Liên quan đến việc dòng chữ “đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” trên các biển báo của tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ VN cho biết, điều 45 Luật Giao thông đường bộ quy định biển báo hiệu đường bộ thuộc về công trình báo hiệu đường bộ.
Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: “Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ”.
Do vậy nhà thầu Sơn Hải gắn dòng chữ “Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” trên biển báo hiệu đường bộ cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu là không đúng quy định pháp luật.
Tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019 về báo hiệu đường bộ thì trên các biển báo hiệu không có quy định ghi thời gian bảo hành công trình, hoặc cam kết về thời gian bảo hành công trình.
Theo ông Điệp, Luật Xây dựng và quy định khác của pháp luật xây dựng cũng không có quy định về việc phải gắn biển cam kết bảo hành trên công trình xây dựng.
Dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Nghị định số 44/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định: Dự án xây dựng đầu tư sử dụng vốn nhà nước thì công trình xây dựng hoàn thành được hình thành từ vốn của nhà nước, sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng phải lập hồ sơ tài sản và giao cơ quan nhà nước quản lý tài sản.
“Nhà thầu Sơn Hải nói biển báo hiệu trên đường cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu là tài sản của doanh nghiệp là không đúng”, ông Điệp khẳng định.
Khu Quản lý đường bộ 2 cho biết, việc tháo biển báo hiệu tại gói thầu do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công tại cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu để xóa bỏ dòng chữ “Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” được thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng và Cục Đường bộ VN.
Tại hồ sơ thiết kế dự án được các cơ quan có thẩm quyền duyệt, hồ sơ hoàn công đối với hạng mục biển báo có thiết kế và nội dung về tên đường, tốc độ tối đa, tối thiểu, không có thông tin bảo hành của nhà thầu.
Giữa năm 2024, Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng đi kiểm tra dự án đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu thi công phải sửa chữa, khắc phục đúng theo hồ sơ thiết kế.
Tuy nhiên, sau đó các bên không thực hiện nên Khu Quản lý đường bộ 2 đã yêu cầu đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa ngay những biển báo không đúng với hồ sơ thiết kế, có dòng chữ quảng cáo không đúng quy chuẩn.
Theo một chuyên gia giao thông, biển báo trên quốc lộ hay cao tốc đều có quy chuẩn với chức năng đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây phân tâm hoặc nhầm lẫn. Việc đưa thêm nội dung không liên quan báo hiệu đường bộ bằng chữ nhỏ ở dưới khiến tài xế khó đọc, mất tập trung khi lái xe.
Với dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu là dự án đầu tư công từ ngân sách nhà nước. Sau khi thi công xong, chủ đầu tư nghiệm thu trả tiền, nhà thầu bàn giao công trình cho nhà nước. Vì vậy, không thể nói biển báo hay các hạng mục khác trên đường là tài sản của nhà thầu.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- 30+ mẫu giường tầng thông minh, đa năng cho mọi không gian
- Kinh nghiệm du lịch California: Lịch trình, Chi phí, Checkin mua sắm
- Nhiều ông bố nổi tiếng xuất hiện trong chương trình thực tế của VTV: Đánh thức ký ức tuổi thơ trong hành trình khám phá thế giới cùng con
- Các tiệm làm nail quận 4 chất lượng uy tín giá rẻ
- 14 dụng cụ làm nail từ cơ bản đến chuyên nghiệp không thể thiếu cho thợ nail