Ngày 20/8, bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) cho biết, thời gian qua nơi này đã tiếp nhận và điều trị những trường hợp ngộ độc như thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu.
Theo BS.Ngô Thị Thanh Thủy, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật với chẩn đoán bị ngộ độc hóa chất.
Khai thác bệnh sử từ phía gia đình ghi nhận, trước đó bé đã ăn nhầm thuốc diệt chuột có dạng viên màu hồng vì nhầm tưởng là kẹo.
Đây là thuốc được người nhà mua về với ý định sử dụng để diệt chuột nhưng chưa dùng và sơ ý để trong tầm tay của trẻ.
Bệnh nhi đã may mắn được người nhà phát hiện và khẩn cấp đưa đến bệnh viện.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã thực hiện nhiều giải pháp cấp cứu, rửa dạ dày, dùng chất đối kháng với chất độc của thuốc diệt chuột.
Sau nhiều ngày được cấp cứu, điều trị tích cực, bệnh nhi đã qua được nguy kịch.
Từ trường hợp trên, BS.Thanh Thủy cảnh báo, ngộ độc là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong ở trẻ trong nhóm tai nạn thương tích, chỉ xếp sau đuối nước và tai nạn giao thông.
Các tình huống ngộ độc ở trẻ phần lớn qua đường tiêu hoá, ít gặp hơn là ngộ độc qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc qua da.
Theo BS.Thanh Thủy, tình huống ngộ độc qua đường tiêu hoá ở trẻ, tác nhân hàng đầu là do các loại hóa chất như dược – mỹ phẩm, tiếp đến là nhóm hoá chất tẩy rửa và sau cùng là nhóm hoá chất như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngộ độc hoá chất có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 6 tuổi thường chiếm tỉ lệ cao nhất do uống nhầm hoá chất.
Bác sĩ lưu ý phụ huynh cần nghĩ ngay đến khả năng trẻ bị ngộ độc khi phát hiện trẻ đã tiếp xúc hoặc ăn, uống nhầm hoá chất. Kèm theo đó còn có các dấu hiệu bất thường về hô hấp và thần kinh.
Thời gian vàng để loại bỏ hóa chất ra khỏi cơ thể là từ 1 đến 3 giờ. Phụ huynh nên bình tĩnh đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được y bác sĩ kiểm tra, can thiệp.
Tuyệt đối không gây nôn cho trẻ khi sơ cứu tại nhà vì thao tác sai có thể khiến bệnh trở nặng.
Để tránh những vụ việc tương tự, khi sử dụng hóa chất, người lớn cần đựng trong các chai lọ chuyên dụng để lưu trữ, tránh chiết hay để hoá chất vào các vật dụng bắt mắt hoặc có dán nhãn thông thường như nước, sữa.
“Cần để các hóa chất ở xa tầm tay của trẻ, nhất là nhóm trẻ dưới 6 tuổi, bởi đây là nhóm tuổi thích khám phá”, bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Duy Huy (Tổng hợp)
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source