Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận tập trung chuyển đổi số trong công tác giáo dục, góp phần quản lý tốt hơn, giảm thời gian cho giáo viên mà hiệu quả nhanh hơn. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận.
100% cơ sở giáo dục tập trung chuyển đổi số trong dạy và học
NĐT: Thưa bà, bà có thể chia sẻ mục tiêu, kế hoạch của tỉnh nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục?
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng: Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy Bình Thuận về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chúng tôi xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm: Khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số đã triển khai sử dụng, từng bước hình thành, phát triển hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo tương thích, kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh, cơ sở dữ liệu Quốc gia.
Đồng thời, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ số trong quản lý, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá; số hóa tài liệu, phát triển giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; tận dụng nền tảng số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho người học, nhất là người dân ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Bên cạnh đó, xây dựng, sử dụng các nền tảng số phục vụ công tác quản lý theo hướng quản trị giáo dục và đào tạo thông minh trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong đó, chúng tôi quan tâm nội dung như: Thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu của ngành giáo dục và đào tạo và hỗ trợ ra quyết định dựa trên các nền tảng số; Huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy và học phù hợp với xu thế phát triển khoa học và công nghệ; Tạo điều kiện và hình thành thói quen cho học sinh từ cấp trung học cơ sở trở lên có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác các nền tảng số.
Từ những nội dung trên, chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể tới các đơn vị trực thuộc để thực hiện.
NĐT: Tại địa phương đã có những ứng dụng chuyển đổi số thế nào trong quá trình quản lý và giảng dạy. Trong quá trình đó có những thách thức, hạn chế như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng: Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận đang sử dụng hệ thống quản lý trường học về cơ sở dữ liệu ngành giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý điều hành đến tất cả 531 trường công lập từ cấp học mầm non đến cấp phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, triển khai ứng dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đến 28 Trường THPT trực thuộc Sở và 10 Phòng Giáo dục và Đào tạo của các huyện, thị xã, thành phố .
Chúng tôi đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn hóa dữ liệu, thực hiện đồng bộ hóa theo cơ sở dữ liệu ngành giáo dục của Bộ hằng năm và kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, kịp thời thực hiện đăng ký hồ sơ dự thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng cho thí sinh; hoàn thành 100% vào tháng hằng năm.
Từ năm 2022 chúng tôi triển khai thực hiện các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần vào phát triển kinh tế số.
Chúng tôi đã chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đa gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Chưa tự xây dựng được cơ sở dữ liệu riêng cho ngành giáo dục của tỉnh, mà đang dùng chung cơ sở dữ liệu ngành chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp và hệ thống của Tập đoàn VNPT.
Bên cạnh đó, việc khắc phục hạ tầng viễn thông cho các cơ sở giáo dục còn chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, dẫn đến việc chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục này còn khó khăn.
Mở ra cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là vùng sâu, vùng xa
NĐT: Theo bà, để đáp ứng việc chuyển đổi số trong giảng dạy, cán bộ, giáo viên đã được đào tạo tập huấn như thế nào để đáp ứng việc đổi mới hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng: Theo tôi, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục bằng cách áp dụng công nghệ số trong phương pháp giảng dạy, giúp mở ra nhiều cơ hội để tăng cường chất lượng giáo dục và giúp học sinh phát triển toàn diện trong thế giới số hóa ngày càng phát triển.
Do vậy, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số cho tất cả những người làm công tác giảng dạy, như kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin,… trên môi trường số; tập huấn nâng cao năng lực số cho giáo viên trung học không có chuyên môn tin học; tập huấn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018,…
NĐT: Theobà chuyển đổi số giáo dục vai trò giải quyết “bài toán” của ngành giáo dục hiện nay (thiếu giáo viên, quá tải trường lớp,…) như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng: Tôi cho rằng, việc phát triển các khóa học trực tuyến góp phần rất lớn trong công tác phục vụ giáo viên dạy học tại vùng sâu, vùng xa, những nơi có hoàn cảnh khó khăn và địa hình hiểm trở, thời tiết xấu, cơ sở vật chất nhà trường chưa hoàn thiện,…
Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ số trong quản lý, giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá; số hóa tài liệu, giáo trình, phát triển giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; tận dụng nền tảng số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho người học, nhất là người dân ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Đồng thời, chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu ngành hoàn thiện góp phần quản lý nhà trường tốt hơn, giảm thời gian cho giáo viên và viên chức quản lý mà hiệu quả nhanh hơn.
Việc áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường thông qua sổ liên lạc điện tử, nhất là các giải pháp trao đổi thông tin miễn phí như email, ứng dụng trên thiết bị di động được các trường quan tâm triển khai, bước đầu mang lại kết quả nhất định trong công tác quản lý và điều hành.
NĐT: Bà có đề xuất gì đối với vấn đề chuyển đổi số của ngành giáo dục hiện nay không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng: Để tiếp tục thực hiện tốt lộ trình chuyển đổi số trong giáo dục, tôi có đề xuất ngành giáo dục tiếp tục chú trọng vào triển khai quản lý hệ thống, chia sẻ dữ liệu để đồng bộ trong giáo dục, chuyển đổi tất cả tài liệu từ giấy tờ qua văn bản điện tử.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng, các thiết bị phục vụ quá trình dạy và học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người, mọi nơi điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động như thúc đẩy triển khai học liệu số, hình thành kho học liệu mở dùng chung cho toàn ngành.
Bên cạnh đó hợp tác, liên kết với các tổ chức trong và ngoài địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, khuyến khích và hỗ trợ triển khai các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Mỹ nam ngôn tình hot nhất hiện tại: Tổng tài từ phim đến đời, hẹn hò bí mật với Kim Ji Won suốt 10 năm?
- Các bước chăm sóc tóc bằng sản phẩm dưỡng tóc tốt nhất
- Kiến nghị đầu tư trạm dừng nghỉ ở nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Bến Lức-Long Thành
- Thanh Hóa tổ chức Lễ vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh”
- Mỹ nhân đẹp đến mức được người dân dựng tượng, thờ tụng như nữ thần