Không có thời gian để buồn
Gần 12h đêm 31/8, khi dòng xe trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) bắt đầu thưa dần, thành phố cũng chìm vào giấc ngủ… tại công trường nút giao An Phú, không khí vẫn rất khẩn trương, nhộn nhịp.
Dưới ánh đèn công trường, hàng chục công nhân cùng máy móc thiết bị hối hả làm việc. Người trên nắp hầm, kẻ dưới đáy hầm, ai cũng tất bật với nhiệm vụ của mình.
Vừa gắn xong tấm thảm chống thấm, ông Nguyễn Đức Hùng (53 tuổi, quê Nghệ An) ngồi bệt xuống một góc công trường, đốt vội điếu thuốc lá để giữ sự tỉnh táo giữa đêm khuya.
Trong làn khói mờ dần tan vào bóng tối, ông kể, suốt 40 năm qua, ông đã tham gia hết công trình này sang công trình khác. Nhiều đến nỗi, ông chẳng còn nhớ nổi mình đã góp sức bao nhiêu dự án và cũng không còn nhớ nổi bao nhiêu lần đón lễ, đón Tết xa nhà.
“Với công nhân công trình, ngày lễ cũng như ngày thường, chúng tôi cũng quen với việc này, ngày như đêm đều tất bật công việc, không có thời gian đâu mà buồn. Ở công trình, anh em chia ca để làm, lúc hết ca thì tranh thủ nghỉ ngơi để có sức khỏe trở lại với ca mới”, ông Hùng nói.
Ở góc khác của công trường, anh Lô Văn Mây (31 tuổi, quê Nghệ An) cũng đang cặm cụi hàn những trụ thép. Với đôi tay anh thoăn thoắt đầy kinh nghiệm, chỉ trong ít phút, một thanh sắt lớn đã được anh nối liền, vững chắc.
Khẽ quệt mồ hôi chảy dài trên gương mặt, anh Mây chia sẻ, anh đã gắn bó với công trường này được gần một năm. Công việc tuy nặng nhọc, đòi hỏi nhiều sức lực nhưng anh vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt.
Theo anh Mây, công nhân làm việc theo ba ca, mỗi ca kéo dài 8 tiếng, thay phiên nhau làm việc suốt 24 giờ. Khi cần, họ còn phải làm tăng ca để kịp tiến độ. Với công nhân, làm ca đêm là vất vả nhất, bởi dễ mất sức vì thiếu ngủ và tầm nhìn hạn chế. Nhưng qua thời gian, mọi người cũng dần quen với nhịp độ và yêu cầu công việc.
“Dù mệt nhưng mỗi lần hoàn thành một công đoạn, chúng tôi lại thấy nhẹ nhõm, vui vẻ hẳn lên. Tôi rất mong chờ ngày công trình hoàn thành, để có thể tự hào nói với mọi người rằng, tôi đã góp sức mình vào đây” anh Mây nói với nụ cười rạng rỡ.
Hoàn thành hai cầu trong tháng 9
Có mặt tại công trường, ông Lại Văn Miên, chỉ huy trưởng gói thầu xây lắp 5, nhà thầu Thành Phát liên tục quan sát, đôn đốc cán bộ, công nhân.
Ông Miên cho biết, gói thầu xây lắp 5 có 19 đốt hầm, trong đó có 4 hầm kín và 15 hầm hở. Hiện tại, nhà thầu đang tập trung hoàn thiện đốt hầm K7, K8 (hầm kín) và đốt K12 (hầm hở).
Hiện đốt hầm K7, K8 đã được đổ nắp, tường thân, chuẩn bị hoàn thiện nắp hầm K8. Sau khi hoàn thành các đốt hầm này, nhà thầu sẽ tái lập mặt đường, thông xe trên nắp hầm K7, K8 rồi thi công tiếp đốt hầm K9, K10. Ông Miên cho biết, nhà thầu đang bám rất sát tiến độ của dự án.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức khi thi công gói thầu, ông Miên cho biết, khu vực thi công có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, đặc biệt là xe container chạy về cảng Cát Lái, gây khó khăn cho việc phân luồng giao thông.
Ngoài ra, lượng nước ngầm ở khu vực hầm chui khá cao nên nhà thầu tốn nhiều thời gian, công sức để xử lý. Còn về máy móc thiết bị, nhân lực, nhà thầu luôn chủ động và đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu.
Clip xuyên đêm thi công tại dự án trọng điểm. Thực hiện: Mỹ Quỳnh.
“Gói thầu hiện có khoảng 60 công nhân chia ca làm việc liên tục. Vì là công trình giao thông trọng điểm của thành phố, chúng tôi bố trí lực lượng làm việc xuyên đêm, xuyên lễ để bám tiến độ. Vào dịp lễ 2/9, chúng tôi tổ chức bữa ăn nhẹ trên công trường để động viên tinh thần anh em”, ông Miên nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, dự án nút giao An Phú được xác định là công trình trọng điểm, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực phía Đông thành phố.
Theo đó, Ban giao thông đang phấn đấu trong tháng 9/2024 sẽ hoàn thành hai gói thầu đầu tiên, bao gồm cầu Bà Dạt và cầu Giồng Ông Tố 2.
“Dù các công trình này chưa đưa vào khai thác ngay, chưa nối kết khu vực chung, nhưng TP.HCM và Ban Giao thông vẫn quyết tâm hoàn thành, vừa để sẵn sàng công tác tiếp theo, vừa tăng cường giải ngân vốn đầu tư công”, ông Phúc nói.
Bên cạnh đó, cuối năm 2024, dự kiến dự án nút giao An Phú sẽ thông xe đường hầm đầu tiên. Sang năm 2025 hoàn thành đường hầm thứ hai và bốn cầu vượt để phục vụ người dân.
Nút giao An Phú là nút giao thông quan trọng đặc biệt ở cửa ngõ phía đông TP.HCM. Nút giao này là điểm đầu tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, kết nối với những đường trục chính như Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Đồng Văn Cống. Nút giao này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng thời giảm tải cho các tuyến đường nội đô.
Theo phương án thiết kế, nút giao thông An Phú có 3 tầng: Hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm) kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống. Mặt đất sẽ xây các tiểu đảo, đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông, trên cao sẽ xây 2 cầu vượt.
Cấu trúc này giúp tăng cường khả năng lưu thông, giảm thời gian di chuyển và hạn chế tình trạng kẹt xe tại khu vực này, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Dự án được khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025 với mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Đây là nút giao được đánh giá hiện đại bậc nhất TP.HCM.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Đánh giá xe Sirius FI 2022 có tốt không chi tiết? 8 lý do nên mua
- Chặn quốc lộ 19 một số thời điểm để nổ mìn phá đá từ 24/10 đến 31/12
- Mối quan hệ của ca sĩ Lưu Hương Giang và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh hiện ra sao?
- Nữ diễn viên đi tù nhiều nhất màn ảnh Việt
- Phan Đạt rút khỏi showbiz hậu “bóc phốt” chấn động, một nam diễn viên lập tức khóa trang cá nhân