Review Tìm về cội nguồn kinh dịch – Độc giả Trần Hải Bình

Useful
24/09/24
Lượt xem : 31 view
review timvecoinguonkinhdich
Rate this post
Tin tức & sự kiện

Review Tìm về cội nguồn kinh dịch – Độc giả Trần Hải Bình

Bên dưới là lời chia sẻ rất nhiệt tâm của anh Trần Hải Bình khi review về Tìm về cội nguồn kinh dịch. Chúng tôi vô cùng trân quý tình cảm của của anh Hải Bình, chúc anh và gia đình luôn bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. 

Đây một trong số những cuốn sách kinh điển của tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh.


VIỆT TỘC ĐÍCH TRUYỀN

Đã có những nghiên cứu cho thấy những nước cựu thuộc địa sau khi được độc lập vẫn tiếp tục nói thứ “ngôn ngữ” của thực dân.

Chỉ trong vài chục năm làm thuộc địa mà những hệ lụy còn kéo dài rất lâu, thì với lịch sử Việt Nam đã nhiều lần bị Trung Quốc đô hộ, tổng cộng hơn một nghìn năm Bắc thuộc, việc nền văn hiến Việt với nền tảng là thuyết Âm Dương Ngũ hành (thuyết ADNH) và kinh Dịch được coi như có cội nguồn và do chịu sự ảnh hưởng từ nền văn minh Trung Hoa là một điều gần như hiển nhiên và được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên huyền thoại này đã được tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh chứng minh là không có cơ sở một cách vô cùng khoa học và thuyết phục trong công trình đồ sộ Tìm về cội nguồn kinh Dịch của ông.

Review Tìm về cội nguồn kinh dịch-1

Trong Tìm về cội nguồn kinh Dịch, tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã sử dụng những tiêu chí khoa học để thẩm định và chứng minh cả về hình thức (lịch sử hình thành) và nội dung thuyết ADNH không thể có nguồn gốc và thuộc về nền văn minh Hán bởi:

  1. Những mâu thuẫn không thể lý giải trong lịch sử hình thành thuyết ADNH, kinh Dịch và các vấn đề có liên quan như Hà đồ, Lạc thư, Tiên thiên và Hậu thiên bát quái. Đây là vấn đề có ít nhà nghiên cứu quan tâm và nếu có thì cũng cho là không có ảnh hưởng gì, cốt yếu là nội dung của học thuyết có hiệu quả thực tế. Tuy nhiên điều này lại không đáp ứng tiêu chí khoa học xác định rằng lịch sử của một học thuyết phải phù hợp với lịch sử phát triển của nền văn minh chủ thể đã sáng tạo ra học thuyết đó.
  2. Những mâu thuẫn không thể lý giải trong nội dung thuyết ADNH và kinh Dịch. Những mâu thuẫn này đã được nhiều học giả của cả Trung Quốc và Việt Nam nêu ra từ lâu, song ít khi đi xa hơn. Trong khi trên thực tế học thuyết ADNH được ứng dụng rất có hiệu quả trong rất nhiều lĩnh vực như tử vi, phong thủy, Đông y,… Một học thuyết đã phát triển và hoàn chỉnh thì không thể nào bản thân nó đầy rẫy mâu thuẫn không thể lý giải mà ứng dụng của nó lại phát huy tác dụng trên nhiều lĩnh vực như vậy.
  3. Thậm chí ngay những khái niệm cơ bản nhất trong học thuyết như Âm, Dương, Ngũ hành, Bát quái, Hà đồ, Lạc thư thì cho đến ngày nay người Trung Quốc vẫn không hiểu và không nêu ra được nội hàm những khái niệm cơ bản này mà chỉ thuần túy đưa vào để ứng dụng trong các lĩnh vực cụ thể. Hay nói một cách khác là chính người Trung Quốc cũng không thể phục hồi được học thuyết được coi là của họ sáng tạo ra mà vì một lý do nào đó khiến một phần nội dung bị thất truyền.

Những điều này đã buộc tác giả phải trăn trở tìm một hướng nghiên cứu khác, vượt ra khỏi nền văn hóa Hán nhằm tìm câu giải đáp cho những mâu thuẫn, những vấn đề còn bỏ ngỏ.

Vốn là một nhà nghiên cứu nặng lòng với văn hóa, truyền thống dân tộc; với một trí tuệ minh mẫn, vô cùng sắc sảo và tinh tế; cộng với khả năng nghiên cứu miệt mài, bền bỉ; trong suốt gần một phần tư thế kỷ vừa qua, Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã phát hiện những mật ngữ được cha ông ta khéo léo truyền tải vào trong truyền thuyết, huyền thoại, tranh dân gian,… để từng bước phục hồi thuyết ADNH. Từ những mảnh vụn còn sót lại trong văn hóa dân gian, mặc dù phần nhiều đã tan nát với thời gian sau bao thăng trầm của lịch sử, và với một phương pháp độc đáo nhằm phục hồi lại một lý thuyết đã thất truyền hàng nghìn năm, tác giả đã:

  1. Cho thấy có một nền văn minh vô cùng phát triển đã từng tồn tại trên Trái Đất trước nền văn minh hiện tại mà những di sản, tàn tích của nó vẫn còn tồn tại khắp nơi trên thế giới. Nền văn minh này chính là chủ nhân của học thuyết ADNH và dân tộc Việt là người kế thừa.
  2. Phục hồi nội hàm những khái niệm cơ bản nhất của học thuyết ADNH như Thái Cực, Lưỡng nghi, Tứ tượng, Âm, Dương và Ngũ hành. Hiệu chỉnh và phục hồi đồ hình Tiên thiên và Hậu thiên bát quái, cũng như bản chất của bát quái…
  3. Xác định nguyên lý căn để của học thuyết ADNH là mô hình Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt, thay vì Lạc thư phối Hậu thiên Văn Vương như được mặc định. Và thông qua việc sử dụng nguyên lý này, ông đã lý giải những vấn đề có liên quan từ tử vi đến các trường phái phong thủy…một cách hoàn toàn hợp lý, nhất quán, hoàn chỉnh, có tính hệ thống, tính quy luật và khả năng tiên tri theo đúng tiêu chí cho một lý thuyết khoa học.

Trên những cơ sở này, ông rút ra kết luận vô cùng thuyết phục rằng thuyết ADNH là một học thuyết khoa học, mô tả toàn bộ quy luật tương tác và vận động của vũ trụ kể từ khởi nguyên của vũ trụ cho đến ảnh hưởng của vũ trụ và thiên nhiên tới từng hành vi của con người. Bát quái là hệ thống toán học phi ngôn ngữ, mô tả nội hàm của thuyết ADNH.

Đến đây, tôi có 02 điểm nhỏ mong bạn đọc lưu ý:

  • Do thuyết ADNH là một học thuyết khoa học, mô tả toàn bộ quy luật tương tác và vận động của vũ trụ nên dù bạn có tin hay không thì các quy luật của tự nhiên và vũ trụ vẫn có tác động tới bạn trên thực tế.
  • Nguyễn Vũ Tuấn Anh chỉ hiệu chỉnh và phục hồi thuyết ADNH, ông không phải là người sáng tạo ra thuyết ADNH. Điều này có nghĩa là thuyết ADNH cùng với mọi ứng dụng của nó như vẫn được sử dụng hàng nghìn năm qua về cơ bản là đúng, nó chỉ bị sai khi rơi vào những trường hợp mà tác giả đã có sự hiệu chỉnh. Đây là điểm mà Nguyễn Vũ Tuấn Anh bị hiểu lầm, bị chỉ trích nhiều nhất trong nhiều năm qua.

Trên nhiều phương diện thì trường hợp của ông rất giống với Richard Thaler, Nobel Kinh tế năm 2017, và được coi là cha đẻ của Kinh tế học hành vi. Năm 2015, nhà kinh tế nổi tiếng thế giới này đã từng thừa nhận là trong suốt nhiều thập niên, bất kỳ khi nào ông trình bày nghiên cứu của mình thì ông đều cảm thấy như đang phải trải qua việc bị đấu tố như thời Trung cổ, bởi chính các nhà kinh tế học khác vốn là những người rất coi trọng tinh thần khoa học! Nguyên nhân bởi ông xem xét lại một giả định căn bản trong mô hình chuẩn của kinh tế học về bản tính của con người.

Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, Thaler cùng một số nhà khoa học khác đã góp phần hình thành nên lĩnh vực Kinh tế học hành vi. Những nghiên cứu của Thaler và đồng nghiệp đã giúp Kinh tế học phát triển và “thực” hơn. Đối với tôi, nếu có một giải “Nobel” về lý học Đông phương thì không ai xứng đáng hơn Nguyễn Vũ Tuấn Anh.

Nhằm kế tục và làm mới phương pháp giáo dục truyền thống của cha ông, tôi rất hy vọng Nguyễn Vũ Tuấn Anh và các nhà nghiên cứu thế hệ kế tiếp ông trong Trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương xem xét và nghiên cứu việc xuất bản các nội dung chính của cuốn sách này dưới hình thức các bộ truyện tranh, truyện trinh thám, tiểu thuyết,… để phổ biến được rộng rãi hơn cho các bạn đọc phổ thông và đặc biệt là cho các thế hệ thanh thiếu niên. Trong vô số những hạt giống được gieo trồng, thế nào sau này cũng sẽ có một, hai cây đại thụ.

Tôi cũng rất mong tác giả cho bổ sung địa chỉ các trang cá nhân của ông trên các mạng xã hội. Nhờ các bài giảng, bài viết của ông trên các trang này mà tôi đã cải thiện được rất nhiều tốc độ và mức độ đọc, hiểu các cuốn sách của ông. Điều này hẳn cũng sẽ giúp ích được cho rất nhiều bạn đọc khác như tôi.

Phần cuối của cuốn sách được tác giả dành để liên hệ giữa những lý thuyết khoa học hiện đại nhất với thuyết ADNH. Đây là phần thâm sâu và thú vị nhất trong cuốn sách và là tiền đề dẫn đến cuốn Lạc thư chu dịch, cuốn thứ ba trong bộ ADNH tam khúc của ông (Cuốn thứ nhất là Minh triết Việt trong văn minh Đông phương). Lạc thư chu dịch là cuốn sách phục hồi và mô tả nội hàm của thuyết ADNH sau hàng nghìn năm thất truyền, và là một ứng cử viên vô cùng nặng ký cho lý thuyết thống nhất mà các nhà khoa học đang tìm kiếm bấy lâu nay.

Rất mong ông mạnh khỏe, vạn an để tiếp tục hoàn thành cuốn thứ ba này. Theo tôi, Lạc thư chu dịch sau khi được công bố, bất chấp có được biết đến và thừa nhận rộng rãi ngay hay không, sẽ là một “Big Bang” về tri thức!


Đặt mua sách: Tại đây

————————————————

Phong thuỷ là khoa học, không phải tín ngưỡng!