Lợi dụng chính sách yêu cầu xác thực sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ làm việc tại ngân hàng, chủ động liên hệ nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Khách hàng phải thực hiện xác thực sinh trắc học để chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần từ 1/7. Ảnh: Xuân Sang. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) – Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý.
Trước các thủ đoạn mạo danh ngày càng phức tạp, người dùng cần thường xuyên cảnh giác, bảo vệ bản thân trên không gian mạng để tránh bị lừa chiếm đoạt tài sản.
Mạo danh ngân hàng, hướng dẫn xác thực sinh trắc học để lừa đảo
Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, người dân phải cập nhật sinh trắc học khuôn mặt để giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng. Nhiều người dùng, đặc biệt là người lớn tuổi không tránh khỏi khó khăn khi cập nhật trên phần mềm.
Lợi dụng quy định này, các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, liên hệ nạn nhân qua mạng xã hội để đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân quan trọng.
Khi liên hệ người dân, các đối tượng yêu cầu cung cấp địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng… Trong nhiều trường hợp, chúng còn dụ dỗ gọi video nhằm thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân.
Mạo danh ngân hàng, hướng dẫn người dùng xác thực sinh trắc học. Ảnh: Cục ATTT. |
Sau khi đánh cắp dữ liệu, kẻ xấu dễ dàng đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến nhằm chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân, chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo cũng dụ dỗ người dân tải về phần mềm giả mạo, chứa mã độc thông qua đường dẫn đính kèm trong tin nhắn.
Khi tải về phần mềm, đối tượng sẽ dễ dàng theo dõi thao tác của nạn nhân trên thiết bị, từ đó khai thác sâu hơn các thông tin quan trọng.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác trước tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu, hỗ trợ cập nhật sinh trắc học khuôn mặt.
Khi được liên hệ bởi cá nhân tự xưng cán bộ làm việc tại ngân hàng, cơ quan công an, người dân cần xác minh thông qua số điện thoại được cung cấp trên cổng thông tin chính thống của các đơn vị trên. Tuyệt đối không ấn vào đường link lạ, không cài đặt phần mềm từ nguồn không xác định.
Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo với các lực lượng chức năng, cơ quan công an địa phương nhằm truy vết đối tượng và kịp thời ngăn chặn.
Mất 2,3 tỷ đồng vì sập bẫy bình chọn ca sĩ
Ngày 28/6, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Bình Phước tiếp nhận đơn trình báo vụ việc bà L.H.T. (ngụ phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành) bị tội phạm công nghệ cao dụ dỗ giới thiệu việc làm, lừa hơn 2,3 tỷ đồng.
Bà T. được các đối tượng liên hệ thông qua Telegram. Chúng kết bạn và gửi tin nhắn giới thiệu việc làm tại nhà, hứa hẹn kiếm tiền mà không mất phí.
Nội dung công việc rất đơn giản, yêu cầu bà T. nghe các bài nhạc được chỉ định, đăng nhập và bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ, sau đó chụp màn hình và gửi lại. Mỗi lượt bình chọn nhận được 35.000 đồng.
Sau khi đồng ý tham gia, bà T. được các đối tượng gửi đường dẫn truy cập ứng dụng Zing MP3 giả mạo. Làm theo hướng dẫn, bà T. nhận được 100.000 đồng cho những lần bình chọn đầu tiên.
Sập bẫy lừa đảo bình chọn ca sĩ, nghe nhạc online, người phụ nữ bị chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng. Ảnh: Cục ATTT. |
Sau đó, kẻ lừa đảo hướng dẫn bà T. kết bạn với người dùng “Nguyễn Duy Hải”, người này hướng dẫn cách tăng số tiền nhận được sau mỗi lần bình chọn, yêu cầu bà T. đặt cọc 200.000 đồng, hứa sẽ nhận 80.000 đồng cho mỗi lần bình chọn.
Ngày 12/6, bà T. tham gia “Nhóm bỏ phiếu Zingmp3” nhằm thực hiện hợp đồng cam kết để hưởng lợi nhuận từ 40-50%. Nạn nhân làm nhiệm vụ “Lượt bình chọn 1” và vào đường link (do đối tượng gửi trên nhóm) để bình chọn ca sĩ M.T.
Để có 50 điểm bình chọn, các đối tượng yêu cầu bà T. nộp số tiền cọc tương ứng 5 triệu đồng, nói rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ trả lại tiền.
Do muốn hưởng lợi nhuận cao, bà T. liên tiếp tham gia các nhiệm vụ 2, 3, 4, 5 và 6 với số tiền nộp ngày càng nhiều và điểm thưởng ngày càng cao (850 điểm, tương ứng 127 triệu đồng).
Sau 19 lần bình chọn, bà T đã đặt cọc 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Khi có nhu cầu rút tiền, chúng liên tục đưa ra lý do nhằm trì hoãn. Phát hiện thấy dấu hiệu lừa đảo, bà T. nhanh chóng đến cơ quan công an để trình báo.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác trước các lời mời gọi, dụ dỗ tham gia công việc kiếm tiền tại nhà.
Khi nhận tin nhắn từ đối tượng lạ qua Facebook, Zalo, Telegram… người dân tuyệt đối không chuyển tiền cọc hoặc bất kỳ khoản phí khi chưa xác minh danh tính của đối tượng.
Khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu các đoạn hội thoại, thông tin của đối tượng, sau đó trình báo với các cơ quan công an địa phương nhằm truy vết và kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Hướng dẫn cách quản lý chi tiêu bằng AI với Rolly siêu đơn giản giúp bạn tiết kiệm tốt hơn
- “Anh trai vượt ngàn chông gai” xác nhận có concert 3 và phim tài liệu đặc biệt
- Mỹ nhân đẹp đến mức bị cấm đăng ảnh lên MXH
- Rợn người khi qua 2 cầu sắt 50 tuổi ở cửa ngõ phía Nam TP.HCM
- Top 8 mẫu nail cut out đẹp hết nấc mà các bạn nên làm cho đôi tay của mình