Tháng 12/2022, dự án đường nối từ cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo với quốc lộ (QL1) ra cảng biển tổng hợp Cà Ná được khởi công. Theo kế hoạch dự án sẽ được khánh thành vào cuối tháng 4/2024.
Nhà thầu rút thiết bị khỏi công trường
Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng một ngày trung tuần tháng 7, không khí trên công trường thi công đìu hiu. Dọc tuyến đoạn từ cầu vượt nút giao tỉnh lộ 709 kết nối cao tốc ra QL1 vắng bóng xe máy, công nhân.
Tại nút giao QL1 chỉ lác đác vài chục công nhân thi công hạng mục cầu vượt đường sắt, thi công cầm chừng.
Đầu năm 2024 các gói thầu đã thi công cơ bản xong phần nền đường, đáng ra đây là giai đoạn nhà thầu tăng tốc thi công kết cấu phần trên, thảm nhựa mặt đường, công trường phải nhộn nhịp để thông xe.
Trên công trường dự án thành phần 2 đoạn nối QL1 đến cảng biển Cà Ná dài hơn 4km do nhà tài trợ (Công ty CP ĐTXD Trung Nam) cũng đang “đứng bánh”, hoàn toàn vắng bóng công nhân.
Quan sát của PV cho thấy trên công trường cỏ dại mọc um tùm, các lán trại công nhân, máy móc, xe ben để thi công đã được dời đi… để lại không gian tĩnh mịch.
Theo các nhà thầu thi công dự án thành phần 1 cho biết, sau ngày khởi công trên đại công trường rất nhộn nhịp, nhà thầu đã hoàn thành xong các hạng mục cống hộp, hệ thống thoát nước nền đường.
Đến tháng 3/2024, khi dự án vào giai đoạn nước rút cần nguồn lực tài chính nhưng công tác giải ngân chậm lại ảnh hưởng tiến độ thi công. Lần lượt sau đó công trường giảm dần nhịp độ, thi công lai rai.
Gỡ vướng đẩy tiến độ dự án sớm cán đích
Cả hai dự án thành phần đường nối cao tốc đến cụm cảng biển Cà Ná chưa đạt kế hoạch đề ra do tắc nguồn vốn.
Ông Trịnh Văn Khải, Chỉ huy trưởng công trình cầu vượt đường sắt, nhà thầu Lizen cho biết: Trên công trường nhà thầu vẫn duy trì một số mũi để đảm bảo hợp đồng cam kết với chủ đầu tư.
Các hạng mục mố trụ đã cơ bản hoàn thành, sắp tới nhà thầu phối hợp với đơn vị quản lý tuyến đường sắt lên kế hoạch lao lắp dầm cầu băng qua đường sắt.
Nguyên nhân khiến nhà thầu chưa thể đẩy nhanh tiến độ thi công do công tác giải ngân nguồn vốn rất chậm. Đến nay tại phạm vi gói thầu chủ đầu tư mới ứng được 15%, thanh toán chi trả cho nhà thầu hơn 7 tỷ đồng.
Để công trường thi công liên tục, nhà thầu phải sử dụng vốn tự có và vay ngân hàng gần 20 tỷ đồng trả nhân công và vật liệu để đảm bảo không bị ngắt nhịp thi công trên công trường.
“Nhà thầu đang rất lo ngại về tiến độ hoàn thành bởi nguồn tiền giải ngân rất chậm. Những ngày tới là giai đoạn tăng tốc nên cần nguồn vốn rất lớn để hoàn thành gói thầu”, ông Trịnh Văn Khải, Chỉ huy trưởng thi công cầu vượt đường sắt, nhà thầu Lizen nói.
Đối với dự án thành phần 2, sau ngày khởi công, nhà tài trợ đã huy động thiết bị máy móc, dọn dẹp hơn 1km mặt bằng. Sau đó công trường đã ngừng thi công vì chủ đầu tư bất ngờ thông báo không thu xếp được nguồn tài chính.
Cảng biển tổng hợp Cà Ná có tổng diện tích quy hoạch hơn 85,5ha, gồm hai bến cảng tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container và hàng rời, cho phép cập tàu đến 100.000DWT.
Đây là cảng nước sâu, được quy hoạch là cảng quốc tế trong tương lai trở thành nơi trung chuyển cho các tàu tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa các tỉnh Tây Nguyên, Nam trung bộ và ngược lại.
Để đồng bộ giao thông kết nối cao tốc Nhà đầu tư cảng Cà Ná đã cam kết tỉnh Ninh Thuận đầu tư hỗ trợ làm hơn 4,6km (vốn tài trợ hơn 213 tỷ đồng) đường kết nối từ QL1 vào cảng để tạo thuận lợi kinh doanh, vận chuyển hàng hóa xuất nhập vào cảng.
Theo ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận (chủ đầu tư), đối với dự án thành phần 1, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận bổ sung vốn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025 – 2030.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua tờ trình để phê duyệt cấp vốn trở lại cho dự án.
Nhà thầu đã sẵn sàng thiết bị máy móc, nhân sự dự kiến khoảng 2 tháng nữa công trường sẽ sôi động trở lại và hoàn thành dự án vào cuối năm 2024.
Đối với dự án thành phần 2 do nhà tài trợ trục trặc nguồn tài chính nên tiến độ sẽ được giãn và không ảnh hưởng đến hoạt động hoạt động giao thông đến cụm cảng Cà Ná.
“Hiện tại tuyến đường ven biển nối từ QL1 đến cảng biển có bốn làn xe, đảm bảo đáp ứng được việc lưu thông xe cộ ra vào cảng trong thời gian chờ khép kín đường nối cao tốc vào cụm cảng này”, ông Phạm Minh Tân nói.
Đường nối cao tốc đến cảng Cà Ná có chiều dài tuyến 14,8km, điểm đầu tại nút giao cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo với đường tỉnh 709, thuộc xã Nhị Hà (Thuận Nam). Điểm cuối tại Km 14+800, giáp ranh giới Khu công nghiệp Cà Ná thuộc xã Phước Diêm (Thuận Nam). Dự án được chia làm hai dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 do Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án thành phần 1, đoạn nối từ đường cao tốc với QL1 có chiều dài 10,14km, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương 651,28 tỷ đồng và vốn đối ứng địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng.
Dự án thành phần 2, đoạn từ QL1 đến giáp ranh giới Khu công nghiệp, cảng biển Cà Ná có chiều dài 4,66 km, được đầu tư bằng nguồn vốn của nhà tài trợ khoảng 213,96 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư của dự án là 903 tỷ đồng. Theo kế hoạch dự án hoàn thành cuối tháng 4/2024.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Top 22 mẫu nail tết 2022 cực xinh khiến chị em mê mẩn tâm hồn
- Tăng cường kỹ năng giảng dạy cho giáo viên người Việt ở nước ngoài
- Clip: Jennie “xịt keo” cứng ngắc khi bị nữ diễn viên đình đám bình phẩm 1 câu kém duyên, phân biệt chủng tộc ở Fashion Week?
- Công chúa – thái tử showbiz đấu đá
- Tổng hợp 55+ mẫu thiết kế phòng khách cổ điển sang trọng