Thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư: Không lo phí chồng phí

Useful
20/10/24
Lượt xem : 31 view
cao toc phan thiet 1729351210507417678284 0 43 1022 1678 crop 1729351228304158782165
Rate this post

Đã loại trừ các thuế, phí liên quan

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024 quy định thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Tán thành việc trả phí khi đi trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, anh Đinh Văn Thu (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên đi công tác bằng xe cá nhân, cũng như quen với việc phải trả phí khi đi trên cao tốc.

Thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư: Không lo phí chồng phí- Ảnh 1.

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước đã đưa vào khai thác.

“Khi Nhà nước thu phí các tuyến cao tốc được đầu tư bằng tiền ngân sách, số tiền thu phí sẽ được dùng để duy tu, bảo dưỡng hệ thống cao tốc đó như thế nào”, anh Thu băn khoăn.

Cùng quan điểm, anh Lê Tuấn Anh (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng băn khoăn về những tuyến đường thu phí, hoặc có thể bị “phí chồng phí”. Cần cân nhắc sao cho phù hợp, tránh tình trạng mức phí cao quá hoặc thu tại những tuyến đường không đúng.

Lý giải vấn đề này, ông Đinh Cao Thắng, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đường bộ VN cho hay, hiện nay Nhà nước đã thu phí đường bộ theo đầu phương tiện. Việc thu phí cao tốc thông qua trạm thu trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể nhiều người băn khoăn và có ý kiến cho rằng “phí chồng phí”.

Theo ông Thắng, mức phí đã được cơ quan chuyên môn tính toán trên cơ sở loại trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan, trong đó đã loại trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện.

Cũng theo ông Đinh Cao Thắng, hiện tất cả các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều đang có đường quốc lộ song hành. Theo đó, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ hiện có hoặc trả phí sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.

Phí bảo trì đường bộ được trả cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ nói chung, còn việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới các cao tốc khác, tạo nguồn kinh phí cho công tác bảo trì, duy tu tuyến đường thu phí.

“Việc thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác không xảy ra phí chồng phí”, ông Thắng khẳng định.

Minh bạch, công bằng

Cũng theo ông Đinh Cao Thắng, phí sử dụng đường cao tốc được xác định trên nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và tính đến giá trị lợi ích dịch vụ mang lại của đường cao tốc so với các quốc lộ thông thường. Đặc biệt là tính toán kỹ đến khả năng chi trả của người sử dụng.

Với mức phí quy định tại Nghị định 130/2024, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với các tuyến cao tốc đang khai thác, dự kiến số phí thu được là 3.636 tỷ đồng/năm. Số nộp ngân sách dự kiến là 3.399 tỷ đồng, sau khi trừ chi tổ chức thu phí 6,5% số thu theo quy định.

Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước và được sử dụng để chi cho công tác xây dựng, nâng cấp, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.

Nói về việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông khẳng định, đối với đường cao tốc, chi phí lớn nhất phải tính đến là chi phí bảo trì công trình. Chúng ta phải định kỳ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của công trình, rồi 5 – 10 năm phải trung, đại tu để đảm bảo cho người tham gia giao thông an toàn”, ông Chủng nói.

“Việc thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư không phải là phí chồng phí mà là một biện pháp cần thiết để duy trì nguồn vốn bảo trì đường bộ và phát triển hệ thống cao tốc tiếp theo. Việc người dân có quyền lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng đường cao tốc là minh chứng rõ ràng cho tính minh bạch và công bằng của chính sách này”, ông Chủng nói.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source