Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Useful
13/12/24
Lượt xem : 22 view
75525d609fd5258b7cc4 17340715530561674300845 50 0 1278 1965 crop 1734072076688296501250 jpg
Rate this post

Vị tướng với tư duy mang tầm chiến lược

Sáng nay (13/12), Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 tổ chức Lễ truy tặng Danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên- Ảnh 1.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao bằng và huy hiệu AHLLVTND cho gia đình đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Buổi lễ có sự tham dự của của đồng chí Lê Thành Long, Uỷ biên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện các cơ quan, bộ, ngành.

Báo cáo vinh danh công trạng của cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 cho biết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923, tại Thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.

Năm 1936, đồng chí tham gia cách mạng từ phong trào bình dân và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 12/1939.

Trải qua nhiều cương vị quan trọng ở địa phương, đến năm 1947, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình.

Từ năm 1951 – 1956, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Cục phó Cục Tổ chức cán bộ – Tổng cục Chính trị và Trưởng ban Tổ chức cán bộ các chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ năm 1955, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên giữ chức Đại đoàn bậc trưởng, Cục trưởng Cục Động viên dân quân từ năm 1957 – 1962.

Năm 1964, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Năm 1965 được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân khu 4.

Đến cuối năm 1965, đồng chí được điều động và bổ nhiệm làm Chính ủy, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Trung – Hạ Lào.

Tháng 6/1966, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương.

Đầu năm 1967, đồng chí tiếp tục kiêm nhiệm chức vụ Tư lệnh Đoàn 559 – Bộ Tư lệnh Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, Tư lệnh Quân Tình nguyện Việt Nam, kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia cố vấn ở Trung – Hạ Lào.

Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên- Ảnh 2.

Lãnh đạo Chính phủ tặng hoa gia đình cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Khi đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, ở miền Nam, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản, để cứu vãn sự thất bại, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Ở miền Bắc, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân, hải quân đánh phá với quy mô ngày càng lớn và ác liệt. Trong đó, GTVT là mục tiêu số 1 hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam trên tuyến Trường Sơn.

Trước tình hình đó, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với tập thể Đảng ủy – Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng giao với tư duy sáng tạo mang tầm chiến lược, góp phần rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Điển hình là đề xuất thay đổi mô hình tổ chức lực lượng phù hợp với từng thời điểm; thay đổi tư tưởng “lấy phòng tránh là chính” sang chủ động tiến công, biến tuyến vận tải thành một chiến trường “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Chiến lược mở thêm một số trục vượt khẩu, trục dọc, đường vòng tránh để phá thế độc đạo, để chống “chiến tranh ngăn chặn”, vô hiệu hoá sự đánh phá của địch đảm bảo cho vận chuyển được liên tục; Mở đường kín, chuyển vận tải ô tô từ chạy đêm sang chạy ngày (chạy với đội hình lớn) đối phó có hiệu quả đối với sự đánh phá ác liệt của máy bay địch.

Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, quyết tâm thực hiện mục tiêu cao cả, thiêng liêng là: “Tất cả vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tất cả cho chiến trường, tất cả vì nhiệm vụ quốc tế”, Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, vừa trực tiếp mở đường, đảm bảo giao thông, vận tải, đánh địch tại chỗ, vừa phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên các chiến trường, đạt được nhiều thắng lợi vẻ vang, lập nên kỳ tích trong 16 năm chiến đấu.

Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên- Ảnh 3.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn công tác khảo sát tuyến đường biên giới phía Bắc trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT.

Tình thương yêu đồng đội tha thiết

Không chỉ là vị tướng tài ba, có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết.

Hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất, hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc, ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị cho các lực lượng tìm kiếm, cất bốc và quy tập các hài cốt liệt sỹ.

Nếu không có sự chủ động ấy sẽ không thể có trên 10.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đầu năm 1976 các lực lượng chủ yếu còn lại của Bộ đội Trường Sơn sáp nhập với Bộ Tư lệnh công binh thành Bộ Tư lệnh công trình, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh, kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh công trình.

Cũng trong năm 1976, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế.

Năm 1977 được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (khóa V), Ủy viên Bộ Chính trị khóa (VI).

Đầu năm 1979, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều trở lại Quân đội giữ chức vụ Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô.

Sau khi chiến sự xảy ra trên biên giới phía Bắc (2/1979) tạm thời yên ổn, đồng chí được điều trở lại Bộ Xây dựng và giữ chức Bộ trưởng.

Năm 1982, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Từ năm 1992 – 2006 làm Đặc phái viên Chính phủ, đặc trách Chương trình 327; trực tiếp đề xuất và tham gia Ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa.

Tháng 11/2006 đồng chí được Đảng và Nhà nước cho nghỉ công tác theo chế độ.

Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên- Ảnh 4.
Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên- Ảnh 5.

Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và Binh đoàn 12 tặng hoa gia đình cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Chia sẻ tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 cho biết, trong suốt 16 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các thế hệ Bộ đội Trường Sơn đã quán triệt sâu sắc tư tưởng cách mạng tiến công, vượt qua mọi khó khăn, hy sinh, gian khổ, chủ động, mưu trí, sáng tạo, trở thành “Một lực lượng gang thép, một tập thể anh hùng”, lập nên nhiều kỳ tích trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Trong thành tích chung của Bộ đội Trường Sơn có sự đóng góp to lớn của cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị Tư lệnh chiến trường tài năng, xuất chúng, một vị lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, quyết liệt, quyết đoán.

Tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân của đồng chí là niềm tự hào, nguồn cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh và ý chí, nghị lực cho bao thế hệ Bộ đội Trường Sơn, vượt thách thức, nỗ lực cống hiến, chiến đấu, chiến thắng và xây dựng đơn vị ngày càng phát triển trong thời kỳ mới”, Thiếu tướng Ngọc nói và cho rằng, sự kiện cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân không những thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Đây còn là sự tri ân, ghi nhận và đánh giá công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là niềm vinh dự, tự hào của gia đình và quê hương đồng chí, đáp ứng niềm mong mỏi của các thế hệ Bộ đội Trường Sơn năm xưa cũng như cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 12.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source