Bộ phim được tìm kiếm nhiều nhất sau khi Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật vào chiều tối 3/12 là sự kiện rúng động trong nước và quốc tế. Tuy được gỡ bỏ trong vòng 6 giờ sau khi ban bố, hậu quả của việc này vẫn tiếp diễn. Trước tình cảnh đó, nhiều phim liên quan đến tình hình bất ổn chính trị của Hàn Quốc, đặc biệt là thời khắc ban bố thiết quân luật của 44 năm trước được quan tâm hơn cả.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật tối 3/12 vẫn là sự kiện rúng động trong nước. Đây là lần thứ hai thiết quân luật được ban bố sau 44 năm.
Tuy được gỡ bỏ trong vòng 6 giờ sau khi ban bố, hậu quả của việc này vẫn tiếp diễn. Những bộ phim liên quan đến tình hình chính trị bất ổn của Hàn Quốc, đặc biệt là thời khắc ban bố thiết quân luật của 44 năm trước được quan tâm trở lại.
Tuổi trẻ của tháng Năm
Một trong những tác phẩm được quan tâm, tìm kiếm nhiều nhất hiện nay là Tuổi trẻ của tháng Năm (tựa tiếng Anh: Youth of May). Bộ phim khắc họa rõ nét xã hội Hàn Quốc đầy biến động thông qua chuyện tình bi thương giữa Hwang Hee Tae (Lee Do Hyun) và Kim Myung Hee (Go Min Si).
Phim được đặt trong bối cảnh Hàn Quốc những năm 1980 với phong trào dân chủ hóa Gwangju diễn ra từ ngày 18 đến 27/5/1980. Tuổi trẻ của tháng Năm bắt đầu từ ký ức của nhân vật nam chính Hwang Hee Tae – sinh viên y khoa, niềm tự hào của tỉnh Gwangju nhờ danh thủ khoa ngành y.
Anh là con của nhà tài phiệt, có cuộc sống gần như hoàn hảo với gương mặt đẹp trai, tương lai triển vọng, gia đình giàu có. Tuy nhiên, Hee Tae có nỗi buồn khó có thể chia sẻ cùng ai cho đến khi anh gặp Kim Myung Hee, cô y tá xuất thân nghèo khó. Cả hai bắt đầu câu chuyện tình yêu giữa biến cố cuộc sống và thăng trầm thời cuộc.
Dù khai thác đề tài chính luận, Tuổi trẻ của tháng Năm không hề khô khan mà đầy sống động và cảm xúc qua hình ảnh và quan niệm sống của những người trẻ thời đó. Họ trẻ trung, đầy sức sống, khao khát theo đuổi giấc mơ và tình yêu vĩnh hằng dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn của vận mệnh ngang trái.
Phim kết thúc đầy bi thương với sự ra đi của nữ chính và sự tiếc thương của nam chính. Cái kết này không khiến khán giả hài lòng, tuy nhiên khi nhìn lại bối cảnh thời đó, sự chia cách của cả hai được cho là phù hợp.
Mùa xuân ở Seoul
Phim điện ảnh Mùa xuân ở Seoul (tựa Anh 12.12: The day) cũng được bàn luận trở lại. Tác phẩm điện ảnh từng thống trị phòng vé năm 2023 được lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử có thật ở Hàn vào ngày 12/12/1979.
Tác phẩm khắc họa cuộc đối đầu giữa quân bạo động của Chun Doo Gwang (Hwang Jung Min) và lực lượng trấn áp do Tư lệnh Cảnh vệ thủ đô Lee Tae Shin (Jung Woo Sung) chỉ huy trong suốt 9 tiếng đồng hồ.
Cuộc đối đầu này đã khiến thủ đô Seoul rơi vào tình cảnh một đêm “ngàn cân treo sợi tóc”. Đến cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự này đã khép lại theo cái cách không ai ngờ tới.
Nhân vật Chun Doo Gwang (Hwang Jung Min) được xây dựng dựa trên cựu Tổng thống Chun Doo Hwan. Theo đó, cựu Tổng thống Chun Doo Hwan đã tuyên bố thiết quân luật trong Phong trào Dân chủ hóa ngày 18/5/1980.
Trong tác phẩm dẫn đầu cuộc nổi loạn, Chun Doo Gwang đã để lại câu nói nổi tiếng: “Nếu thất bại là phản quốc. Nếu thành công, đó là cách mạng”.
1987: Ngày định mệnh
Cái tên cuối cùng trong danh sách phim có nội dung liên quan đến thiết quân luật là 1987: Ngày định mệnh (tựa tiếng Anh: 1987: When the day comes). Tác phẩm lấy bối cảnh năm 1987, mở đầu bằng cái chết thương tâm, đầy uẩn khúc của Park Jong Chul (Yeo Jin Goo) – sinh viên tham gia phong trào phản đối chế độ cai trị độc tài của Tổng thống Chun Doo Hwan.
Tuy nhiên, mọi thứ không được giải quyết êm đẹp như chính quyền độc tài mong muốn. Lời giải thích khiên cưỡng mà Bộ trưởng Bộ Cảnh sát Park Cheo Won (Kim Yoon Seok) đưa ra càng khiến người dân phẫn nộ.
Công tố viên Choi Hwan (Ha Jung Woo), bác sĩ Oh Yun Sang (Lee Hyun Kyun), nhà báo Yoon Sang Sam (Lee Hee Joon), quản giáo Han Byung Yong (Yoo Hae Jin), quản lý nhà giam Ahn Yoo (Choi Kwang Il), cậu sinh viên Lee Han Yeol (Kang Dong Won) và cô nàng Yeon Hee (Kim Tae Ri) là những người mong muốn tìm ra nguyên nhân cái chết của cậu sinh viên xấu số.
Cuối cùng, họ phát hiện ra Park Jong Chul đã bị tra tấn đến chết. Vụ việc này trở thành bước đệm, dẫn tới cuộc Vận động Dân chủ tháng Sáu – sự kiện chấm dứt chế độ độc tài kinh khủng tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, phim Người lái taxi (tựa tiếng Anh: A taxi driver) cũng được khán giả quan tâm. Tác phẩm xoay quanh cuộc biểu tình đòi cải cách chính trị của dân chúng tại Gwangju vào năm 1980.
Theo Tiền phong
Copy link
https://tienphong.vn/bo-phim-duoc-tim-kiem-nhieu-nhat-sau-khi-tong-thong-han-quoc-ban-bo-thiet-quan-luat-post1697917.tpo
—————–
Nguồn afamily:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Máy cắt plasma không ra lửa – Cách sửa tại nhà đơn giản
- Xác minh vụ nam sinh lớp 9 ở Nghệ An bị ép ăn đất
- Báo Mỹ đưa tin cảnh sát Việt Nam triệt phá đường dây phim lậu lớn nhất thế giới
- Tên thật của Tiểu Yến Tử là gì? Sau 2 thập kỷ xem Hoàn Châu Cách Cách nhưng vẫn nhiều người chưa biết
- Bí Quyết Trị Thâm Môi Tại Nhà Đơn Giản và Hiệu Quả