Nút giao An Phú có tiến độ tốt nhưng vẫn vướng hơn 22.000m2 mặt bằng

Useful
24/10/24
Lượt xem : 34 view
nut giao an phu 8 1727415987006470259282 140 0 677 1025 crop 1729768613242817581822
Rate this post

Chiều 24/10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan về dự án trọng điểm trên địa bàn.

Nút giao An Phú tiến độ tốt

Báo cáo về dự án nút giao An Phú, đại diện Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) cho biết, tiến độ dự án đang bám kế hoạch. Đối với nhóm gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật (bốn gói thầu), việc di dời đường ống cấp nước đạt 39,27%; di dời điện đạt 26,07%; di dời cây xanh đạt 46,62%; riêng gói di dời viễn thông chưa triển khai.

Nút giao An Phú có tiến độ tốt nhưng vẫn vướng hơn 22.000m2 mặt bằng- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại buổi làm việc. Ảnh: M.Q

Đối với nhóm 10 gói thầu xây dựng, hiện các nhà thầu đang thi công 8 gói. Trong đó, gói XL5 xây dựng hầm chui HC1-01 đã hoàn thành trụ K1 đến K8, K14 đến K19, đang thi công K12, K13. Sản lượng gói này đạt 64%, dự kiến tháng 1/2025 sẽ thông xe hầm này.

Gói thầu XL6 xây dựng hầm chui HC1-02 đã hoàn thành trụ K4 đến K6, K9, K16 đến K21, đang thi công K1 đến K3, K7, K8, K14. Sản lượng gói thầu đạt 45%, dự kiến thông xe hầm này vào tháng 8/2025.

Gói thầu XL7 xây dựng cầu Bà Dạt đang chuẩn bị phân luồng để thi công bù vênh. Sản lượng gói thầu này đạt 80%, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024. Song song đó, gói thầu xây dựng cầu Giồng Ông Tố cũng đã hoàn thành 94%, đang được lắp đặt khe co giãn và lan can cầu. Gói thầu này dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024.

Nút giao An Phú có tiến độ tốt nhưng vẫn vướng hơn 22.000m2 mặt bằng- Ảnh 2.

Công trường thi công nút giao An Phú. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Ngoài ra, dự án có một gói thầu chiếu sáng sẽ khởi công cuối năm 2024 và hai gói thầu (mặt bằng nút giao, cầu bộ hành) sẽ khởi công trong năm 2025. Riêng nhóm gói thầu hoàn thiện khởi công năm 2025 gồm xây dựng tháp trung tâm; cây xanh, camera và biển quảng cáo.

Đến nay, tỷ lệ hoàn thành dự án đạt 52%, giải ngân năm 2024 đạt 34% đối với ngân sách trung ương (170,885 tỷ/500 tỷ); đạt 1,09% ngân sách địa phương (7,8 tỷ/720 tỷ đồng).

Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án vẫn đang bị vướng, cần được tháo gỡ. Trong đó, khu đất 2.229,8 m² (thuộc quy hoạch công viên cây xanh) có 20/23 trường hợp nhận tiền, mới bàn giao mặt bằng hai trường hợp. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp còn lại đều đã chấp thuận bàn giao mặt bằng, đang tháo dỡ, di dời.

Đặc biệt khó khăn nhất hiện nay là phạm vi hơn 22.000 m2 thuộc ranh khu đô thị phát triển phường An Phú (trên đường Lương Định Của) chưa được giải quyết, bàn giao mặt bằng để thi công.

Nút giao An Phú có tiến độ tốt nhưng vẫn vướng hơn 22.000m2 mặt bằng- Ảnh 3.

Phạm vi hơn 22.000m2 trên đường Lương Định Của chưa được giải phóng mặt bằng để làm dự án nút giao An Phú. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo đại diện Ban Giao thông, việc chậm trễ bàn giao mặt bằng tại khu vực này làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo giao thông khu vực. Nguyên nhân vì hiện trạng mặt đường thấp, không có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh dẫn đến hư hỏng mặt đường. Đồng thời, ảnh hưởng đến tiến độ mở rộng đường Lương Định Của cũng như phần đường đầu cầu phía mố M1 gói thầu xây cầu vượt nhánh N1.2 của dự án An Phú.

Nếu cần có thể cưỡng chế

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá, dự án nút giao An Phú được Ban Giao thông cùng các nhà thầu nỗ lực triển khai, có tiến độ tốt. Dù vậy, ông yêu cầu các đơn vị phải dốc toàn lực để thi công, hoàn thành càng sớm càng tốt. Những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án vẫn là giải phóng mặt bằng, mà gốc rễ chính là bồi thường.

Nút giao An Phú có tiến độ tốt nhưng vẫn vướng hơn 22.000m2 mặt bằng- Ảnh 4.

Toàn cảnh buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP.HCM với lãnh đạo UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Do đó, với các trường hợp đang tranh chấp đất, chưa bàn giao mặt bằng, chính quyền TP Thủ Đức cần tiếp tục vận động để người dân bàn giao. Các trường hợp nhận đất, bố trí tái định cư, phải nhanh chóng bố trí, cấp giấy, không chần chừ.

Ông Hoan yêu cầu TP Thủ Đức vận động người dân bàn giao mặt bằng trước ngày 10/11 để giao cho chủ đầu tư. “Nếu cần có thể thực hiện cưỡng chế, không tiếp tục chờ đợi. Bên cạnh đó, phải có lộ trình cụ thể, bàn giao cho chủ đầu tư để có kế hoạch triển khai ngay”, ông Hoan nhấn mạnh.

Đối với mặt bằng phạm vi hơn 22.000m2 trên đường Lương Định Của, ông Hoan đánh giá, đây là việc rất khó tháo gỡ. Để giải quyết việc này cần phải có chủ trương. Yêu cầu TP Thủ Đức rà soát kỹ lưỡng về trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp trong dự án. Rà soát có bao nhiêu chủ đầu tư chịu trách nhiệm, diện tích mỗi chủ đầu tư là bao nhiêu, đã bồi thường bao nhiêu và chưa bồi thường bao nhiêu; quy ra đơn giá bồi thường hiện nay như thế nào… rồi quy cho từng chủ đầu tư.

Trên cơ sở đó, TP Thủ Đức mời doanh nghiệp làm việc, yêu cầu có văn bản rõ ràng về việc doanh nghiệp có thực hiện hay không. Nếu có, thanh toán theo phương pháp nào, thanh toán một lần hay nhiều lần; thời hạn kết thúc ra sao. Việc này phải triển khai ngay và sớm có báo cáo UBND TP.HCM.

Ga Thủ Thiêm của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nằm ở vị trí nào?Ga Thủ Thiêm của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nằm ở vị trí nào?

Ga Thủ Thiêm có diện tích khoảng 17ha, tọa lạc giữa hai trục đường lớn là đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của (phường An Phú, TP Thủ Đức). Đây là ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source