Đối với Chương trình GDPT 2018, môn Đạo đức ở cấp tiểu học, giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân. Góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân Việt Nam.
Điều này, cũng đặt ra yêu cầu cho các nhà biên soạn, xuất bản sách giáo khoa cần nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng nội dung, đáp ứng chương trình mới.
Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Toan – Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Đạo đức, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nội dung nổi bật nhất của sách giáo khoa Đạo đức hiện nay là có sự kết nối từ tri thức vào thực tiễn.
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa bà, nội dung môn Đạo đức trong Chương trình GDPT 2018 có sự khác biệt gì so với Chương trình GDPT 2006 ?
PGS.TS Nguyễn Thị Toan: Môn Đạo đức trong Chương trình GDPT 2006 được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung, xoay quanh 5 mối quan hệ với 2 mạch nội dung giáo dục cơ bản: Giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật.
Đối với Chương trình GDPT 2018, môn Đạo đức được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực với 4 mạch nội dung giáo dục: Giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục kinh tế và giáo dục pháp luật. Các chủ đề giáo dục gần gũi, thiết thực, phù hợp với học sinh hơn.
Qua các chủ đề, bài học, các em có được những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó. Các em được giáo dục yêu gia đình, quê hương, đất nước, yêu thương, tôn trọng con người. Biết đồng tình với cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái sai, cái xấu,….
Cùng với đó, học sinh cũng biết điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi của bản thân; biết lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân, hình thành thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập, sinh hoạt.
Đặc biệt, chương trình quan tâm hơn tới việc giáo dục kỹ năng nhận thức, quản lý bản thân như biết tự chăm sóc bản thân, khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, tự bảo vệ để phòng tránh tai nạn, thương tích, phòng tránh xâm hại…Các em cũng có thêm các trải nghiệm thú vị về tiền để biết quý trọng đồng tiền, sử dụng tiền hợp lý hơn.
Những điểm mới này góp phần khẳng định, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc Chương trình GDPT 2006, chương trình môn Đạo đức mới đã nằm trong dòng chảy của nền giáo dục hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống, giúp cho việc dạy học Đạo đức trở nên gần gũi, thiết thực, kết nối chặt chẽ hơn với thực tiễn của học sinh.
NĐT: Vậy những nội dung kể trên được thể hiện như thế nào trong sách giáo khoa Đạo đức, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống?
PGS.TS Nguyễn Thị Toan: Từ những yêu cầu cần đạt trong các chủ đề của chương trình, sách giáo khoa Đạo đức, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiết kế thành các bài học cụ thể, sinh động, dựa trên tiến trình nhận thức của học sinh và tuân thủ quy trình dạy học trải nghiệm, đi từ nhận biết đến thấu hiểu, tin tưởng và hành động tự giác.
Mỗi bài học gồm một chuỗi hoạt động, bắt đầu từ hoạt động Khởi động nhằm tạo tâm thế, hứng thú học tập thông qua một trò chơi, bài hát, chia sẻ trải nghiệm…. Hoạt động Khám phá giúp học sinh kiến tạo nên tri thức mới thông qua các câu chuyện, tranh ảnh, tình huống… kết nối với kinh nghiệm thực tiễn để trả lời các câu hỏi: Em cần phải làm gì? Làm như thế nào? Vì sao phải làm thế?.
Thêm vào đó, các hoạt động Luyện tập nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng qua các dạng bài tập bày tỏ ý kiến, nhận xét hành vi, xử lí tình huống…
Hoạt động Vận dụng nhằm giúp học sinh tự giác áp dụng những điều đã học vào cuộc sống, tạo ra những sản phẩm thể hiện kết quả học tập của bản thân.
Các tác giả đã cố gắng tìm tòi, chọn lọc những ngữ liệu gần gũi, hấp dẫn, thiết thực để chuyển tải chính xác, sinh động những yêu cầu cần đạt của chương trình vào trong sách. Những hình ảnh, câu chuyện, tình huống chọn lọc hướng tới đánh thức cảm xúc, sự rung động trong tâm hồn học sinh.
Bên cạnh đó, các hoạt động trong sách mang tính mở, giúp giáo viên có thể phối hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật và hình thức tổ chức dạy học khác nhau, thiết kế đa dạng các hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Ở đây, các nội dung còn khuyến khích học sinh tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập phong phú, giúp cho việc học đạo đức trở thành một hành trình học hỏi, khám phá, rèn luyện thú vị và hiệu quả.
Từ những gợi ý trong sách, thông qua các hoạt động và sản phẩm học tập, giáo viên có căn cứ đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình GDPT 2018.
NĐT: Người giáo viên cần đảm bảo yêu cầu gì để đạt được mục tiêu Chương trình GDPT 2018 đối với môn Đạo đức, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Toan: Chương trình GDPT mới nói chung, chương trình môn Đạo đức mới nói riêng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với giáo viên về năng lực và phẩm chất.
Thầy cô phải nắm vững chương trình, việc đổi mới, sáng tạo cần dựa trên cơ sở những yêu cầu cần đạt mang tính pháp lý của chương trình môn Đạo đức cấp tiểu học.
Các thầy cô cũng cần đổi mới nội dung dạy học trên cơ sở những ngữ liệu mang tính gợi ý của sách giáo khoa Đạo đức. Giáo viên cần cập nhật những thông tin mang tính thời sự, những trường hợp điển hình gắn với trường lớp, địa phương, vùng miền nơi học sinh sinh sống để giúp cho quá trình dạy học đạo đức gần gũi, thiết thực, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, đổi mới phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học, chú trọng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để học sinh khám phá, phân tích, khai thác thông tin, xử lí tình huống thực tiễn, trường hợp điển hình. Song hành với đó, coi trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm.
Kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh như giải quyết vấn đề, hợp tác, dự án. Tích cực sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại.
Cuối cùng, phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức cho học sinh đểbài học đạo đức thực sự đi vào cuộc sống, trở thành hành vi tích cực, tự giác, bền vững của học sinh.
Trên tất cả, giáo viên phải là tấm gương sống về đạo đức. Cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học thì tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc ân cần, sự khích lệ động viên của giáo viên đối với học sinh sẽ giúp bài học đạo đức chạm tới trái tim người học, dần biến thành hành động đạo đức tốt đẹp của các em trong cuộc sống.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của bà!
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Tại sao lại phải chọn sữa tắm phù hợp với từng loại da?
- Địa chỉ hệ thống Sumo BBQ ở Hà Nội, TPHCM các chi nhánh mới nhất 2022
- Tử vi Cung Ma Kết năm 2025: Phá vỡ vỏ bọc an toàn
- Mỹ nhân đẹp nhất phương Đông 40 năm chưa từng thất bại, hưởng đặc quyền mà các siêu sao khác nằm mơ cũng không có được
- Hướng dẫn cách làm Lẩu Thái chua cay chuẩn vị… Việt