Hiện nay, nhằm giúp các trường đại học tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo,…việc đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào học phí là bài toán cần phải được bàn tới.
Cùng với ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được xem là một trong những giải pháp được các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn.
Để phát huy hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh cho rằng rất cần có chính sách khuyến khích các trường đại học tăng cường nghiên cứu khoa học.
“Lãnh đạo các trường đại học đều mong muốn đa dạng hóa nguồn thu, giảm tỉ lệ thu học phí trong tổng thu của họ nhưng có thể nói là chưa hiệu quả. Lý do thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn bắt nguồn hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được như kỳ vọng”, ông Nguyễn Kim Hồng cho hay.
Theo chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học cần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, để làm được điều này không còn cách nào khác ngoài việc có chính sách hỗ trợ tài chính nghiên cứu từ Nhà nước.
Ngoài ra, cũng cần giảm các loại thuế, phí liên quan nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước đặt hàng các trường đại học giải quyết những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, giải pháp quản lý,…
Nếu “gỡ” được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trong vấn đề đặt hàng nghiên cứu thì có thể tăng được tỉ lệ nguồn thu ngoài học phí của các trường.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lê Đông Phương – nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn về ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là chú trọng nghiên cứu đầu tư cho từng bậc học cụ thể. Chuyên gia cũng lo ngại, dường như phân chia ngân sách hiện nay vẫn mang cảm tính, mà không có cơ chế cụ thể.
“Các nhà hoạch định chính sách cần cân đối lại mục tiêu phát triển. Chúng ta hiện nay tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng liệu có ổn nếu không có người đủ trình độ, năng lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội?”, ông Lê Đông Phương đặt ra câu hỏi.
Ở đây, ông Phương nhận thấy khoảng 10 năm trở lại đây kinh phí dành cho các trường đại học bị cắt giảm nhiều. Chính vì ngân sách Nhà nước cấp quá ít, khiến các trường không có kinh phí bù đắp vào hoạt động đào tạo, buộc lòng phải dựa vào học phí.
“Đây là điểm “dị thường” khi chúng ta đã ghi vào Luật Giáo dục là ngân sách dành cho giáo dục là 20%, nhưng lại không thực hiện được. Vì vậy, các trường đại học phải thu học phí đảm bảo đủ chi ở mức thấp nhất, điều này khiến ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo” TS. Lê Đông Phương đánh giá.
Đối với giải pháp tăng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, ông Phương cũng cho rằng, rất khó để đây trở thành nguồn thu chủ yếu nếu không có sự đặt hàng từ phía doanh nghiệp, hay Nhà nước tạo được động lực cho các trường thực hiện nghiên cứu.
Trước băn khoăn việc tăng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học có mâu thuẫn với chủ trương tự chủ đại học không, ông Lê Đông Phương trả lời: “Tự chủ đại học là tự thực hiện nhiệm vụ của mình trong khuôn khổ cho phép. Tăng chi ngân sách cho đại học là nghĩa vụ của Nhà nước, vì điều này liên quan đến phúc lợi xã hội đối với sinh viên. Điều này thể hiện rõ qua việc Nhà nước đầu tư cho một số lĩnh vực thị trường không điều tiết được như khoa học cơ bản, thu hút sinh viên đi học”.
Còn theo TS. Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, khi nguồn thu từ sự hỗ trợ của của Nhà nước chưa đáp ứng được khoản kinh phí đào tạo, các trường đại học sẽ buộc phải tìm kiếm tài chính từ các nguồn lực khác thông qua các dự án đầu tư quốc tế, hoạt động nghiên cứu, lao động sản xuất…
Tuy nhiên ở nước ta, việc đa dạng hóa các nguồn thu trên chưa thực sự đạt hiệu quả. Nguồn thu của các trường đại học vẫn chủ yếu phụ thuộc vào học phí.
“Nếu tăng học phí là cách để tạo nguồn thu sẽ khiến cho nhiều thí sinh không có cơ hội vào đại học. Các trường đại học phải tính toán được mức học phí sao cho không được vượt khả năng chi trả thu nhập trung bình của người dân”, ông Khuyến bày tỏ.
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng các trường đại học phải làm sao tối ưu hóa được chi phí. Khi các chi phí được tính toán, sử dụng hiệu quả tối đa, cắt giảm được những phần không cần thiết, nguồn thu sẽ dồi dào hơn.
“Nhà trường phải tạo ra cơ chế hoạt động hiệu quả, có kế hoạch sắp xếp cụ thể, phù hợp, loại bỏ các khoản chi tiêu không thiết yếu. Cần phải tính toán được mức học phí hợp lý hơn cho sinh viên”, ông Khuyến đưa ra giải pháp.
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Song Hye Kyo lộ ảnh tình cảm bên bạn thân ngoài làng giải trí, hé lộ tính cách ngoài đời thật
- Review công nghệ tẩy trắng răng Bleachbright có ê buốt không, chi phí
- Vướng tin bị loại đau đớn, chị đẹp này vẫn chiếm spotlight vì hành động gây nức lòng
- So sánh Vichy Rehydrating Cream Gel và Avene Aqua Optimale nên mua loại nào
- 6 xe côn tay dưới 35 triệu dáng đẹp động cơ mạnh mẽ giảm sóc