Khách đi taxi sẽ được thỏa thuận giá cước?

Useful
12/11/24
Lượt xem : 21 view
9 1 17313437373172003465373 0 0 1047 2000 crop 1731343748880883726747
Rate this post

Theo đề xuất, hành khách đi xe taxi sẽ được thỏa thuận giá cước đối với đơn vị kinh doanh vận tải. Vậy khi đó, việc kiểm soát doanh thu của các doanh nghiệp sẽ thế nào?

Thêm hình thức tính tiền

Tháng 4 vừa qua, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã lập biên bản xử phạt một tài xế taxi vận chuyển hành khách không theo đồng hồ niêm yết mà tự làm giá vận chuyển tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Khách đi taxi sẽ được thỏa thuận giá cước?- Ảnh 1.

Thay vì tính tiền bằng đồng hồ hay phần mềm, hành khách đi taxi sẽ được thỏa thuận trực tiếp với tài xế về giá cước cho chuyến đi của mình (ảnh minh họa).

Theo đó, ông H là tài xế của một hãng taxi nhận chở một hành khách đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận). Sau khi khách lên xe, ông H. không bấm đồng hồ cước theo quy định mà tự thỏa thuận giá với hành khách số tiền 220.000 đồng. Hành khách không đồng ý với giá này và đã xuống xe.

Tuy nhiên, theo đề xuất tại dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động vận tải, hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ (luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), hành vi giống như của tài xế H sẽ không bị xử phạt. Dự thảo này đang được đưa ra lấy ý kiến.

Đại diện Cục Đường bộ VN – đơn vị soạn thảo cho biết, bên cạnh 2 hình thức hiện nay là tính tiền cho quãng đường di chuyển theo đồng hồ, tính tiền qua phần mềm mà xe hợp đồng điện tử đang thực hiện, dự thảo bổ sung thêm hình thức thứ 3 là khách hàng được thỏa thuận giá cước trước khi bắt đầu chuyến đi với tài xế.

Quy định này được bổ sung trên cơ sở nhu cầu của thực tế của loại hình xe taxi đang chịu nhiều điều kiện kinh doanh chặt chẽ so với xe hợp đồng. Việc này sẽ tạo thuận lợi, giúp các hãng taxi có thể điều chỉnh giá cước linh hoạt và phù hợp với thực tế thị trường.

Khó kiểm soát doanh thu?

Đại diện một doanh nghiệp taxi ở Hà Nội chia sẻ, chính sách hiện nay vẫn chưa đủ linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tế. Vì thế, việc điều chỉnh giá cần được thực hiện theo số lượng khách hàng và tài xế tại một địa điểm cụ thể, bao gồm cả yếu tố thời tiết. Điều này nhằm cân bằng cung cầu dịch vụ, kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ khi cầu giảm và tăng số lượng tài xế khi cầu tăng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng giám đốc Taxi G7 cho rằng, việc thỏa thuận sẽ làm doanh nghiệp khó quản lý khi không chứng minh được giá cước tài xế thỏa thuận với hành khách thấp hơn giá cước hiện trên đồng hồ.

“Bên cạnh đó, khi xuất hóa đơn cho hành khách sẽ theo số tiền hiện trên đồng hồ tính tiền hay theo giá thỏa thuận?”, ông Hải băn khoăn.

Ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc Taxi Thăng Long cũng nêu quan điểm, Luật Cạnh tranh hiện nay đã khá thông thoáng, không còn khống chế tỷ lệ doanh thu mà doanh nghiệp được khuyến mại, cho, tặng khách hàng (trước đây là không quá 30%).

“Vì thế, không loại trừ tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực đổ tiền vào mua thị trường bằng cách cho, tặng, giảm giá cước tương tự như Grab trước đây đã thực hiện.

Việc thỏa thuận miệng giá cước trọn gói cho một chuyến xe sẽ khiến doanh nghiệp khó quản lý, không có cơ sở tham chiếu xem cuốc xe đó bao nhiêu”, ông Long nói và cho rằng, thiết bị giám sát hành trình cũng chỉ kiểm soát được quãng đường di chuyển chứ không thể hiện được số tiền. Làm thế nào để kiểm soát được doanh thu thật là vấn đề không đơn giản.

Ở góc độ khác, ông Đỗ Khắc Hà, Giám đốc Công ty Viladata lại đồng tình và cho rằng, đề xuất trong dự thảo sẽ giúp phát triển mô hình sàn giao dịch, các lái xe ở các doanh nghiệp taxi đều có thể tham gia.

“Hành khách sẽ đăng hành trình di chuyển, tài xế báo giá, khách chọn giá, chọn xe, chọn lái xe mà mình ưng và khởi hành. Khi đó, sàn chỉ cung cấp môi trường giao dịch, không can thiệp vào giá, giá là thoả thuận và quyết định của hành khách và lái xe.

Tính tiền kiểu gì vẫn phải xuất hóa đơn

Lý giải thêm về đề xuất trên, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, việc cho phép thỏa thuận ở đây chỉ là bổ sung thêm một phương thức tính tiền. Thay vì tính tiền bằng đồng hồ hay phần mềm, sẽ có hình thức thỏa thuận miệng. Các điều kiện kinh doanh khác đối với taxi, doanh nghiệp vẫn phải chấp hành theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Theo quy định, taxi phải kê khai giá cước. Vì vậy doanh nghiệp cũng phải kê khai cả hình thức tính tiền thỏa thuận với khách hàng. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giá, việc kê khai giá do địa phương quyết định, chỉ khi địa phương có yêu cầu doanh nghiệp mới phải kê khai.

Đề cập đến một số ý kiến như khó kiểm soát giao dịch, dẫn đến không kiểm soát được doanh thu, nguy cơ thất thu thuế, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết: “Hiện nay đã bắt buộc doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử nên việc kiểm soát thuế sẽ được quản lý theo pháp luật về thuế. Giá cước theo thỏa thuận, doanh nghiệp vẫn phải xuất hóa đơn điện tử và truyền về cơ quan thuế. Dù tính tiền theo phương thức nào, khi kết thúc chuyến đi, tài xế phải xuất hóa đơn cho hành khách”.

Về lo ngại cạnh tranh không lành mạnh, thâu tóm thị trường, đại diện Cục Đường bộ VN cho hay, quy định về chiếm lĩnh thị trường đã được pháp luật cạnh tranh quy định đầy đủ. Doanh nghiệp được quyền làm những gì pháp luật không cấm, được phép giảm giá, khuyến mại theo tỷ lệ nhất định.

Theo đại diện Cục Đường bộ VN, luật nghiêm cấm việc không xuất hóa đơn cho khách. Việc doanh nghiệp có chấp hành xuất hóa đơn thỏa thuận cước chuyến đi hay không phụ thuộc vào tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Theo Luật Dân sự, việc xác lập với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành vi cũng là hợp đồng. Việc giao kết hợp đồng, thỏa thuận giá cước là thể lệ vận tải. Hiện có nhiều quy định pháp luật đan xen, để quản lý được về giá và thuế cần thiết phải có quy định như đề xuất trong dự thảo.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source