Cấm sử dụng điện thoại trong lớp: Có làm hạn chế ứng dụng công nghệ của học sinh?

Useful
21/10/24
Lượt xem : 23 view
khai giang nam hoc moi nguoiduatinvn 20 17254990613541670520804 166 0 1506 2560 crop 17294973658111465027672
Rate this post

Trái ngược với xu hướng bùng nổ công nghệ như hiện nay, hàng loạt các địa phương trên cả nước lại phát đi thông báo cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Điều này tưởng chừng sẽ nhận nhiều sự phản đối, nhưng trên thực tế lại là sự cần thiết để đảm bảo chất lượng học tập của học sinh.

Mới đây nhất, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhận nhiều phản ánh về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường còn nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục. 

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép.

Thực hiện cấm học sinh sử dụng điện thoại nhiều năm nay, ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng đến nay Sở GD&ĐT mới đưa ra quy định cấm là muộn.

“Tại trường chúng tôi các em phải nộp lại điện thoại trước giờ học và sẽ được trả lại khi hết giờ, đối với tiết học nào cần sử dụng thiết bị di động thì giáo viên phải thông báo trước và chỉ giới hạn trong giờ học đó”, ông Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Cấm sử dụng điện thoại trong lớp: Có làm hạn chế ứng dụng công nghệ của học sinh?- Ảnh 1.

Việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học phải được sự giám sát, cho phéo của thầy cô.

Trước lo lắng liệu không sử dụng điện thoại có làm cản trở sự kết nối công nghệ của học sinh, ông Lâm cho rằng, các em vẫn được sử dụng khi cần thiết và việc cấm sẽ càng nâng cao hiệu quả học tập.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Nếu học sinh dùng điện thoại sẽ tạo ra 2 thứ không tốt. Đó là các em không tập trung đặc biệt với những môn không thích học, còn giáo viên thì phải quản lý việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Lâu dần sẽ khiến phá vỡ nề nếp, kỷ luật trong lớp”.

Tuy nhiên, để học sinh tự nguyện thực hiện theo chuyên gia cũng cần sự phân tích, giáo dục cho các em hiểu, tránh tạo các giác chống đối, không hợp tác của các em.

  • Thi tốt nghiệp 2025: Đề thi dễ chưa chắc đạt điểm cao

Ủng hộ quy định mới của Sở GD&ĐT Hà Nội, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng điều này còn giúp học sinh giảm phụ thuộc vào điện thoại, tăng tương tác với bạn bè, thầy cô.

“Ngay bản thân đối với người lớn, thiết bị điện tử hiện nay cũng đã gây ảnh hưởng nhiều đến sự tập trung, hiệu quả công việc. Đối với học sinh càng dễ sa đà vào các trò chơi điện tử, mạng xã hội ngay cả trong giờ học, khiến gây “nghiện” trong thời gian dài. Việc cấm sử dụng trong giờ học là một trong những phương pháp giúp các em có thời gian chất lượng”, ông Lê Quốc Bình bày tỏ.

Thậm chí, theo ông Bình, khi đã tạo được thói quen, các em cũng chính là những tuyên truyền viên với gia đình về việc hạn chế sử dụng điện thoại di động.

Cấm sử dụng điện thoại trong lớp: Có làm hạn chế ứng dụng công nghệ của học sinh?- Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Mặc dù vậy, theo ông Bình trong những tiết học cần thiết, cần có hỗ trợ của công nghệ thì vẫn nên ủng hộ các em sử dụng, bởi đây cũng là kỹ năng mà các em phải được trau dồi đó là sử dụng điện thoại một cách thông minh.

Nếu học sinh muốn liên lạc với bố mẹ vẫn có điện thoại công cộng tại trường trong trường hợp cần thiết.

Nhiều năm về trước, phía Trường Lương Thế Vinh cũng đã xây dựng hướng dẫn các em sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội. Trong đó, có quy định khi nào được dùng và không được dùng và hướng dẫn các em sử dụng như thế nào cho đúng, hợp lý, phù hợp lứa tuổi.

Ngoài những quy định chung, nhà trường còn có thêm quy định riêng về những điều cấm kỵ khi lên facebook, như: tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt. 

Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả theo ông Bình nhà trường cũng cần tuyên truyền với cha mẹ học sinh về mặt trái của việc sử dụng điện thoại trong lớp học, để nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh.

Quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, dựa trên một số khuyến cáo mà các tổ chức của Liên Hợp Quốc đưa ra, trong đó có UNESCO.

Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 của UNESCO đã dẫn kết quả một nghiên cứu về giáo dục từ mầm non đến đại học ở 14 quốc gia cho thấy, điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.

Việc loại bỏ điện thoại thông minh khỏi các trường học ở Bỉ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh… đã giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh, đặc biệt là những em vốn không có thành tích tốt. UNESCO cho rằng các quốc gia nên cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên không gian mạng.

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source