TP.HCM: Nhà thầu “ngồi trên lửa” vì cước vận chuyển cát

Useful
10/10/24
Lượt xem : 5 view
photo 1728313700577 1728313700865560906909 0 0 1048 2000 crop 17283137823361668440789
Rate this post
Mục lục

10 phần cát gánh 4 phần cước

Cuối tháng 9, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn giáp sông Rạch Chiếc (phường Long Trường, TP Thủ Đức) đang thi công nhưng thiếu cát trầm trọng.

TP.HCM: Nhà thầu “ngồi trên lửa” vì cước vận chuyển cát- Ảnh 1.

Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP Thủ Đức bị ảnh hưởng tiến độ vì thiếu cát.

Anh H, kỹ sư giám sát một gói thầu chia sẻ: “Hơn nửa năm nay, nhà thầu vừa xoay xở bù sản lượng bị hụt vừa chờ cát khiến tiến độ tổng thể sụt giảm rất nhiều.

Đầu tháng 9, nguồn cát nhập khẩu Campuchia dồi dào trở lại nhưng giá thành vận chuyển lại tăng cao”.

Thay vì vận chuyển bằng xe ben đến chân công trình như trước, nhà thầu buộc phải lên phương án sử dụng phà bơm, kéo đường ống đi dọc công địa để đắp nền.

Ông T, giám đốc một doanh nghiệp gần 20 năm kinh nghiệm cung ứng cát, đá tại TP.HCM cho biết, nguồn cát san nền cho các dự án giao thông trước đây chủ yếu lấy từ các mỏ nội địa gần TP.HCM.

Khi các mỏ này bị đóng cửa, các doanh nghiệp cung ứng như của ông phải mua lại cát qua các doanh nghiệp nhập khẩu từ Campuchia về cửa khẩu Vinh Xương (An Giang). Lộ trình quá xa cùng nhiều công đoạn, thủ tục đã cấu thành vào giá vận chuyển, làm xảy ra tình trạng “10 phần cát gánh 4 phần cước”.

Cát đội giá

Để rõ thực hư, PV liên hệ Công ty H.M, một trong 16 doanh nghiệp nhập khẩu cát Campuchia phân phối cho các doanh nghiệp thương mại nội địa. Nhân viên công ty này cho biết, loại cát san nền thường sử dụng trong các công trình giao thông hiện có giá tại sà lan dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/m3.

“Giá bán tại chỗ, đặt cọc 30%, chuyến nào thanh toán chuyến đó. Việc vận chuyển từ An Giang về TP.HCM bên anh tự sắp xếp”, người này cho biết.

Nhân viên Công ty D.L, một doanh nghiệp nhập khẩu cát khác cũng báo giá tương tự và chia sẻ thêm: “Trước đây sà lan 1.000m3 trở lên tính giá gia công 65.000 đồng/m3 từ An Giang về TP.HCM. Bây giờ giá đã đội lên 82.000 đồng/m3 rồi. Mỗi chuyến phải chi hơn 80.000.000 đồng tiền vận chuyển”, người này cho biết.

Tại TP.HCM, khi cộng thêm chi phí cạp từ sà lan lên bãi, xúc từ bãi lên xe và chở đến công trình, mỗi m3 cát lại đội thêm 55.000 – 70.000 đồng/m3 tùy vào quãng đường.

Như vậy, tổng chi phí cấu thành giá một khối cát san nền của doanh nghiệp từ 305.000 – 320.000 đồng. Trong đó, tổng chi phí vận tải cả đường thủy và đường bộ chiếm đến hơn 40%, hiện tượng chưa từng xảy ra vào những năm trước đó.

Không chỉ dự án đường Vành đai 3, khan hiếm cát khiến nhiều dự án chậm trễ, hàng trăm hạng mục đoạn tuyến không thể nghiệm thu. Chủ đầu tư không thể giải ngân, nhà thầu muốn làm nhanh cũng không được. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp vật tư phụ trợ như ngành bê tông lại bị gối đầu công nợ từ các nhà thầu thi công.

“Tiền mua cát, mua xi măng sản xuất bê tông phải trả ngay nhưng có nhà thầu nợ đến 4 tháng chưa thanh toán. Doanh thu đầu năm đến nay của chúng tôi gần 20 tỷ nhưng công nợ chiếm 70%. Không biết trụ được đến bao giờ. Bây giờ nghe nói đến đơn hàng số lượng lớn là thấy phân vân”, đại diện một đơn vị sản xuất bê tông tại TP Thủ Đức chia sẻ.

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Trong lúc thị trường vật liệu cát nhiều biến động mạnh, TP.HCM đã có các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư, nhà thầu thuộc các dự án giao thông trọng điểm.

TP.HCM: Nhà thầu “ngồi trên lửa” vì cước vận chuyển cát- Ảnh 2.

Sà lan cát trên hành trình từ cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) về TP.HCM.

“Thành phố đã nghiên cứu trích 120 tỷ đồng để bù giá cho công trình do hiện tại giá thị trường của cát nhập khẩu từ Campuchia hơn 360.000 đồng/m3, trong khi hợp đồng các gói thầu xây lắp chỉ ở mức 240.000 đồng/m3”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại cuộc họp với Ban Quản lý dự án Đầu tư các công trình giao thông cuối tháng 9.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án Đầu tư các công trình giao thông TP.HCM, quá trình phối hợp của Tổ công tác vật liệu TP.HCM với UBND tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre rất khả quan. Từ tháng 10, nguồn cát từ ba tỉnh này sẽ bắt đầu về công trường sau khi hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ.

Dự kiến, tỉnh Tiền Giang có ba mỏ sẽ hoàn thành thủ tục cấp phép, tổng khối lượng cung cấp 6,6 triệu m3, riêng trong năm 2024 có thể cung cấp 3 triệu m3. Tỉnh Vĩnh Long sẽ cấp cát cho dự án Vành đai 3 với tổng khối lượng cát 1,4 triệu m3, giai đoạn cuối năm 2024 là 700.000 m3. Tỉnh Bến Tre sẽ cấp cát cho dự án Vành đai 3 vào cuối năm nay, dự kiến 1 triệu m3.

Không chỉ dự án Vành đai 3, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số công trường dự án trọng điểm khác như kênh Tham Lương, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50, nhà thầu cũng đã tổ chức phân bổ khối lượng từng hạng mục. Trong đó có việc rút ngắn thời gian ở một số công đoạn như đúc cấu kiện, hào kỹ thuật vốn là khu vực có giải pháp không quá phụ thuộc vào tỷ trọng cát.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source