Tập huấn sách giáo khoa trong đổi mới giáo dục

Useful
02/11/24
Lượt xem : 31 view
anh 2 1 chuong trinh nhieu bo sgk 17305132952931473985553 0 0 487 930 crop 17305135126941852018572
Rate this post

Năm học 2024-2025 là năm học thứ năm Chương trình GDPT 2018 được triển khai. Để chương trình được thực hiện thành công, công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng dạy học.

Hiểu rõ “đích đến” của chương trình mới

Khác với chương trình cũ, Chương trình GDPT 2018, định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Sự đổi mới được triển khai toàn diện và đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học đến việc kiểm tra đánh giá. Từ đó, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời.

  • Tọa đàm: Vai trò của xã hội hóa sách giáo khoa trong thúc đẩy đổi mới giáo dục

Để hiểu rõ “đích đến” của chương trình mới, việc trao đổi chuyên môn từ các buổi tập huấn sách giáo khoa là vô cùng quan trọng. Thông qua các chương trình tập huấn, các thầy cô sẽ nắm được cấu trúc sách và cấu trúc bài học, đặc biệt là biết cách để sử dụng sách giáo khoa một cách hiệu quả, vừa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, vừa thể hiện được các ý tưởng đổi mới.

Các đợt tập huấn sẽ diễn ra trong khoảng từ tháng 6 đến đầu tháng 8 hằng năm, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến để giáo viên có thể chuẩn bị giảng dạy khi năm học mới bắt đầu.

Tập huấn sách giáo khoa trong đổi mới giáo dục- Ảnh 1.

Chuyên gia của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong buổi tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên.

Thông tin với Người Đưa Tin về chủ đề này, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, trong năm 2024 bắt đầu từ tháng 6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa cho cán bộ quản lý và giáo viên các địa phương.

Đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở 63 tỉnh/thành phố, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể: Bồi dưỡng trực tuyến: Đã thực hiện trong 10 đợt (mỗi đợt 5 – 6 ngày/ tuần) với tổng số 725 lớp bồi dưỡng.

Bồi dưỡng trực tiếp: Cùng với việc thực hiện tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhiều các lớp tập huấn trực tiếp theo kế hoạch riêng của từng tỉnh/thành phố.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng vẫn sẽ được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức thực hiện trong suốt cả năm học khi có yêu cầu từ các địa phương.

Tập huấn sách giáo khoa trong đổi mới giáo dục- Ảnh 2.

Các bộ sách giáo khoa đóng vai trò không nhỏ cho thành công của Chương trình GDPT 2018.

Phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cho biết, để các buổi tập huấn được diễn ra thành công, hiệu quả, cho tất cả các môn học, tại 63 tỉnh/thành phố, rất cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía các nhà xuất bản.

Riêng đối với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, mỗi đợt tập huấn đều phải chuẩn bị đầy đủ, đa dạng nguồn tài liệu, dữ liệu phục vụ công tác bồi dưỡng như phiên bản điện tử sách giáo khoa, sách giáo viên; tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa, video giới thiệu sách giáo khoa.

Đồng thời, để các thầy cô có thể chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về sách giáo khoa các môn học, tất cả các tài liệu, dữ liệu nêu trên được đăng tải miễn phí trên website của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Một tiết học thành công không phải điều đơn giản

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, những năm học đầu tiên khi triển khai sách giáo khoa mới, hầu hết thầy cô đều rất lo lắng, băn khoăn làm thế nào để thực hiện đúng theo yêu cầu của chương trình.

“Mặc dù vậy, khi được tập huấn, đặc biệt là trực tiếp trao đổi với các thầy chủ biên bộ sách giáo khoa, giúp giáo viên hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu cần đạt, làm rõ các nội dung của từng bộ sách, từ đó tự tin hơn trong quá trình giảng dạy”, bà Thanh Mai chia sẻ.

Tập huấn sách giáo khoa trong đổi mới giáo dục- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Theo bà Mai, để một tiết học thành công là điều không đơn giản, người dạy phải nắm các bước tổ chức hoạt động dạy học. Bên cạnh đó, còn là kiểm tra, đánh giá, trong quá trình dạy phải có sự tương tác, đặt câu hỏi… Tất cả các yêu cầu đó, nếu không có sự hướng dẫn từ chính các tác giả cuốn sách giáo khoa thì khó có sự thống nhất giữa người viết và người dạy.

“Sau khi kết thúc kỳ tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cũng có riêng những buổi tập huấn, nhằm giải đáp thêm những thắc mắc của giáo viên. Để đảm bảo hiệu quả nhất, thông thường các trường sẽ được giao chuyên đề nghiên cứu, lên câu hỏi để khi đến buổi học sẽ trực tiếp trao đổi với các nhà biên soạn sách. Mỗi buổi tập huấn cũng có những tiết dạy minh hoạ, từ đó thầy cô cùng nhau mổ xẻ vấn đề cần khắc phục”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Xá thông tin.

Là nơi có kế hoạch tập huấn cho giáo viên ngay từ sớm, ông Nguyễn Đức Thắng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho hay: “Trong những năm học qua, hoạt động tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên được tổ chức linh hoạt cả bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo mỗi thầy cô được tập huấn hiệu quả nhất”.

Tập huấn sách giáo khoa trong đổi mới giáo dục- Ảnh 4.

Tập huấn sách giáo khoa giúp giáo viên hiểu rõ mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Đơn cử, năm nay, ở cấp tiểu học, chương trình mới được triển khai ở khối lớp 5, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa đã phối hợp với đơn vị xuất bản, triển khai tổ chức tập huấn trực tiếp sử dụng sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức.

Cũng theo ông Thắng, việc có sự tham dự của các nhà xuất bản, các chủ biên và tổng chủ biên của các bộ sách giáo khoa, giúp các buổi trao đổi chuyên môn được thiết thực, ý nghĩa. Các buổi tập huấn không chỉ thu hút giáo viên dạy sách giáo khoa mới tham gia, mà còn có thầy cô trong các nhà trường cũng có sự tiếp cận sớm với chương trình. Qua đó, giáo viên chuẩn bị cho việc dạy học bộ môn vào những năm học tiếp theo.

“Việc nghiêm túc trong sinh hoạt chuyên môn, quá trình tự học và sáng tạo của thầy cô là cơ sở vững chắc để mang đến cho học sinh những giờ học bổ ích, lý thú, chất lượng và hiệu quả”, ông Thắng bày tỏ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Các nhà xuất bản có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo của các địa phương để tổ chức tập huấn cho các giáo viên giúp các thầy cô hiểu kỹ, hiểu rõ các mục tiêu, nội dung và các yêu cầu cần đạt của sách giáo khoa. Thông qua đó định hướng phương pháp giảng dạy và cách đánh giá.

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source