Đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Không có nguồn lực, rất khó chuyển mình

Useful
20/11/24
Lượt xem : 37 view
anh 2 pham vu quoc binh 2 1731987749220268517203 0 0 670 1280 crop 17319878166351648507427
Rate this post

Để thực hiện nhiệm vụ này, nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với chuyển đổi số để phù hợp với thị trường lao động thời kỳ hội nhập và phát triển là rất cần thiết. Tuy nhiên,theo TS. Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hạn chế về nguồn ngân sách, khó khăn trong tuyển sinh vẫn là rào cản để giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển.

Biến điểm yếu trở thành lợi thế cạnh tranh

Người Đưa Tin (NĐT): Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được triển khai 3 năm. Xin ông cho biết, đến nay chương trình này đã đạt được những kết quả gì?

Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, bước đầu đã đạt được kết quả nổi bật, liên quan thay đổi diện mạo đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo.

  • Gỡ nút thắt thiếu giáo viên, nếu ngành giáo dục được giao quyền tuyển dụng

Về phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN. Hiện nay, các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số thông qua các khóa học và lồng ghép trong các chương trình.

Song hành với chuẩn bị về con người, đổi mới và phát triển chương trình đào tạo cũng được chú trọng. Các cơ sở GDNN từng bước đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, kiểm tra, đánh giá và công nhận chất lượng. Mọi quy trình đều đảm bảo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng chuẩn đầu ra, gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động, phát triển chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng người học.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Không có nguồn lực, rất khó chuyển mình- Ảnh 1.

TS. Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.

NĐT: Nhiều quan điểm cho rằng, các cơ sở GDNN hiện nay đang tập trung quan tâm đến tìm nguồn tuyển sinh, vì vậy, khó có thể chú trọng chuyển đổi số. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?

Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Nhận định rằng, các cơ sở GDNN hiện nay chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm nguồn tuyển sinh và duy trì hoạt động đào tạo, dẫn đến khó khăn trong việc chuyển đổi số có phần đúng. Nhưng, cũng cần được nhìn nhận một cách toàn diện hơn đặc biệt là đứng ở góc độ của cơ sở GDNN.

Chuyển đổi số trong GDNN không chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi về tư duy và cách tiếp cận trong quản lý, giảng dạy, và học tập.

Các cơ sở GDNN hiện nay phải đối mặt với áp lực duy trì số lượng người học để đảm bảo nguồn thu, đồng thời duy trì cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy. Điều này, khiến nhiều cơ sở ưu tiên vấn đề tuyển sinh hơn là đầu tư vào công nghệ.

Việc đầu tư vào các nền tảng số, thiết bị công nghệ hiện đại và đào tạo giáo viên về công nghệ đòi hỏi một nguồn lực tài chính đáng kể. Các cơ sở GDNN thường gặp khó khăn về tài chính, đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm quá trình chuyển đổi số.

Cùng với đó, nhiều giảng viên tại các cơ sở GDNN chưa quen thuộc với công nghệ số hoặc không được đào tạo đầy đủ về ứng dụng công nghệ trong giảng dạy làm ảnh hưởng trong việc triển khai các nền tảng số. Đây chính là những cản trở để GDNN chuyển mình.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Không có nguồn lực, rất khó chuyển mình- Ảnh 2.

Chuyển đổi số giúp GDNN chuyển mình, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

NĐT: Trước thách thức đó, chúng ta cần phải làm gì để biến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trở thành sức hút cho GDNN?

Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Để chuyển đổi số trở thành điểm nhấn thu hút trong GDNN, các cơ sở đào tạo nghề cần tạo ra sự chuyển đổi, nhận thức tích cực ở yếu tố con người. Ở đây là nhà giáo, cán bộ quản lý, người học, yếu tố thể chế và hạ tầng công nghệ.

Cần nhấn mạnh ở đây là quá trình chuyển đổi số của một cơ sở GDNN không chỉ là quá trình tăng cường ứng dụng CNTT bằng cách trang bị thêm các phần cứng và phần mềm hiện đại.

Quá trình này sử dụng dữ liệu và kết nối để liên tục đổi mới nội dung đào tạo bám sát các yêu cầu đang thay đổi nhanh của vị trí việc làm, thay đổi phương thức đào tạo, thay đổi quy trình quản trị nhà trường.

Các cơ sở GDNN nên nhìn nhận chuyển đổi số không phải là gánh nặng mà là cơ hội để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thời đại số. Điều quan trọng là cần có sự cam kết từ ban lãnh đạo các trường, sự hỗ trợ của chính phủ về chính sách và tài chính, và sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ.

Nếu thực hiện tốt, chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo ra sức hút mạnh mẽ cho các cơ sở GDNN, thu hút được sự quan tâm của người học và các đối tác xã hội.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Không có nguồn lực, rất khó chuyển mình- Ảnh 3.

Chuyển đổi số trong GDNN không chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ.

Chuyển đổi số là yếu tố chính để xây dựng hệ thống GDNN mở

NĐT: Tổng cục GDNN đang gặp phải những khó khăn gì trong huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số GDNN?

Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Hiện nay, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN đang được quan tâm và đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn gặp nhiều thách thức liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, thiết bị số và nguồn nhân lực.

Hạ tầng kỹ thuật số của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cải thiện nhưng không đồng đều. Ở các vùng nông thôn, miền núi, chất lượng hạ tầng mạng còn kém, hạn chế việc tiếp cận và triển khai chuyển đổi số. Nhiều nhà giáo vẫn chưa thành thạo các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến, làm ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy.

Ngoài các thách thức trên, chuyển đổi số GDNN còn gặp phải hạn chế về tài chính và ngân sách.

Nhiều cơ sở GDNN gặp khó khăn trong việc huy động đủ nguồn kinh phí để đầu tư cho chuyển đổi số. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, phần mềm giảng dạy, thiết bị số và đào tạo giáo viên đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế và chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển. Những chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực GDNN vẫn chưa đủ mạnh để thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư và tổ chức xã hội.

NĐT: Xin ông cho biết những kỳ vọng về chuyển đổi số của GDNN trong tương lai?

Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Chuyển đổi số trong GDNN không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để các cơ sở GDNN trên cả nước nâng cao chất lượng, thu hút nhiều học viên hơn, và chuẩn bị cho lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Điều này đòi hỏi sự đầu tư dài hạn, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, cùng sự thay đổi trong cách tiếp cận giáo dục để xây dựng một nền tảng vững chắc cho giáo dục nghề nghiệp trong tương lai.

Kỳ vọng mà chúng tôi muốn đạt được đó chính là chuyển đổi số là yếu tố chính để xây dựng hệ thống GDNN mở, chung tay xây dựng một lực lượng sản xuất mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn!

Xuân Anh – Ngọc Thuỷ

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source