Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương thức để xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh Trung học Cơ sở và tuyển sinh Trung học Phổ thông, thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT thay thế thông tư hiện hành. Theo đó, có 2 phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT gồm xét tuyển và thi tuyển.
Với phương thức thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi do Sở GDĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Môn thi thứ ba công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Theo đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến đa chiều của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh, đó là việc bốc thăm để chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Đặc biệt, với phương thức xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Thời lượng dành cho các môn thi: Môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút; môn thi còn lại không quá 90 phút; môn thi chuyên 150 phút.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9. Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở; đề thi bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Ngoài nội dung trên, Bộ GD&ĐT cũng xin góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến: thành lập các Hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi theo phạm vi quản lý; ra đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo bài thi; việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi.
Trao đổi với TTXVN, chị Nguyễn Phương Lan ở Hà Nội, có con đang học lớp 9, lo lắng: Nếu phương án bốc thăm môn thi thứ 3 được áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì sẽ gây áp lực rất lớn đến học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10. Vì trong chương trình Trung học Cơ sở hiện nay, các con không chỉ học đơn môn mà có các môn tích hợp như: Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Lịch sử – Địa lý. Nếu bốc thăm vào các môn tích hợp thì khối lượng kiến thức các con phải học, ôn tập để thi sẽ thành 4 – 5 môn.
Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cho rằng, việc Bộ GD&ĐT lo ngại thi cố định cả 3 môn sẽ gây học lệch cũng có lý. Tuy nhiên, cần xét ở khía cạnh khác là việc bốc thăm một trong số các môn khiến môn nào cũng có thể trở thành môn thi và có thể xảy ra tình huống học sinh sẽ phải học thêm để luyện thi tất cả các môn học.
Sức nóng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
Những năm qua, sức nóng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội chưa có dấu hiệu giảm. Theo số liệu hằng năm do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thường có hơn 100.000 học sinh tham gia.
Áp lực của kỳ thi cũng là do phần lớn các gia đình học sinh đều mong muốn con trúng tuyển vào trường THPT công lập, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường này thường chỉ chiếm hơn 60% trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS.
Số còn lại phân luồng theo học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp.
2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018. So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử – Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Vì vậy, kỳ thi này hiện đang rất được phụ huynh và thí sinh quan tâm.
Theo Đại Đoàn Kết, về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, căn cứ cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị, các phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của môn học và tổ chức cho học sinh tập dượt kỹ; khuyến khích các nhà trường xây dựng thư viện số về đề kiểm tra nhằm tăng cường sự trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau.
Theo ông Cương, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, đối với môn Ngữ văn, trong quá trình kiểm tra, đánh giá, các nhà trường tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, trình UBND thành phố để công bố trong thời gian sớm nhất.
Trúc Chi (t/h)
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source