Ngọc Bảo chia sẻ, khi biết điểm của mình, em cũng khá yên tâm và nghĩ có thể đủ để đạt mức “Top in Vietnam” nhưng với “Top in the World” thì quả là điều bất ngờ. Em cảm thấy hạnh phúc, tự hào vì sau một quá trình nỗ lực đã được có “trái ngọt”.
Cụ thể, ở kỳ thi IGCSE của Cambridge, Bảo thi 5 môn là: Tiếng Anh, Toán, Sinh, Lý, Hóa. Ngoài Tiếng Anh đạt điểm tuyệt đối 150/150 điểm, 4 môn còn lại của Bảo cũng đạt điểm khá cao, từ 91-95/100 điểm.
Dù khá tự tin với bài làm của mình nhưng Bảo vẫn không tin mình đạt số điểm “không tưởng” như vậy. Thậm chí, cậu phải kiểm tra lại với thầy cô giáo của mình xem có chính xác không. Khi biết chắc chắn kết quả là chuẩn, Bảo vỡ òa cảm xúc. Lúc đó, cậu mới dám khoe bố mẹ về thành tích của mình trong niềm hạnh phúc lâng lâng.
Được biết, Ngọc Bảo theo học chương trình Cambridge từ lớp 6 ở trường THCS – THPT Nguyễn Siêu song song với chương trình phổ thông Việt Nam. Đến lớp 9, em chọn 4 môn tự nhiên gồm: Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh học và môn tiếng Anh để học như ngôn ngữ thứ hai.
Dù ở bậc tiểu học, em không theo chương trình Cambridge nhưng khi vào trường, không bị choáng ngợp bởi năng lực ngoại ngữ của các bạn cùng trang lứa.
Cách học của em là tận dụng mọi thời gian ở trường để làm bài, tranh thủ sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Ở nhà ai cũng có thời gian học như nhau nhưng đến trường, nếu tận dụng được các tiết trống, giờ nghỉ sẽ tối ưu được việc học. Thầy cô luôn có mặt ở trường, lớp để học sinh có thể trao đổi bất kỳ thông tin nào cũng là một lợi thế.
“Hơn nữa, môi trường học tập ở lớp tốt hơn vì không có các thiết bị điện thoại, điện tử tác động khiến mình xao nhãng. Từ sáng sớm, khi chuẩn bị cho giờ học đầu tiên, tất cả điện thoại của học sinh được thu về một chỗ cho đến khi giờ học kết thúc. Đó là môi trường lý tưởng để học tập, trao đổi bài”, Ngọc Bảo chia sẻ với Tiền Phong.
Cậu học trò cũng cho rằng, học sinh biết tận dụng cơ hội để tăng tương tác, trò chuyện với thầy cô sẽ có nhiều lợi thế. Em được giao nhiều bài tập, giải đáp những chỗ khó và giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo viên đến từ nhiều quốc gia cũng là cách để tăng khả năng nghe, nói của mình.
Điện thoại, thiết bị giải trí thông minh bên cạnh những lợi thế cho học tập cũng đang tiêu tốn khá nhiều thời gian của học sinh. Ngọc chia sẻ, bố là người nghiêm khắc, đến năm cuối lớp 9 mới cho con trai dùng điện thoại một cách giới hạn và có kiểm soát. Khi ngồi vào bàn học, em tạo thói quen để điện thoại ra xa để rèn tính tập trung. Những bài tập thầy cô giao hay cần tìm tài liệu, em thường sử dụng máy tính để có màn hình to, dễ nhìn, dễ học. Nhà trường cũng khuyến khích học sinh mang máy tính cá nhân thay điện thoại trong những giờ học cần sử dụng.
Em chia sẻ, dự định sẽ tìm kiếm học bổng của một trường ĐH nào đó để có thể đi du học, theo đuổi ngành liên quan Sinh học. Để chuẩn bị cho việc có thể đi du học xa nhà, em thường làm việc nhà như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa khi có thời gian rảnh để có thể tự lập cuộc sống.
Ở kỳ thi IGCSE của Cambridge, Ngọc Bảo đạt điểm tuyệt đối cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Chia sẻ về cách học tiếng Anh của mình, Bảo cho biết: “Em không coi tiếng Anh là môn học nên không bị áp lực. Với em, tiếng Anh là ngôn ngữ mà em sử dụng hằng ngày, sử dụng trong cuộc sống. Từ cấp 1, em đã có thói quen đọc sách, tìm hiểu kiến thức bằng tiếng Anh, xem các chương trình thể thao, giải trí, thế giới động vật… bằng tiếng Anh. Ở trường, em cũng thường xuyên nói tiếng Anh với giáo viên nước ngoài”.
Trong các kỹ năng, nghe và đọc là hai kỹ năng em tự tin nhất. Trong quá trình ôn luyện để thi IGCSE, Bảo cũng học để thi lấy chứng chỉ SAT để bổ trợ cho nhau. Theo nam sinh này, để đạt được mức điểm tuyệt đối ở IGCSE, thí sinh phải có nền tảng kiến thức vững chắc, biết mở rộng, liên kết các thông tin để trả lời chắc chắn.
Ngoài thầy cô giáo, bố mẹ cũng là người hỗ trợ Bảo rất nhiều trong việc học. Em thường xuyên trao đổi với bố, một giảng viên ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội để nắm chắc kiến thức nền tảng các môn Khoa học tự nhiên. Em cũng thường cũng cố kiến thức bằng cách luyện đề các môn. Mỗi ngày em luyện 2-3 đề các môn, qua đó để ôn tập kiến thức cũng như rèn kỹ năng đọc và trả lời các câu hỏi.
Nói về thành tích mà con trai vừa đạt được trong kỳ thi IGCSE của Cambridge, chị Hà Thanh An (mẹ của Trần Ngọc Bảo) cho biết, đây thực sự là “món quà từ trên trời rơi xuống”.
“Với kỳ thi này, Bảo không đặt nặng về thành tích nên con không áp lực, không lo lắng. Trước kỳ thi, con cũng không “cày ngày cày đêm”. Con vẫn dành thời gian để chơi, để giải trí như những ngày trước đây. Chính vì thế, khi biết con đạt điểm tuyệt đối môn tiếng Anh, gia đình cũng khá bất ngờ và vui trước kết quả vượt quá mong đợi này”, chị An chia sẻ với Phụ nữ Việt Nam.
Chị Thanh An cho biết, trước đây chị và chồng đều đi du học nên biết tầm quan trọng của tiếng Anh. Chính vì vậy, ngay khi con còn nhỏ, chị đã cho con đi học tiếng Anh, tiếp xúc với tiếng Anh.
“Nếu muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của con thì việc đồng hành của bố mẹ phải rất bền bỉ, kiên trì. Học để thi, để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, con có thể chỉ cần tập trung học trong 1-2 năm. Nhưng để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của con thì quá trình này phải rất lâu dài. Biết con hứng thú với động vật, vợ chồng tôi thường mua sách, truyện bằng tiếng Anh về thế giới động vật cho con đọc, mở các kênh về thể thao, thế giới động vật cho con xem. Chúng tôi tạo cho con môi trường tiếp xúc với tiếng Anh một cách tự nhiên, gần gũi để tiếng Anh ngấm dần, trở thành ngôn ngữ quen thuộc của con”.
Mẹ của thí sinh có điểm cao nhất thế giới môn tiếng Anh cho biết, con trai là người có tư duy tốt, có khả năng ghi nhớ. Tuy nhiên, cậu không phải là người chăm chỉ. “Bảo là người không phải ép là được. Con là người khá tự chủ, thường tự quyết các việc của con. Việc học 2 chương trình (chương trình thường và chương trình Cambridge) khá nặng, nhưng đó cũng là do con chọn. Không có nhiều thời gian học thêm, thời gian tự học cũng rất ít, thế nên con luôn phải tập trung học ở trên lớp để về nhà có thời gian… chơi. Con vẫn luôn dành thời gian để chơi bóng đá, bóng rổ, chơi game online với các bạn. Thế nhưng, do học chắc kiến thức nền tảng nên kết quả trong kỳ thi IGCSE của Cambridge của con vừa qua khá tốt”, chị Thanh An chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu cho biết, đây là lần đầu tiên, nhà trường tự hào vì có học sinh chinh phục được kết quả ấn tượng này. “Từ khi bắt đầu tham gia thi Cambridge IGCSE năm 2016 đến nay, trường liên tục có học sinh đạt “Top in Vietnam” và bây giờ là “Top in the World”, với tổng cộng 8 lần đạt Top riêng ở môn này”, bà Thúy nói.
IGCSE là chứng chỉ THPT quốc tế được công nhận trên toàn cầu. Thí sinh có thể chọn học tối thiểu 5 môn và tối đa 14 môn trong số 70 môn học của chương trình IGCSE, tùy theo định hướng của bản thân. Theo công bố của Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge, Trần Ngọc Bảo còn đạt điểm A* – mức cao nhất, ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh.
Ở kỳ thi IGCSE, bài kiểm tra môn tiếng Anh gồm 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Đề thi mỗi kỹ năng gồm 3 phần với các câu trắc nghiệm kết hợp tự luận, về nhiều chủ đề từ tự nhiên đến xã hội, cùng các vấn đề thời sự.
Để đạt điểm tuyệt đối IGCSE, thí sinh phải có nền tảng kiến thức và khả năng mở rộng, liên kết thông tin, giải quyết vấn đề.
Minh Hoa(t/h)
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Nên chăm sóc nhạy cảm như thế nào?
- Dự án Vành đai 3 qua Đồng Nai: Hết tháng 9, sẽ cưỡng chế các hộ dân không giao đất
- Thủ tướng: Phải GPMB cao tốc Cần Thơ – Cà Mau xong trong tháng 7/2024
- Mùa Hè Đã Phá Hủy Làn Da Chúng Ta Như Thế Nào ?
- Top Ghế Sofa Giá Rẻ Đáng Mua Nhất 2024