản lượng thi công đạt 68,7%, chậm khoảng 2,5%.

Với gần 2,9km mặt bằng chưa được bàn giao, dự án QL7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi – Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An cũng đang chậm hơn 11% so với kế hoạch.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến 3/7/2024, mặt bằng bàn giao dự án đạt gần 95%, sản lượng thi công đạt xấp xỉ 75%.

Tìm hiểu của PV, “nút thắt” mặt bằng cũng đang cản tiến độ hàng loạt dự án giao thông quan trọng khác như: Dự án nâng cấp QL.12A qua Quảng Bình; Dự án nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên QL.20, tỉnh Lâm Đồng; Dự án QL.14B, TP Đà Nẵng; Dự án QL.4B đoạn Km18 – Km80, tỉnh Lạng Sơn…

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source