Công ty CP cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng vừa gửi văn bản kiến nghị đến Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh Lạng Sơn về một số vướng mắc liên quan tới vốn tín dụng tại dự án Hữu Nghị – Chi Lăng.
Tại văn bản gửi đi, ông Lương Văn Hiệp, Tổng giám đốc doanh nghiệp cho biết, ngay sau thời điểm khởi công (tháng 4/2024), liên danh nhà đầu tư do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã cùng doanh nghiệp dự án (DNDA), nhà thầu thi công đã huy động 15 mũi thi công, 180 thiết bị, 350 nhân sự đẩy nhanh tiến độ ngay từ giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng.
Theo ông Hiệp, ngày 13/3/2024, ngân hàng TPBank cam kết tài trợ vốn tín dụng 2.500 tỷ đồng và đã phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho dự án.
Đến ngày 14/4/2024, hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Song, sau 6 tháng, nguồn vốn tín dụng vẫn chưa “rót” cho dự án.
Nguyên nhân được phía ngân hàng đưa ra là do lo ngại về tỷ lệ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia quá thấp.
“Phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án ban đầu được Chính phủ và địa phương bố trí 6.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 55% tổng mức đầu tư), nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn đã phải điều chỉnh giảm để đảm bảo tỷ lệ tối đa theo quy định của Luật PPP.
Hiện nay, ngân hàng TPBank đang quan ngại về tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia chưa đảm bảo hiệu quả. Khi doanh thu thực tế không đảm bảo thì cũng không được nhà nước chia sẻ, hỗ trợ theo quy định tại Điều 82 Luật PPP”, văn bản nêu.
Cũng theo DNDA, một nguyên nhân khác khiến ngân hàng TPBank thận trọng trong việc giải ngân vốn tín dụng cho dự án Hữu Nghị – Chi Lăng là do một số vướng mắc về tài chính tại dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được đầu tư trước đó chưa được xử lý thấu đáo.
Là tuyến đường kết nối với dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn từng bị đình trệ gần 5 năm, không có vốn ngân sách nhà nước tham gia.
Khi đưa vào khai thác, lưu lượng xe thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu do nhiều yếu tố khách quan không phải do nhà đầu tư (Tập đoàn Đèo Cả) như: Bỏ đi 1 trạm thu phí trên QL1, miễn giảm giá vé diện rộng… khiến doanh thu thực tế chỉ bằng 39% so với phương án tài chính ban đầu, không đủ trả gốc và lãi cho ngân hàng cung cấp tín dụng.
Qua nhiều lần kiến nghị của nhà đầu tư và DNDA, UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Chính phủ đề nghị bổ sung vốn ngân sách Nhà nước 4.600 tỷ đồng vốn hỗ trợ dự án ̣(chiếm 37,75% tổng mức đầu tư, nhỏ hơn mức 50% quy định). Song, đến nay vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Dẫn chứng trường hợp dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã thu xếp được vốn từ ngân hàng VPBank (2.300 tỷ đồng) nhờ việc được tăng vốn ngân sách Nhà nước lên xấp xỉ 70% tổng mức đầu tư, Công ty CP cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư.
Doanh nghiệp cũng đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP theo hướng đối với những dự án đã khai thác bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng do nguyên nhân khách quan (không phải lỗi của nhà đầu tư), sau khi áp dụng các giải pháp theo hợp đồng nhưng vẫn không khả thi, cấp có thẩm quyền xem xét việc bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ, tối đa là 70% tổng vốn đầu tư dự án dựa trên giá trị được kiểm toán, quyết toán.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Ảnh hưởng của sốt rét tới thai phụ và thai nhi
- Hot nhất đêm nay: 17 anh tài thành đoàn ở “Chông gai” lộ diện, Binz và Soobin có giải gì mà cõi mạng rần rần?
- Các mẫu nail xinh đơn giản dành cho nàng khi diện đồ đi biển vào mùa hè sắp đến
- Tử vi tuổi Mão năm 2024: Sự nghiệp, tài vận, tình duyên và gia đạo
- Hướng dẫn cách tố cáo cấm chat Liên Quân Mobile để xây dựng cộng đồng game văn minh hơn