Chỉ phát giấy khen cho học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng: Nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục

Useful
26/09/24
Lượt xem : 27 view
dsc0209 6920241313 1928 1727268391317324331267 91 0 429 645 crop 172726857329748440938
Rate this post

Gần đây, sự việc tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, Tp.HCM) khiến dư luận dậy sóng, khi nhà trường quyết định phát giấy khen cho học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng trở lên trong phong trào quyên góp cho đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Những học sinh ủng hộ dưới 100.000 đồng chỉ nhận được thư khen từ giáo viên chủ nhiệm. Cách khen thưởng này nhanh chóng tạo ra làn sóng phản đối từ phía phụ huynh. Họ cho rằng đây là sự phân biệt đối xử và vô tình tạo ra tâm lý mặc cảm cho trẻ em.

Tác động đối với phụ huynh và dư luận

Theo chia sẻ của chị T.B., một phụ huynh có con học lớp 1 tại trường, gia đình chị chỉ đóng góp 50.000 đồng cho mỗi con, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, do số tiền này không đạt mức 100.000 đồng, con của chị không được nhận giấy khen, khiến chị cảm thấy đau lòng khi con mình ngồi dưới nhìn các bạn khác được tuyên dương.

Chị B. chia sẻ: “Những học sinh, sinh viên, người tàn tật ủng hộ ít vẫn được tuyên dương, vậy mà trường lại có cách tuyên dương phản giáo dục, gây mặc cảm cho trẻ”.

Chỉ phát giấy khen cho học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng: Nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục- Ảnh 1.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, Tp.HCM). (Ảnh: Website trường).

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Tâm lý học Trường đại học Văn Lang cho rằng, việc tuyên dương trong trường học không chỉ là việc ghi nhận đóng góp vật chất mà cần chú trọng vào ý nghĩa của việc làm thiện nguyện.

“Khen thưởng học sinh dựa trên số tiền ủng hộ có thể tạo ra cảm giác bất công và hình thành tư duy lệch lạc về giá trị của bản thân dựa trên tiền bạc. Đây là một trong những cách gián tiếp gieo rắc tư duy phân biệt trong môi trường giáo dục, vốn nên là nơi đề cao tinh thần đoàn kết và sự đồng cảm”.

  • Ủng hộ những việc làm đúng và ý kiến đúng

    Ủng hộ những việc làm đúng và ý kiến đúngĐỌC NGAY

Phụ huynh không chỉ lo lắng về tác động tâm lý đối với con em mình, mà còn phản đối cách làm của nhà trường vì nó gây chia rẽ trong lớp học.

Được biết, sau buổi trao thưởng của nhà trường, một số phụ huynh đã trực tiếp gặp ban giám hiệu, bày tỏ ý kiến không đồng tình về hình thức khen thưởng này.

Sự bất bình này không chỉ giới hạn ở mức độ cá nhân mà còn lan rộng trong cộng đồng. Nhiều người cho rằng, nhà trường đã thiếu đi sự công bằng, nhạy cảm trong việc tuyên dương.

Nguy cơ tạo sự phân biệt trong giáo dục

Việc sử dụng hình thức khen thưởng như tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn không chỉ dừng lại ở câu chuyện nhỏ của một trường học, mà còn phản ánh một vấn đề lớn hơn: nguy cơ về bất bình đẳng trong môi trường giáo dục.

Theo các chuyên gia, khi học sinh liên tục tiếp xúc với những biểu hiện của sự bất bình đẳng, các em có thể sẽ phát triển tư duy cạnh tranh không lành mạnh, coi trọng tiền bạc hơn những giá trị như lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm xã hội.

Chỉ phát giấy khen cho học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng: Nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục- Ảnh 3.

Cô Trần Lệ Thủy, Giáo viên Giáo dục tiểu học, Trường tiểu học Nguyễn Thị Định chia sẻ về việc phân biệt khen thưởng gần đây.

Cô Trần Lệ Thủy, Giáo viên Giáo dục tiểu học, Trường tiểu học Nguyễn Thị Định cho rằng, thay vì phân biệt khen thưởng dựa trên số tiền đóng góp, các trường học nên tập trung vào việc giáo dục giá trị của tinh thần đóng góp, không kể lớn hay nhỏ.

“Việc giáo dục cần hướng tới việc làm sao để trẻ hiểu rằng hành động giúp đỡ đồng bào không phụ thuộc vào số tiền mà các em có thể đóng góp, mà quan trọng là tấm lòng và sự tham gia tích cực”, cô Thủy nói.

Vụ việc tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn đã dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh về việc khen thưởng trong giáo dục.

Để tránh tình trạng tạo ra sự phân biệt giữa học sinh, các trường học cần tìm cách khuyến khích và tuyên dương mọi nỗ lực của các em một cách công bằng và bao dung hơn.

Giá trị của việc làm thiện nguyện không nên bị đánh giá qua số tiền, mà nằm ở tấm lòng và tinh thần sẻ chia – điều mà mọi trường học cần khơi dậy trong thế hệ trẻ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, Giảng viên Tâm lý Trường đại học Văn Lang nhấn mạnh: “Kêu gọi, hành động ứng xử bình đẳng là một trong những việc làm được nhiều người quan tâm và hưởng ứng hiện nay. Việc ứng xử bình đẳng không chỉ được diễn ra trong gia đình, ngoài xã hội mà ngay chính trong môi trường học đường cũng cần được thực hiện.

Việc đối xử bất bình đẳng giữa các đối tượng trong các cơ sở giáo dục sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng như sự thiếu công bằng, nhất quán trong việc phân công nhiệm vụ, thiếu văn minh trong hành xử và thiếu công tâm trong đánh giá, công nhận năng lực của các thành viên. Ngoài ra, việc bất bình đẳng còn tạo ra tâm lý e sợ, tự ti. Các cá nhân không có cơ hội thể hiện chính kiến, quan điểm của bản thân”.

Liên quan đến sự việc Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, Tp.HCM) chỉ phát giấy khen cho học sinh ủng hộ đồng bào bão lũ từ 100.000 đồng trở lên, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Gò Vấp, khẳng định với báo chí, Phòng không chỉ đạo các trường làm việc này. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra dư luận không tốt về hình thức khen thưởng trên. Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đã nhắc nhở các trường trên địa bàn chấn chỉnh tình trạng này. Các đơn vị phải cân nhắc khi tổ chức khen thưởng để tránh gây tổn thương đến học sinh và tạo bức xúc trong dư luận. Phòng đang yêu cầu trường làm báo cáo giải trình về vấn đề này.

Trả lời báo chí, bà Trần Thanh Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xác nhận, sáng 23/9, nhà trường tổ chức trao giấy khen và đại diện lớp lên nhận cho những học sinh đóng góp trên 100.000 đồng. Học sinh còn lại sẽ nhận được thư khen từ cô chủ nhiệm. Có điều trong thời điểm đó, thư khen chưa được gửi hết cho học sinh. Nhà trường nhận thấy cách khen như vậy thực sự không phù hợp. Nhà trường xin tiếp thu ý kiến và sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp trong các hoạt động tiếp theo để làm tốt hơn.

Khuynh Hà

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source