Là ngành có tiềm năng phát triển lớn, thị trường Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu cả về số lượng, chất lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ. Ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech nhận thấy việc trả lời câu hỏi làm thế nào để đào tạo “đón đầu” công nghệ là không đơn giản.
NĐT: Năng lực học tập công nghệ các bạn trẻ hiện nay có đáp ứng yêu cầu thực tiễn không, thưa ông?
Ông Chu Tuấn Anh: Với các bạn trẻ Gen Z luôn có tư duy nhanh nhạy, phóng khoáng trong tiếp thu cái mới, cùng với sự thông minh, nhiều em yêu thích tìm tòi là những cơ sở để các bạn có trình độ công nghệ không phải là thấp.
Nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ, dễ thích ứng khiến cho các em cũng dễ thay đổi, không có sự kiên trì khi bị môi trường tác động, điều này khiến sinh viên nhóm Gen Z hiện nay bị cản trở phát triển trong công việc nói chung và làm công nghệ nói riêng.
Với tư duy các bạn muốn học tập mang tính ứng dụng, thích thao tác nhưng không đào sâu về kiến thức. Khi có lỗi phần mềm xảy ra, có người hướng dẫn sinh viên học và xử lý rất nhanh nhưng để mà hiểu về bản chất thì lại không làm được, đây là điểm hạn chế của các em.
Ngành công nghệ hồi xưa chúng ta nghĩ nó là tự do, nhưng điều này không đúng ở hiện tại. Khi bạn nhìn vào những phân xưởng lập trình, thì hóa ra mỗi lập trình viên cũng phải kỷ luật như những người công nhân trong các nhà máy sản xuất khác. Trong khi người trẻ lại yêu thích sự tự do, thoải mái, đây cũng là nguyên nhân khiến các em khó khăn để mà hòa nhập, không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.
NĐT: Về mặt nhận thức, toàn ngành giáo dục đang hiểu rõ tầm quan trọng khi đưa công nghệ thông tin vào học tập ngay từ bậc THPT. Nhưng trên thực tế, môn học này vẫn chưa được đứng đúng vị trí của mình. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề trên?
Ông Chu Tuấn Anh: Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này thì mới có thể hy vọng trở thành nước mạnh về công nghệ.
Không thể phủ nhận tư duy đổi mới, sự cải cách kịp thời của ngành giáo dục. Giờ đây, môn Công nghệ và Tin học đã có chỗ đứng trong một kỳ thi quan trọng của các em học sinh, điều này thể hiện tầm nhìn, phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, từ chính sách đến cái triển khai nó là còn là cái khoảng cách xa.
Nguyên nhân là bởi, mặc dù chương trình đã đổi mới, nhưng lại không có “đất” để sử dụng. Việc học văn hóa tại trường học hiện nay còn nặng nề, khiến thầy cô giáo không có được không gian để thực hiện những thay đổi, nội dung mới.
Thêm vào đó, khi xây dựng giáo trình công nghệ phải cập nhật xu hướng, trước tiên là có những nội dung mà chính các bạn trẻ thích, sau đó là những ứng dụng mang tính chất thực tế.
Tuy nhiên ở nước ta, giáo trình học tập vẫn còn cổ điển khiến cho dù đặt vấn đề là đúng, nhưng khi thực hiện không tạo được cảm hứng học tập của học sinh.
Vấn đề nữa về người dạy, họ cần phải được cái đào tạo sâu hơn, không thể dừng lại chỉ biết những ứng dụng phổ biến. Tất nhiên, không hẳn là ở cấp phổ thông, thầy cô sẽ dùng hết kiến thức đấy để dạy. Nhưng khi giáo viên có năng lực, kiến thức chuyên môn cao, chắc chắn bài giảng sẽ phong phú, thu hút học sinh hơn.
NĐT: Nếu như các chương trình đào tạo khối tư nhân luôn có sự cập nhật phiên bản theo từng năm, thì điều này hoàn toàn khó xảy ra ở khối công lập. Phải chăng nội dung học tập tại khối công lập hiện nay còn thiếu linh hoạt, luôn chậm với công nghệ?
Ông Chu Tuấn Anh: Sự linh hoạt luôn có 2 mặt của nó. Nếu như chúng ta đủ nguồn lực, đủ các thầy cô giáo có chuyên môn về công nghệ thì tính linh động là cần thiết và cho ra kết quả không cần bàn cãi.
Nhưng, phải nhìn vào thực tế trong trường học những môn liên quan đến công nghệ thông tin vẫn chỉ là những môn phụ. Và phải thừa nhận sự thật, đó là nhân lực đào tạo về công nghệ ở Việt Nam đang hết sức là hạn chế. Với nguồn lực như vậy sẽ rất khó phù hợp với việc thay đổi giáo trình, sách giáo khoa liên tục.
Nếu thay đổi liên tục, thì người dạy hết sức vất vả và gần như là bất khả thi, khi chưa chưa quen kịp kiến thức này để đi dạy, thì đã phải học nội dung mới.
Vậy trong trường hợp này giải quyết thế nào? Dù biến đổi thế nào thì phần “móng” của công nghệ gần như là giữ nguyên, ít biến đổi. Ở bậc THPT, tôi nghĩ nên đưa những kiến thức nền tảng, khó có thể biến động nhất như ngôn ngữ lập trình Java,…Khi học sinh phổ thông nắm được kiến thức cơ bản thì việc học tập, cập nhật xu hướng ở bậc đại học sẽ đơn giản, hiệu quả hơn.
NĐT: Trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, vai trò hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Chu Tuấn Anh: Nếu không có sự phối hợp giữa doanh nghiệp với nhà trường thì chắc chắn cơ sở giáo dục dạy một đằng, nhưng doanh nghiệp lại tuyển dụng một nẻo. Quá trình tương tác, đồng hành giữa hai bên là đang rất thấp. Trong khi đích cuối cùng của đào tạo đại học thì lại nằm ở doanh nghiệp.
Ở đây, doanh nghiệp phải thể hiện vai trò của mình thông qua việc định hướng xu hướng công nghệ, nhu cầu tuyển dụng, xây dựng giáo trình mà phù hợp với sinh viên.
Điểm thứ hai mà doanh nghiệp có thể đóng góp được, đó là tham gia quá trình đào tạo qua công việc, giúp người học có kinh nghiệm thực chiến.
Ở các nước phát triển, thậm chí mỗi công ty, tổ chức luôn có quy định cụ thể về đào tạo sinh viên, một năm học phải dành một vài vị trí trong thời gian nhất định để người học đến làm việc.
Nhưng chúng ta lại không có những quy định như vậy. Một số doanh nghiệp có nhu cầu về tuyển dụng cao thì họ rất là chủ động, tuy nhiên phần còn lại thì rất khó. Em nào mà may mắn được đi thực tập tại doanh nghiệp thì chỉ ngồi một chỗ quan sát, không được tham gia trong các công đoạn cụ thể, khiến không có nhiều cơ hội để biết mình phải làm gì.
NĐT Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!
Hoa Trà – Hữu Thắng
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Top mẫu nước hoa dành tặng mẹ ngày 20-10
- Điều chuyển nhà thầu chưa tập trung thi công dự án nâng cấp QL19
- Cảnh nóng ở phim Hàn hot nhất hiện tại khiến netizen “phát điên”: Biên kịch đang coi thường phụ nữ?
- 17 Ý tưởng tổ chức ngày 20/10 ý nghĩa tại công sở, gia đình, người yêu
- Negav chính thức lên tiếng: Thừa nhận lỗi lầm quá khứ, tiết lộ tình trạng hiện tại