Ngay sau khi đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được công bố, Ngữ văn là một trong những nội dung được đông đảo thầy cô giáo, học sinh quan tâm.
Với Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT yêu cầu tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích dẫn được học trong sách giáo khoa, để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ. Điều này, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Đây cũng là yêu cầu then chốt khiến thay đổi cách ra đề thi môn học này.
Câu hỏi vừa lạ vừa quen
Đánh giá, đề thi phù hợp với sự đổi mới là nhận xét của thầy Đoàn Mạnh Linh – Giáo viên Trường THPT FPT sau khi đọc đề thi tham khảo.
“Cách ra đề này đã chấm dứt tình trạng học tủ, thuộc văn người khác. Đồng thời, nâng cao năng lực đọc hiểu một tác phẩm văn chương, khi người học có nền tảng tri thức thể loại.
Bên cạnh đó, việc để câu nghị luận xã hội chiếm tới 4 điểm và yêu cầu viết bài văn 600 chữ, không chỉ giúp người viết thể hiện được quan điểm cá nhân, được cá tính sáng tạo, mà qua đó các em bày tỏ trách nhiệm, ý thức của người trẻ với những vấn đề xã hội đương thời”, thầy Đoàn Mạnh Linh bày tỏ.
Phân tích từng phần, thầy giáo cho hay phần đọc hiểu tăng lên 5 câu, lần lượt với các cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, cách hỏi câu nhận biết cũng đổi mới.
Thầy Linh phân tích: “Với câu 1 và 2 phần đọc hiểu, thay vì hỏi những vấn đề quen thuộc như thể thơ của văn bản là gì? Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong dòng thơ trên là gì? Cách hỏi mới yêu cầu học sinh phải hiểu rất rõ đặc điểm thể thơ, đặc biệt là dấu hiệu hình thức và cách tạo nên biện pháp nghệ thuật. Như vậy, câu hỏi nhận biết đã tăng độ khó hơn”.
Câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, theo thầy giáo mặc dù không quá khó, nhưng để làm được điểm tối đa, yêu cầu người viết phải có năng lực cảm thụ, phân tích văn bản, lại đồng thời phải có năng lực diễn đạt. “Chắc chắn rằng, để đạt điểm tối đa câu 3,4 và 5 không đơn giản, dù đáp án đưa ra tương đối nhẹ nhàng”, thầy Linh nhấn mạnh.
Đối với nghị luận văn học, tuy không khó như câu hỏi của đề tham khảo năm 2023, điều này giúp các em “dễ thở” hơn trong làm bài. “Nhưng, câu hỏi này có tính phân loại cao, bởi phân tích cảm nhận một tác phẩm mới, chỉ có thời gian cảm nhận vỏn vẹn hơn kém một tiếng, chưa bao giờ là điều dễ dàng, nên giám khảo dễ dàng lọc ra những cây bút có năng lực văn chương tốt”, thầy Đoàn Mạnh Linh bày tỏ.
Về nghị luận xã hội, câu hỏi đưa ra quen thuộc, vấn đề được chọn có nội dung được qua tâm trong bối cảnh thực tại, học sinh chỉ cần quen với kỹ năng làm bài, có tư duy lập luận, hiểu biết xã hội, hoàn toàn giành được điểm cao.
Đánh giá tổng quát, thầy Linh cho biết: “Đề thi tuy vẫn còn một số bất cập như chọn ngữ liệu về Hà Nội, sẽ gây khó khăn cho các em ở địa phương khác, chưa từng ghé thăm Hà Nội. Hoặc như vấn đề AI, những đối tượng vùng sâu xa, vẫn còn gặp cản trở trong việc tiếp cận, thì đề thi tham khảo đã đáp ứng trọn vẹn tinh thần của Chương trình GDPT 2018, có tính phân loại cao, triệt tiêu việc học tủ và cơn mưa điểm 9 như kỳ thi năm 2024”.
Cần có phương án ôn tập hiệu quả
Với đề thi mới, chia sẻ với Người Đưa Tin, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Giáo viên môn Ngữ Văn tại Tuyensinh247.com nhận thấy học sinh trung bình có thể giải quyết được 5 – 6 điểm. Phổ điểm của học sinh khá vào khoảng 7 điểm, mức 8.5 điểm trở lên có thể phân loại rõ ràng hơn đối tượng học sinh giỏi.
Đề thi môn Ngữ văn cũng được đánh giá, không những có thể kiểm tra được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông, mà vẫn có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học.
Để có một kỳ thi đạt kết quả cao, đưa ra một số gợi ý ôn tập cho các em học sinh, cô Quỳnh Anh chia sẻ: “Với nội dung như hiện nay, thí sinh cần tăng cường luyện tập các dạng bài đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Cùng với đó, làm nhiều đề thi thử bám sát cấu trúc của đề thi để có sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch tự ôn tập khoa học, học đúng trọng tâm, chất lượng, thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác cũng là điều cần thiết”.
Mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia nhằm dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; Cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; Cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thi tốt nghiệp THPT quốc gia đảm bảo các yêu cầu: nghiêm túc, khách quan, công bằng.
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source