Chọn vị trí xây 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương

Useful
14/10/24
Lượt xem : 35 view
z59243868242866da92a04620e51abacda4eae5244fdee 17287844396951728486598 0 106 339 648 crop 1728784826473817453216
Rate this post

Đầu tư theo phương thức PPP

Ngày 14/10, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở đã có báo cáo lên UBND tỉnh về kết quả rà soát, đề xuất vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ của Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.

Chọn vị trí xây 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra hướng tuyến Dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về chọn vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, Sở đã mời đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan, nhà đầu tư đề xuất dự án.

Tại buổi làm việc đại diện hai nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang – FUTA GROUP và Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị vị trí, quy mô đầu tư trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, theo phương thức PPP.

Đối với trạm dừng nghỉ dự án Bảo Lộc – Liên Khương bố trí tại Km 132+300 (phải tuyến) và Km 135+00 (trái tuyến) với quy mô 10ha mỗi bên. Tổng diện tích là 20ha.

Với trạm dừng nghỉ dự án Tân Phú – Bảo Lộc, bố trí tại Km 77+00 (cả phải và trái tuyến), quy mô mỗi bên 5ha. Tổng diện tích 10ha.

Chi phí bồi thường GPMB thực hiện theo Luật Đất đai 2024 và các quy định liên quan. Nhà đầu tư trúng thầu sẽ tự bỏ chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác. Doanh thu trạm dừng nghỉ không tính toán vào phương án tài chính của dự án.

“Việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương như: Đóng góp cho ngân sách, tạo thị trường tiêu thụ sản sản phẩm của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Lợi ích thu được sẽ cao hơn so với lợi ích thu được từ sản xuất nông nghiệp”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay.

Chọn vị trí xây 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương- Ảnh 2.

Hướng tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương.

Theo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, thống nhất bố trí trạm dừng nghỉ tại Km 132+300 (bên phải tuyến) và Km 135+000 (bên trái tuyến), thuộc xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Đối với vị trí Km 77+000 tương đối phù hợp về khoảng cách. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác GPMB. Do đó, đề nghị Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu thêm phương án dịch chuyển về vị trí khoảng Km82 – Km85.

Cũng Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, cao tốc Bắc – Nam hiện nay đang được phê duyệt đầu tư 36 trạm dừng nghỉ. Trong đó, trên 50% (trên 18 trạm) có quy mô khoảng 5ha mỗi bên (tổng diện tích 10ha). Do đó, thống nhất chủ trương đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi quy mô trạm khoảng 5ha/trạm. Tuy nhiên, ở các bước tiếp theo, nhà đầu tư phải có tính toán cụ thể để đưa ra quy mô phù hợp.

“Hiện nay, dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương thực hiện đầu tư lâu dài. Do đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên điều chỉnh các quy hoạch của địa phương (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng…) để phù hợp với các dự án cao tốc”, lãnh đạo Ban này cho hay.

Về vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, đối với tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương xây dựng tại Km165, vị trí thuộc phần đất thực hiện dự án hạ tầng khu tái định cư cao tốc. Do diện tích dành ra để thực hiện khu tái định cư này khá lớn nên vẫn còn đất dành cho trạm dừng nghỉ. Đối với tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc xây dựng tại hồ Đạm B’ri, TP Bảo Lộc (Km104-105).

“Việc thực hiện tại hai vị trí trên sẽ đảm bảo các điều kiện về quy mô trạm dừng nghỉ, khoảng cách các trạm, quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Việc lựa chọn theo phương án này thuận lợi đáp ứng được tiến độ đề ra. Về quy mô các trạm dừng nghỉ thống nhất từ 3-5ha/trạm”, đại diện Sở Xây dựng Lâm Đồng khẳng định.

Bổ sung quy hoạch tiếp tục mở rộng quy mô

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các sở, địa phương (huyện Đạ Huoai, huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc) và ý kiến phản hồi của hai nhà đầu tư đề xuất dự án, Sở GTVT Lâm Đồng đề xuất, đối với dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, thống nhất vị trí xây trạm dừng nghỉ do nhà đầu tư đề xuất tại Km 132+300 (bên phải tuyến) và Km 135+00 (bên trái tuyến) thuộc xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, UBND TP Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm đã thống nhất vị trí này.

Cũng theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, quy mô đầu tư trong giai đoạn này tối đa không quá 5ha/1trạm (cho mỗi bên). Với lí do, thực hiện phân kỳ đầu tư để hạn chế GPMB và phù hợp với nhu cầu sử dụng trạm dừng nghỉ trong giai đoạn hiện nay. Sở cũng đề xuất bổ sung vào quy hoạch để mở rộng quy mô trạm dừng nghỉ tối đa không quá 10ha/trạm (mỗi bên) trong giai đoạn sau.

Chọn vị trí xây 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương- Ảnh 3.

Hai dự án cao tốc hoàn thành sẽ kết nối thông tuyến với cao tốc Liên Khương – Prenn và đèo Preen, nối TP Đà Lạt, các tỉnh Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đối với dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Sở GTVT Lâm Đồng cũng thống nhất vị trí trạm dừng nghỉ do nhà đầu tư đề xuất tại vị trí Km77 (cho cả hai bên) thuộc xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Với lí do, hiện trạng đoạn tuyến từ Km78 – Km103 là diện tích đất rừng nếu đặt trạm dừng nghỉ tại đoạn tuyến này phải điều chỉnh hồ sơ mục đích sử dụng rừng, sẽ kéo dài thời gian phê duyệt dự án.

Đồng thời, địa hình tại các vị trí này là đồi núi, độ dốc ngang lớn nên không thể bố trí trạm dừng nghỉ. 

“Việc bố trí trạm dừng nghỉ trước khi lên đoạn đèo dốc là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực tế của lái xe và hành khách. Quy mô đầu tư trong giai đoạn này tối đa không quá 3ha/trạm (cho mỗi bên). Vì thực hiện phân kỳ đầu tư là để hạn chế GPMB và phù hợp với nhu cầu sử dụng trạm dừng nghỉ trong giai đoạn hiện nay. Qua đây, sẽ bổ sung vào quy hoạch để mở rộng thành quy mô đầu tư tối đa không quá 5ha/trạm (cho mỗi bên) trong giai đoạn sau. Sau khi tổng hợp thống nhất ý kiến các bên, Sở GTVT sẽ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định và chỉ đạo thực hiện”, ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài khoảng 66km (đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11km, qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55km), có tổng vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động 9.095 tỷ đồng. Chủ đầu tư đề xuất dự án là liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung (liên danh do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện chủ đầu tư).

Đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài gần 74km đi qua tỉnh Lâm Đồng, có tổng mức đầu tư khoảng 19.521 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 7.761 tỷ đồng (giai đoạn I, vốn Trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn tỉnh Lâm Đồng 1.500 tỷ đồng, còn 3.661 tỷ đồng dự kiến bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất), vốn nhà đầu tư 1.764 tỷ đồng, vốn huy động 9.996 tỷ đồng. Chủ đầu tư đề xuất dự án là liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP đầu tư Tập đoàn Phương Trang, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty CP đầu tư Tập đoàn Phương Trang là đại diện liên danh, chủ đầu tư).

Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương là hai đoạn tuyến thuộc Dự án thành phần cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài 200km, sau khi hoàn thành sẽ kết nối thông tuyến với cao tốc Liên Khương – Prenn và đèo Preen, nối TP Đà Lạt (Lâm Đồng), các tỉnh Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source