Liệu có ảnh hưởng giao thương hàng hóa?
Ông Nguyễn Hoàng Nhân, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu vận tải Đại Dương Xanh (quận Tân Bình, TPHCM) cho rằng, vấn đề ùn tắc ở cửa ngõ TP.HCM khu vực đường Nguyễn Thị Định đường ra vào cảng Cát Lái, nút giao An Phú (TP Thủ Đức) đã tồn tại nhiều năm qua.
Trước tình trạng phức tạp giao thông, UBND TP.HCM đã có nhiều giải pháp mở rộng đường, điều tiết giao thông nhưng chưa giải quyết được hết tình trạng ùn ứ giao thông.
Thời gian qua doanh nghiệp vận tải phải tự thích nghi bằng nhiều giải pháp theo dõi các App bản đồ giao thông, tài xế thông báo cho nhau để điều phối và chọn lộ trình phù hợp là giải pháp công ty đang thực hiện.
Đối với việc hạn chế, cấm xe tải trọng lớn, xe đầu kéo trong các khung giờ cao điểm đi vào cao tốc hướng TP.HCM đi QL51 theo ông Nhân cần có đánh giá tổng thể.
Hiện tại đây là cung đường ngắn nhất kết nối TP.HCM đi các khu công nghiệp ở Đồng Nai và ngược lại, doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh lộ trình, hoạt động logistics phần nào sẽ bị ảnh hưởng.
“Thực tế tuyến cao tốc đã quá tải, cần sớm làm thêm cầu chia lửa và mở rộng cao tốc Long Thành sẽ giải quyết tình trạng ách tắc giao thông khi có sự cố trên cao tốc”, ông Hoàng Nhân chia sẻ.
Ở góc độ cá nhân, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, vấn đề ách tắc giao thông ở cửa ngõ TP.HCM đã diễn ra từ lâu ảnh hưởng đến hoạt động đi lại vận chuyển hàng hóa ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Theo ông Quản, thời gian qua tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường Mai Chí Thọ, đoạn nút giao An Phú rẽ vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây xảy ra thường xuyên hơn.
Hơn nữa do lưu lượng xe ô tô con, du lịch đổ về rất đông, đặc biệt ngày cuối tuần dẫn đến đoạn cao tốc từ TP.HCM đến QL51 quá tải xe cộ.
Chính vì vậy mỗi khi xảy ra sự cố trên cao tốc là gây ách tắc giao thông kéo dài hàng giờ, việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng về thời gian giao nhận hàng, hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Quản cho rằng, cơ quan chức năng cần phân luồng từ xa, tuyên truyền khuyến cáo người dân, tài xế ô tô con, ô tô du lịch cân nhắc lộ trình phù hợp, đặc biệt các ngày cao điểm cuối tuần, nghỉ lễ, Tết, mùa du lịch.
Cũng theo ông Quản việc đề xuất cấm xe tải trọng lớn, xe đầu kéo đi vào cao tốc là không cần thiết, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động logistics, bởi đây là cung đường ngắn nhất kết nối khu vực cảng Cát Lái và các khu công nghiệp Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong khi đó ô tô con, xe du lịch, xe chở khách hoàn toàn có thể lựa chọn các lộ trình khác như: Từ trung tâm TP.HCM đi đường Võ Nguyên Giáp đi theo QL1, QL51 đi Vũng Tàu hoặc rẽ vào cao tốc tại nút giao QL51 đi Bình Thuận và các tỉnh phía Bắc.
Các sự cố xảy ra trên cao tốc không phải hoàn toàn do xe tải trọng lớn, nhiều vụ tai nạn gây ùn tắc do ô tô con gây ra bởi lưu lượng quá đông, nhiều tài xế chưa tuân thủ luật giao thông gây tai nạn.
“Trước mắt cần có giải pháp điều tiết giao thông từ xa, thay vì cấm xe đầu kéo theo khung giờ cần hạn chế xe ô tô, xe du lịch vào cao tốc (đoạn nút giao An Phú đến QL51) vào các ngày cuối tuần, lễ, Tết để giảm tải tránh ùn tắc khi có sự cố trên cao tốc. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh thi công công trình nút giao An Phú, khẩn trương mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây mới là các giải pháp hữu hiệu giải bài toán kẹt xe”, ông Quản đề xuất.
Kinh nghiệm từ cầu Rạch Miễu
Trong khi đó, nhiều tài xế lại đồng tình với phương án hạn chế, cấm giờ đối với xe tải trọng lớn, xe đầu kéo vào cao tốc. Anh Nguyễn Văn Tài (tài xế xe tải 5 tấn, ngụ TP Thủ Đức) cho biết, anh thường xuyên đi lấy dừa tại Bến Tre, trước đây thường xuyên phải “bò” qua cầu Rạch Miễu để từ Tiền Giang qua Bến Tre.
Trước thực trạng ùn tắc kéo dài, cơ quan chức năng đã cấm xe tải trọng lớn, xe đầu kéo theo khung giờ cao điểm, từ đó tình trạng ùn tắc giao thông qua cầu Rạch Miễu đã hạn chế. Việc điều chỉnh giao thông đã phát huy ngay hiệu quả, các doanh nghiệp vận tải, tài xế chỉ cần bố trí linh động thời gian giao hàng… mọi việc sẽ ổn đi vào nền nếp.
“Tôi ủng hộ việc cấm xe tải lớn trên cao tốc Long Thành vào các giờ cao điểm như ở cầu Rạch Miễu”, anh Tài cho hay.
Đồng quan điểm anh Lê Đức Thành, tài xế xe du lịch tuyến Phan Thiết – TP.HCM cho rằng, cấm xe tải trọng lớn vào giờ cao điểm là hợp lý. Xe đầu kéo chạy kiểu “rùa bò” rất ức chế. Có khi lại chạy hàng hai, không xe nào vượt lên được.
“Xe container, xe tải nặng mỗi lần qua cầu Long Thành thường chạy chậm, cản hết đường, các xe ô tô khác phải nối đuôi sau, ùn tắc kéo dài hàng kilomet. Việc cấm xe tải nặng, xe container thực ra chỉ cấm theo khung giờ, không cấm toàn bộ thời gian trong ngày nên tài xế xe tải nặng có thể lựa chọn khung giờ khác để đi. Khi cao tốc không kẹt thì việc lưu thông của xe tải nặng cũng thuận tiện hơn”, tài xế Thành nói.
Trước đó ngày 16/7, tại cuộc họp bàn giải pháp rà soát và phương án phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố trên cao tốc Long Thành các cơ quan chức năng đã thống nhất một số phương án phối hợp, tổ chức phân luồng giao thông khi xảy ra ùn tắc trên tuyến cao tốc Long Thành và nút giao QL51.
Trong đó, một phương án được nhiều đại biểu đề xuất nghiên cứu cấm xe tải nặng lưu thông trên cao tốc vào các ngày lễ, Tết và ngày thứ 7 chiều TP.HCM đi Long Thành, Chủ nhật hướng Long Thành đi TP.HCM (cấm theo giờ) và có giải pháp phân luồng từ xa để thông báo kịp thời đến người tham gia giao thông.
Đề xuất cấm xe đầu kéo vào cao tốc Long Thành giờ cao điểm cuối tuần, lễ, Tết
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Gala Better Choice Awards 2024: Hoàng Oanh và Vĩnh Phú xuất hiện trong vai trò MC
- Bí quyết lựa chọn đơn vị sản xuất nội thất tân cổ điển uy tín
- Tủ bếp L – Chiến thần của không gian bếp tân cổ điển
- Các salon nail tại Hà Nội được mọi người biết tới và nhận học viên
- TP.HCM báo cáo Thủ tướng kế hoạch xây dựng đường Vành đai 4