Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn non nớt, khiến các bé dễ mắc bệnh và có nguy cơ biến chứng nặng hơn so với người lớn. Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Thời điểm phù hợp tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh:
- Tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh: Trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng lao và viêm gan B. Đây là những mũi tiêm đầu đời, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với trẻ, tránh lây truyền virus từ mẹ sang con.
- Vắc xin cho trẻ từ 6 tuần tuổi: Khi trẻ tròn 6 tuần tuổi đã có thể tiêm vắc xin phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm như: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do Hib, tiêu chảy do Rota virus, các bệnh do phế cầu khuẩn như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn. Để hạn chế đau đớn cho trẻ khi phải tiêm nhiều mũi, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại, Ba Mẹ có thể chọn tiêm vắc xin kết hợp 6 trong 1 phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib); hoặc vắc xin 5 trong 1 (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B).
- Vắc xin cho trẻ từ 3 tháng tuổi: Khi trẻ được 3 tháng tuổi sẽ tiêm/ uống liều thứ 2 của vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 và vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus. Tiêm mũi 2 giúp củng cố và gia tăng hiệu lực bảo vệ của vắc xin hình thành sau mũi 1, giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh mạnh hơn, kéo dài thời gian hơn.
- Vắc xin cho trẻ từ 4 tháng tuổi: Khi trẻ được 4 tháng tuổi, trẻ tiêm mũi 3 vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1, mũi 2 vắc xin phòng phế cầu khuẩn và uống liều 3 vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus.
- Vắc xin cho trẻ từ 6 tháng tuổi: 6 đến 36 tháng tuổi còn được biết đến là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” ở trẻ. Vì trước 6 tháng trẻ nhận được kháng thể từ mẹ truyền sang trong giai đoạn bào thai củng cố hệ miễn dịch. Từ 6 đến 36 tháng, kháng thể của mẹ truyền sang con không còn nữa, trong khi cơ thể chưa thể sinh ra đầy đủ kháng thể để tự bảo vệ trước nguy cơ nhiễm bệnh. Chính vì vậy, việc tiêm phòng vắc xin trong giai đoạn này càng trở nên đặc biệt quan trọng và không thể thiếu. Trẻ 6 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng cúm, mũi 1 vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu B+C và mũi 3 vắc xin phòng viêm màng não do phế cầu khuẩn.
- Vắc xin cho trẻ từ 9 tháng tuổi: Ở giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ có thể tiêm mũi 2 vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C và nhiều loại vắc xin phòng bệnh khác như: Sởi đơn, Sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, não mô cầu ACYW-135.
- Vắc xin cho trẻ từ 12 tháng tuổi: 12 tháng tuổi, ngoài tiêm các loại vắc xin phòng thủy đậu, viêm não Nhật Bản, các bệnh do phế cầu và vắc xin kết hợp phòng 3 căn bệnh sởi, quai bị, rubella, trẻ còn có thể tiêm vắc xin phòng viêm gan A.
- Vắc xin cho trẻ từ 15-24 tháng tuổi: Giai đoạn từ 15 đến 24 tháng, trẻ chủ yếu được tiêm các mũi nhắc lại như viêm gan A và cúm. Sở dĩ trẻ cần được tiêm các mũi nhắc vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm một loại vắc xin có khả năng giảm dần theo thời gian.
- Vắc xin cho trẻ tròn 24 tháng tuổi:24 tháng tuổi, trẻ tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản Jevax mũi 3, cùng các loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135; vắc xin phòng thương hàn, tả.
Trẻ sơ sinh cần phải được tiêm phòng vắc xin đầy đủ để ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm do virus
Trẻ sơ sinh cần tiêm vắc xin nào?
Việc tiêm phòng đúng lịch và đủ liều giúp trẻ sơ sinh được bảo vệ khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các loại vắc xin cần thiết cho trẻ sơ sinh bao gồm:
- Vắc xin viêm gan B: Giúp ngăn ngừa viêm gan B, một bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
- Vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DTP): Bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng nặng do vi khuẩn.
- Vắc xin bại liệt (IPV): Ngăn ngừa bệnh bại liệt, một bệnh gây tê liệt và có thể gây tử vong.
- Vắc xin Haemophilus influenzae type b (Hib): Ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn Hib, gây viêm màng não và các bệnh nhiễm trùng khác.
- Vắc xin phế cầu (PCV): Bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng phế cầu, nguyên nhân gây viêm phổi, viêm màng não, và nhiễm trùng máu.
- Vắc xin sởi, quai bị, rubella (MMR): Phòng ngừa các bệnh do virus sởi, quai bị và rubella gây ra.
- Vắc xin thủy đậu: Bảo vệ trẻ khỏi bệnh thủy đậu, một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Những lưu ý cho ba mẹ khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh
Trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng
Bố mẹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng những việc sau:
- Mang theo sổ tiêm chủng của trẻ để bác sĩ nắm được lịch sử tiêm chủng, đồng thời thông báo đầy đủ các thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh lý bẩm sinh hay đang mắc, trẻ có tiền sử dị ứng hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin trong lần tiêm chủng trước,…
- Tuân thủ và thực hiện đúng các chỉ dẫn của cán bộ y tế, cần hiểu rõ các “Quy định an toàn tiêm chủng” để đối chiếu với việc thực hành an toàn tiêm chủng của cán bộ y tế, kiểm tra thông tin vắc xin trước khi tiêm (loại vắc xin, nhà sản xuất, hạn sử dụng, cách thức sử dụng, màu sắc của vắc xin…).
Sau khi trẻ tiêm chủng xong
- Sau tiêm, bố mẹ cần cho trẻ lại trung tâm tiêm chủng 30 phút để theo dõi sức khoẻ sau tiêm chủng.
Theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm
- Tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà trong vòng 24-48 giờ sau tiêm theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đặc biệt lưu ý trẻ vào ban đêm. Đồng thời, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần có đầy đủ kiến thức về phản ứng sau tiêm để phát hiện những biểu hiện trẻ đang gặp phải là đến từ tiêm chủng hay đến từ nguyên nhân khác.
- Nếu trẻ có bất cứ biểu hiện nào bất thường như sốt cao kéo dài, khó thở, tại vết tiêm sưng, mẩn đỏ, phát ban, ngứa hoặc toàn thân trở nên tím tái,… bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra. Trong một số trường hợp, các biểu hiện này có thể do bệnh lý trùng hợp với thời điểm trẻ được tiêm vắc xin nên bố mẹ tuyệt đối không nên chủ quan.
Kết luận
Việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ sơ sinh là một trong những biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ. Bằng cách tuân thủ lịch tiêm chủng, kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm, và theo dõi các phản ứng sau tiêm, ba mẹ có thể đảm bảo con mình được bảo vệ tốt nhất khỏi các bệnh lý nguy hiểm. Đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bởi sự an toàn và khỏe mạnh của trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu.
—————————————-
Nguồn pharmacity.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- “Đội điều tra số 7” mùa 2: Khai thác chủ đề diễn biến tâm lý tội phạm biến thái đầy táo bạo
- Cây xương rồng hợp mệnh gì?
- Bảng giá tập CITYGYM tháng 12/2024 cập nhật gói Citipassport Superior Classic
- Sự Khác Nhau Trong Việc Dùng Nước Hoa Giữa Tây và Ta
- “Vệt màu mơ” – Học sinh Thủ đô chung tay lan tỏa văn hóa đọc