Chuyển đổi số giáo dục vẫn cần người thầy dẫn dắt

Useful
19/11/24
Lượt xem : 4 view
giao duc chuyen doi so 17319860069031608787901 168 0 1508 2560 crop 1731986032302613698536
Rate this post

Giờ đây, trên mỗi bục giảng, chúng ta không còn chỉ thấy bảng và phấn, mà đồng hành với người giáo viên còn có máy chiếu, màn hình vi tính và vô vàn ứng dụng học tập thông minh. Không khí của đổi mới giáo dục đã được lan tỏa trên khắp các vùng miền của cả nước.

Thời gian qua, ngành giáo dục, luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, ghi nhận hiệu quả tích cực. Việc này đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang tích cực, giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp giáo dục đã ứng dụng công nghệ nhiều năm, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Trung – Giám đốc công nghệ Tập đoàn Giáo dục EQuest cũng đồng tình vai trò của công nghệ đối với giáo dục là không hề nhỏ. Tuy nhiên nó mới chỉ được thể hiện rõ nét vai trò và được cộng đồng quan tâm trong giai đoạn dịch Covid-19.

Chuyển đổi số giáo dục vẫn cần người thầy dẫn dắt- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Trung – Giám đốc công nghệ Tập đoàn Giáo dục EQuest.

Giai đoạn đó, nhờ có quá trình học tập trực tuyến, thu thập dữ liệu, người dạy dễ dàng biết được học sinh giỏi và yếu môn học nào. Cùng với việc công nghệ giúp cho học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, việc học giờ đây sẽ được cá nhân hóa. Thay vì, chúng ta sử dụng một bài giảng dạy cho tất cả mọi người.

Đồng thời, thông qua các hệ thống học tập trực tuyến giúp rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa vùng sâu, vùng xa và các thành phố lớn, rào cản địa lý, không gian được xóa nhoà.

Thầy cô phải bỏ qua tư duy ngại thay đổi

Tại Trường TH&THCS Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang), cô giáo Hà Thị Oanh – Phó Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ, khi học sinh ở đây đã có cơ hội tham dự nhiều cuộc thi hơn, nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ.

  • Điểm nghẽn nhân lực giáo dục

  • Xây dựng giáo dục Thủ đô không bạo lực, ép buộc học thêm

“Những năm học gần đây, các em được tiếp xúc, biết đến nhiều hội thi mà trước kia do khoảng cách về địa lý không tham gia được, như Trạng nguyên tiếng Anh, kỳ Olympic của các môn học. Nhà trường cũng cố gắng hướng dẫn giúp học sinh tham gia, cho các em làm quen với các ứng dụng, bớt bỡ ngỡ với sự thay đổi của công nghệ thông tin”, cô giáo Hà Thị Oanh bày tỏ.

Tuy nhiên, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở bước đầu, phần đa học sinh của nhà trường là con ngư dân, nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ bám biển nhiều ngày nên các em không có thiết bị để học tập.

Về phía giáo viên, với những thầy cô lớn tuổi, việc phải học tập thêm kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm cũng là thách thức và mất nhiều thời gian hơn.

Chuyển đổi số giáo dục vẫn cần người thầy dẫn dắt- Ảnh 2.

Cô giáo Hà Thị Oanh nhận thấy chuyển đổi số là công cụ đắc lực hỗ trợ giáo viên.

Cô giáo Hà Thị Oanh cho biết: “Thời gian đầu thực hiện giáo viên còn lúng túng, ngại thay đổi. Nhưng sau khi nhận thấy, khi có thêm các ứng dụng hỗ trợ giúp nắm được trình độ học sinh, quá trình tiếp thu của các em, nên đội ngũ nhà trường cũng cố gắng vượt qua để không bị chậm với công nghệ”.

Ở cấp tiểu học, nhằm giúp giáo viên thích ứng với công cụ giảng dạy mới, Tiểu học Dương Đông 4 (Phú Quốc, Kiên Giang) cũng chủ động tổ chức nhiều buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm.

Theo cô giáo Lý Thị Mộng Huyền – Phó hiệu trưởngTiểu học Dương Đông 4, việc đồng hành giữa nhà trường và đội ngũ chuyên gia về công nghệ là vô cùng cần thiết.

“Muốn sử dụng tốt bất kỳ thứ gì, đều cần có thời gian làm quen, tìm hiểu. Khi đưa phần mềm học tập nào đó vào giảng dạy, chúng tôi đều tổ chức các buổi học chuyên môn, mời các nhà cung cấp đến để hướng dẫn cho giáo viên. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu mà nhà trường thực nhiều năm nay”, cô Lý Thị Mộng Huyền đánh giá.

Ở đây, cô Huyền nhận thấy, điều quan trọng giáo viên cần bỏ qua suy nghĩ là thầy thì không phải học, sợ đi sau học sinh. Thay vào đó, phải cùng trải nghiệm cái mới với các em, thầy trò cùng học, để cùng phát triển. Đây cũng là cơ hội tạo sự gắn kết giữa người dạy và người học.

Chuyển đổi số giáo dục vẫn cần người thầy dẫn dắt- Ảnh 3.

Công nghệ giúp xóa nhòa khoảng cách giáo dục.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm với sự đổi mới

Ngoài giảng dạy, công nghệ cũng được sử dụng triệt để trong công tác quản lý, cô giáo Đặng Thị Thanh Thủy – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường (Hà Đông, Hà Nội) đề cao khả năng lưu trữ dữ liệu trên môi trường số.

Đối với cơ sở giáo dục này, mọi quy trình liên quan đến quản lý kết quả học tập, thu chi tài chính, quản lý giáo viên,…đều có sự tham gia của công nghệ.

“Việc lưu trữ thông tin bằng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử sẽ khắc phục được hạn chế của quy trình sổ giấy. Chỉ riêng quá trình nhập điểm cho học sinh, nếu làm thủ công sẽ mất nhiều thời gian hơn, giáo viên khó nắm được quá trình học tập của các em. Trong khi đó, ở nền tảng số, nhà trường có nhiều không gian để lưu trữ, việc quản lý, tra cứu, sử dụng được dễ dàng hơn”, cô Thủy chia sẻ.

Nhà trường cũng nhận được phản hồi tích cực của phụ huynh, khi cha mẹ có thể ngay lập tức biết được con có bài kiểm tra môn gì và được bao nhiêu điểm. Ở đây, tính bảo mật cũng được đề cao, khi mỗi học sinh sẽ có một mã số riêng và chỉ duy nhất các em mới có thể tra cứu được thông tin.

Ngoài ra, khi có sự chuyển đổi lên nền tảng số, công tác quản lý giáo dục cũng được minh bạch và công khai. Nếu trước kia, việc sai sót, sửa chữa trong quy trình sẽ khó phát hiện. Nhưng theo cô Thuỷ, giờ đây, mọi lịch sử, nhật ký hoạt động đều được ghi lại cụ thể, điều này giúp cho mỗi giáo viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cẩn thận trong quá trình làm việc.

Chuyển đổi số giáo dục vẫn cần người thầy dẫn dắt- Ảnh 4.

Cô giáo Đặng Thị Thanh Thủy – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường.

Người thầy phải là đội ngũ tiên phong chuyển đổi số

Hiểu rõ việc giáo viên thích ứng với công nghệ số là điều không hề dễ dàng, cô giáo Phạm Thị Liên – Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang đã cùng với cộng sự của mình là cô giáo Hà Ánh Phượng – Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội cho ra ra mắt cộng đồng “Thầy cô không ngừng học”.

Cộng đồng này tổ chức đều đặn các buổi hội thảo chuyên môn hàng tháng, tập trung vào các chủ đề về ứng dụng công nghệ thông tin, trong dạy học nói chung và tiếng Anh nói riêng.

Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để thầy cô trao đổi các nguồn tài liệu trong dạy học, hỗ trợ lẫn nhau, và tham gia các hoạt động khác liên quan tới chuyên môn…

Cô Liên nhận thấy: “Việc thích ứng với công nghệ mới là một thách thức, nhất là đối với những giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm về công nghệ số. Cá nhân tôi cũng từng cảm thấy bối rối, khi bắt đầu tiếp cận các công cụ giảng dạy trực tuyến và công nghệ mới. Tuy nhiên, qua từng bước nhỏ khám phá, thực hành và nhờ sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, tôi đã dần vượt qua khó khăn”.

Ngay ở buổi hội thảo đầu tiên, cộng đồng “Thầy cô không ngừng học” đã lựa chọn AI làm chủ đề, vì nhận thấy tiềm năng to lớn của công nghệ này trong việc hỗ trợ giáo viên cá nhân hóa bài giảng, tự động hóa công tác chấm điểm, và tăng tính hấp dẫn cho mỗi tiết học. Khi áp dụng hiệu quả, AI giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, dành nhiều tâm sức hơn cho phát triển chuyên môn và đổi mới sáng tạo.

Chuyển đổi số giáo dục vẫn cần người thầy dẫn dắt- Ảnh 5.

Cô giáo Phạm Thị Liên (bên phải) và cô Hà Ánh Phượng mong muốn lan tỏa cộng đồng giúp đỡ nâng cao kỹ năng cho giáo viên.

“Trong các buổi gần đây, chúng tôi đã giới thiệu các công cụ AI như Gamma, Mapify,.. các công cụ hữu ích như Chat GPT và Diffit for Teachers trong việc tạo đề thi để giúp giáo viên thiết kế bài giảng và tạo nội dung học tập phù hợp với từng học sinh, tăng hiệu quả giảng dạy.

Qua mỗi buổi hội thảo, các thầy cô không chỉ được truyền cảm hứng học tập và sáng tạo, được chia sẻ kinh nghiệm mà còn có cơ hội thực hành, giải đáp thắc mắc và tiếp cận công nghệ mới”, cô Phạm Thi Liên chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của mình, theo cô Liên, để thuận lợi hơn, các thầy cô nên bắt đầu từ những công cụ đơn giản, dễ ứng dụng như Quizlet hay Padlet, Chat GPT… và sau đó nâng cao dần kỹ năng. Tranh thủ các buổi workshop và sự hỗ trợ từ cộng đồng để trao đổi và học hỏi lẫn nhau cũng là một cách hiệu quả để thầy cô giảm bớt áp lực khi tiếp cận công nghệ.

Những kỹ năng mới sẽ giúp giáo viên tạo ra các bài giảng hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Bên cạnh đó, kỹ năng tư duy sáng tạo và khả năng quản lý thời gian cũng là yếu tố quan trọng, giúp giáo viên ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt và hiệu quả.

Vị giáo viên cũng cho rằng, thầy cô không nên bỏ cuộc trong quá trình chuyển đổi số. Bởi việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy đã tạo nên sự thay đổi đáng kể trong thái độ học tập của học sinh. Các em trở nên chủ động hơn, có hứng thú với việc học khi được tương tác qua các bài tập và ứng dụng trực quan.

Chuyển đổi số giáo dục vẫn cần người thầy dẫn dắt- Ảnh 6.

Nhờ có công nghệ học sinh thích thú hơn với bài giảng thầy cô.

Nhờ công nghệ, quá trình học tập trở nên hấp dẫn, gần gũi và thiết thực hơn, khơi dậy tinh thần học tập và phát triển những kỹ năng quan trọng cho học sinh trong thời đại công nghệ số.

“Tôi mong rằng nhà trường và các cấp quản lý giáo dục sẽ tiếp tục hỗ trợ giáo viên thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, cung cấp tài liệu hướng dẫn và đầu tư vào hạ tầng công nghệ.

Thông qua sự thành công và phản hồi tích cực từ các buổi workshop gần đây của cộng đồng, là minh chứng cho thấy nhu cầu và mong muốn phát triển của các thầy cô. Với những hỗ trợ thiết thực này, chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển đổi số giáo dục một cách bền vững và hiệu quả”, cô Liên bày tỏ.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Trung: “Nếu như trong sản xuất, trang bị một dây chuyền hiện đại là có thể thay thế người công nhân. Nhưng giáo dục lại không như vậy, dù có máy móc hỗ trợ, thì vẫn cần người thầy dẫn dắt. Đặc điểm này, khiến cho lĩnh vực đào tạo con người phải mất nhiều thời gian hơn cho nguồn nhân lực làm quen với cái mới. Bởi vậy ,việc chuyển đổi số không thể làm ngay và luôn, mà cần có một quá trình nghiên cứu, phát triển, đào tạo, tích hợp”.

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source