Tới thời điểm này, dự án thành phần 3 đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã trải qua hơn một năm thi công. Tuy nhiên do vướng mặt bằng, thiếu cát, đất đắp nên tiến độ dự án bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đồng loạt tại các gói thầu, công nhân đang triển khai phát quang, dọn dẹp mặt bằng, đào đắp đất, lu lèn ở một số vị trí.
Trong đó, gói thầu số 26 công nhân đã và đang thi công cọc khoan nhồi ở nhiều trụ, mố, thân, bệ trụ cầu nhánh. Đồng thời hoàn thành đào bóc hữu cơ, lên khuôn đường một số đoạn. Tới nay giá trị tích lũy đạt trên 6,6%.
Tương tự, gói thầu số 29 (nút giao đường tỉnh 25C) công nhân đã hoàn thành thi công cọc khoan nhồi mố M2, trụ T7 cầu vượt nút giao.
Ngoài ra còn triển khai đúc dầm tại bãi và thi công hệ thống thoát nước dọc tuyến đường tỉnh 25C. Thi công một số hạng mục tại nút giao với đường tỉnh 25B và hệ thống thoát nước ở đoạn tuyến này.
Bên cạnh đó, nhân sự cũng dàn đều để triển khai các hạng mục đắp đất, lu lèn được khoảng gần 1km. Giá trị tích lũy đến nay khoảng trên 8%.
Toàn bộ dự án thành phần 3 mới giải ngân được khoảng 13% kế hoạch vốn của năm 2024.
Nhiều nhà thầu cho biết, dự án này phần đất sử dụng là 65ha nhưng đến nay mới giao được khoảng 22% diện tích, vì vậy khó triển khai thi công. Đa số đất da beo, không liền khoảnh, nhiều hộ chưa dỡ nhà…
Đến nay, địa phương mới hoàn thành kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất 100%, đã chi trả tiền bồi thường nhiều đợt cho người dân. Huyện tiếp tục vận động bà con giao đất và hoàn tất các thủ tục còn lại.
Hội đồng xét tái định cư huyện Nhơn Trạch cũng đã xét thống nhất cho 193 hộ đủ điều kiện và tiếp tục xét tái định cư cho các hộ còn lại. Đến nay đã bốc thăm giao lô tái định cư 94 lô.
“Việc chậm bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng đến việc triển khai thi công của các nhà thầu. Do mặt bằng không liền khoảnh, loang lổ nên việc tập kết, di chuyển xe máy, thiết bị vào phạm vi thi công không thuận lợi”, một kỹ sư chia sẻ.
Về nguồn vật liệu phục vụ dự án, ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban QLDA cho biết, vật liệu đắp cũng chưa đảm bảo cung cấp theo kế hoạch thi công. Đơn vị đã có công văn gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam về việc xác định nhu cầu vật liệu đắp còn thiếu và khu vực dự kiến điều phối.
Ngoài ra Ban QLDA cũng đề nghị UBND huyện Nhơn Trạch đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB, ưu tiên bàn giao những vị trí quan trọng để nhà thầu thi công trước.
Song song đó, Ban QLDA còn đề nghị các địa phương hoàn thành các thủ tục pháp lý để các mỏ đủ điều kiện khai thác cát cung cấp cho dự án. Kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chủ trì tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các mỏ thương mại ở địa phương sớm được khai thác cung cấp vật liệu đất đắp cho dự án.
Dự án thành phần 3 Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 11,2km có điểm đầu tuyến thuộc địa phận xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), điểm cuối tuyến nối với dự án thành phần 1A Vành đai 3 ngay vị trí cầu Nhơn Trạch (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch). Tổng vốn đầu tư của đoạn tuyến này là 2.600 tỷ.
Dự án thành phần 3 sẽ xây dựng 5km đường cao tốc khớp nối với dự án thành phần 1A tại nút giao tuyến đường tỉnh 25B. Đồng thời sẽ xây dựng phần đường song hành dọc bên cao tốc với đoạn tuyến dài hơn 11,2km, bao gồm hai cầu vượt sông Rạch Chạy.
Khi hoàn thiện phần đường cao tốc có quy mô 8 làn xe, vận tốc tính toán 100km/h. Còn phần đường song hành bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60km/h. Riêng giai đoạn 1 phần đường cao tốc sẽ có 4 làn xe, đường song hành mỗi bên bố trí 2 làn xe.
Dự án cũng đầu tư xây dựng 2 nút giao khác mức liên thông với cao tốc Bến Lức – Long Thành và nút giao với đường tỉnh 25C. Ngoài ra còn có 4 nút giao với hương lộ 19, đường tỉnh 25B, đường tỉnh 769 và đường Lý Tự Trọng.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Thiết kế nội thất biệt thự tân cổ điển: Yếu tố cần và đủ là gì?
- Review Chai Nước Hoa Mùa Hè Đang Được Yêu Thích
- Top 10 mẫu nail valentine nổi bật ý nghĩa để nàng bộc bạch tình cảm của mình
- Trọn bộ sưu tập game Pokemon cùng mẫu nail Bulbasaur nổi bật
- Bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp THPT: Liệu có tạo nên “cú hích”?