Cần phải có lộ trình truy thu phù hợp
Liên quan đến việc nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiến hành xử lý thu hồi tiền chênh lệch do chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, sáng 17/9, PV Người Đưa Tin tiếp tục ghi nhận ý kiến của một số giáo viên.
Bà T.T.T., giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Theo văn bản của UBND huyện, thì việc thực hiện truy thu diễn ra trong 16tháng. Đây là cái tin quá sốc đối với giáo viên. Bởi trước đó, chúng tôi chưa hề nắm được văn bản nào nói về tiền truy thu này”.
Bà T. cũng cho biết, theo văn bản của UBND huyện, đối với giáo viên THCS thu 5% phần chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng; đối với giáo viên tiểu học, mầm non thu 15%.
Thời gian phải truy thu được tính từ tháng 6/2021 đến ngày 31/8/2024, tức gần 4 năm trời. Theo đó, có những giáo viên lâu năm bậc tiểu học, số tiền bị truy thulên đến 60-80 triệu đồng. Còn đối với bậc THCS, trung bình mỗi giáo viên sẽ bị truy thu từ 30-50 triệu đồng.
Cũng theo bà T., từ tháng 1/2024 có tăng lương cho giáo viên nhưng với bậc giá cả hiện nay cũng tăng lên rất nhiều. Hơn nữa, hầu hết các giáo viên còn phải nuôi con cái ăn học, cha mẹ già.
Thậm chí, nhiều giáo viên phải vay tiền ngân hàng để mua đất, làm nhà, mua phương tiện đi lại… Do đó, việc truy thu tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời gian ngắn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của giáo viên.
“Tiền chúng tôi hưởng không phải lỗi của giáo viên mà do cấp trên nghiên cứu sai. Nếu như trước đó mà có quyết định không được hưởng thì chúng tôi cũng không được hưởng số tiền này. Hơn nữa, tiền của Nhà nước phát về cho giáo viên trong thời gian gần 4 năm thì chúng tôi đã tiêu rồi.
Nếu buộc phải truy thu để nhập vào ngân sách Nhà nước thì cấp tỉnh, huyện phải có lộ trình truy thu cho hợp lý để không ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên. Đồng thời, phải thực hiện lấy ý kiến của giáo viên các trường. Hơn nữa, nếu giáo viên về hưu rồi thì có thất thoát hay không”, bà T. nhấn mạnh.
Lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn thị trấn Quảng Phú (huyện Cư Mgar) cho hay, trước nhiều luồng ý kiến trái chiều, sáng 17/9, UBND huyện Cư Mgar đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các trường đóng trên địa bàn các xã Quảng Tiến, xã Ea Kpam và thị trấn Quảng Phú.
Tại cuộc họp, đại diện các trường đều đồng ý việc thực hiện truy thu tiền chênh lệch do chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo vượt mức. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều đề nghị huyện giãn thời gian truy thu ra 38 tháng nhằm giúp cho các giáo viên, nhà giáo yên tâm công tác và ổn định cuộc sống.
Bởi, nguồn thu nhập của các giáo viên đều phụ thuộc vào đồng lương và phải chi tiêu rất nhiều thứ trong gia đình. Do đó, nếu thực hiện truy thu trong thời gian 16 tháng thì áp lực về kinh tế hằng tháng của mỗi giáo viên rất lớn.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo trường tiểu học nói trên, sau khi lắng nghe ý kiến của các trường, lãnh đạo huyện Cư Mgar đã tiếp thu ý kiến và giao cho đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho huyện kế hoạch truy thu phù hợp.
Vì sao nhiều xã không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi?
Ông Lê Ngọc Vinh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho hay, theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 thì tỉnh Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (quyết định này thay thế cho Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017).
Theo quyết định này, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giảm 54 xã so với Quyết định 582 ngày 28/4/2017) gồm: 54 xã khu vực III (hay còn gọi là xã đặc biệt khó khăn), 71 xã khu vực II và 5 xã khu vực I.
Theo thông tin từ ông Vinh, sở dĩ 54 xã còn lại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi sau khi Quyết định 861 có hiệu lực từ ngày 4/6/2021 vì: Chiếu theo Quyết định 33/2020/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11/2020 về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 thì các xã này không đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 2 là có tỉ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.
Ông Vinh thông tin, ngay sau khi các Quyết định 861 có hiệu lực pháp luật, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản triển khai quyết định này về tới tận cơ sở từ huyện, xã, các thôn buôn, cũng như các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cho tới nay, qua nắm bắt ở cơ sở cho thấy, người dân từ các thôn, buôn đều rất hiểu rõ Quyết định 861.
Thế nhưng, không hiểu vì sao một số địa phương lại không biết xã đó không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dẫn tới chi trả chế độ chính sách cho giáo viên chưa đúng quy định và phải thu hồi.
Dẫn đến tình trạng này, ông Vinh cho rằng, trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị trực tiếp tham mưu, nghiên cứu, cập nhật các văn bản, chế độ chính sách ở cấp địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được kịp thời.
“Qua đây, chúng tôi đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải quán triệt cho công chức, những người tham mưu trực tiếp cho thủ trưởng đơn vị về việc thực hiện các chế độ chính sách, các chế độ chi cho giáo viên phải chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng phải thu hồi sau khi bị phát hiện bởi cơ quan có thẩm quyền”, ông Vinh nhấn mạnh.
Như Người Đưa Tin đã phản ánh, ngày 6/10/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Theo đó, đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi 50%; địa bàn đồng bằng, thành phố, thị xã được hưởng phụ cấp ưu đãi 35%.
Đối giáo viên dạy tại các trường THCS, THPT đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa được hưởng phụ cấp ưu đãi 35%; địa bàn đồng bằng, thành phố, thị xã được hưởng phụ cấp ưu đãi 30%.
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Kể từ khi Quyết định 861 có hiệu lực, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nữa. Toàn tỉnh chỉ còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giảm 54 xã so với Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Tuy nhiên, từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2024, một số huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo mức ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa dẫn đến chi trả phụ cấp ưu đãi vượt mức quy định.
Mới đây, nhiều địa phương ban hành văn bản xử lý thu hồi tiền chênh lệch do chi trả phụ cấp ưu đãi vượt định mức quy định như nói trên khiến nhiều giáo viên không khỏi hoang mang, lo lắng, thậm chí bị “sốc”.
Khánh Ngọc
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Nhuộm tóc phủ bạc là gì? Có nên nhuộm phủ bạc thường xuyên hay không?
- Hướng dẫn cách hủy gói đăng ký trên Google Play giúp bạn kiểm soát chi tiêu dễ dàng hơn
- Công bố CCTV trước khi Liam Payne ngã lầu tử vong, phát hiện điểm bất thường trong cái chết của nam ca sĩ
- Top 3 Chai Sữa Rửa Mặt Tạo Bọt An Toàn Cho Làn Da
- Quốc Thiên bật khóc 3 lần giữa thời tiết giá lạnh tại Đà Lạt