Trong vài năm gần đây, sự phát triển của eBooks và Audio Book đã làm thay đổi cách thức con người tiếp cận tri thức. Với sự tiện lợi, giá cả phải chăng và khả năng truy cập mọi lúc mọi nơi, eBooks (sách điện tử) và Audio Book (sách nói) dường như đang trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu eBooks và Audio Book có đang dần “bóp chết” sách giấy?
Xu hướng tiêu thụ sách hiện nay
Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 21/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phong trào đọc sách, mặc dù trên khắp cả nước đã tích cực phát động, tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc đọc và học, song các nghiên cứu cho thấy, thói quen đọc sách vẫn chưa có nhiều cải thiện so với kỳ vọng của các ngành chức năng.
Theo số liệu thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành vào năm 2014, thời điểm Quyết định số 284/QĐ-TTg được ban hành, ghi nhận mỗi người Việt tiêu thụ trung bình 4,1 đầu sách/năm. Đến năm 2019, tỉ lệ trên chỉ tăng thêm 0,1 (đạt 4,2 đầu sách/người/năm), bất chấp đã có gần 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ quyển sách được phát hành.
Mặc dù đến năm 2022, con số này đã có nhiều chuyển biến tích cực khi đạt 6,02 đầu sách, tuy nhiên, theo nhận định từ Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), cơ cấu sách phần lớn (40%) vẫn thiên về sách giáo khoa (SGK), tài liệu tham khảo (TLTK).
Trao đổi với Người Đưa Tin, một giáo viên dạy bậc tiểu học trên địa bàn Tp.HCM cho biết: “Năm 2022 là thời điểm ngành giáo dục có nhiều biến chuyển khi chủ trương thực hiện Đề án “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” được áp dụng kể từ năm học 2020 – 2021. Đồng thời, năm học 2022 – 2023 cũng là giai đoạn đầu triển khai áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho SGK các lớp 3, 7, 10.”
Đối với một số bậc học, gia đình học sinh sẽ được nhà trường yêu cầu tìm mua tài liệu thuộc nhiều bộ sách khác nhau, điển hình như Cánh điều, Kết nối tri thức,… Như đánh giá của Bộ TT&TT, mặc dù tỉ lệ tiêu thụ sách trung bình tăng, nhưng vẫn chủ yếu bắt nguồn từ SGK phục vụ chương trình mới, giáo viên này giải thích.
Theo báo cáo từ Hội Xuất bản Việt Nam trong năm 2023, SGK và TLTK chiếm khoảng 80% số lượng sách tiêu thụ trên thị trường. Trong khi 20% còn lại, nếu lấy chia đều cho tổng dân số, ghi nhận trung bình mỗi người Việt chỉ đọc 1 đầu sách/người/năm – thấp hơn rất nhiều nếu so với các quốc gia khác trong khu vực.
SGK, TLTK vẫn chiếm phần lớn trong tổng số lượng sách tiêu thụ.
Sách điện tử, sách nói – “cứu cánh” hữu hiệu?
Mặc dù nhu cầu tìm SGK bùng nổ, nhưng khó khăn trong việc “săn lùng” tài liệu học từ nhiều nguồn khác nhau khiến chị Huỳnh Thị Kim Dung (ngụ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vẫn phải đặt mua eBooks để con có thể tự học trước tại nhà.
Cùng trăn trở, chị Lê Kim Phụng (ngụ quận 8, Tp.HCM) chia sẻ, tình trạng khan hiếm SGK, tài liệu học phù hợp khiến sách điện tử trở thành giải pháp “cứu cánh” của nhiều gia đình, bất chấp việc dùng điện thoại thông minh, Ipad, laptop để học tìm ẩn nhiều rủi ro, dễ xao nhãng, khó quản lý, không được các bậc cha mẹ khuyến khích.
Nỗi lo của chị Phụng hoàn toàn có nguyên do bởi theo một nghiên cứu khảo sát từ Viện Nghiên cứu Xã hội – Kinh tế và Môi trường, ghi nhận có 41,7% bạn trẻ được hỏi sẽ có xu hướng dùng thời gian để lướt web (truy cập Internet); 20% xem phim; 16,7% nghe nhạc, song chỉ 15% dùng cho mục đích đọc sách.
Nghiên cứu khác từ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 2023 cũng ghi nhận, khoảng 26% dân số không có thói quen đọc sách, 44% chỉ đọc khi thỉnh thoảng và 30% thường xuyên hơn.
Không chỉ ngày càng phổ biến ở các bậc tiểu học đến phổ thông, trò chuyện với Người Đưa Tin, bạn Nguyễn Huỳnh Như, sinh viên ngành Y của Trường đại học Nguyễn Tất Thành (Tp.HCM) cho biết: “Tùy chuyên ngành, nhưng nhìn chung tài liệu nghiên cứu, học tập tại giảng đường thường rất nhiều, rất khó để in ra đầy đủ, chứ đừng nói đến bỏ ra khoản tiền lớn sở hữu bản gốc ủng hộ tác giả. Trong trường hợp đó, giảng viên thường sẽ chấp nhận cho sinh viên chia sẻ, học tập bằng sách điện tử, tài liệu PDF.”
Cũng theo sinh viên này, hiện nay, mọi tài liệu đều có sẵn trên mạng Internet miễn người dùng tìm kiếm đúng từ khóa và lựa chọn nguồn uy tín. Đây cũng là lý do khiến sách điện tử chiếm ưu thế hơn.
Một xu hướng khác của hoạt động chiếm lĩnh tri thức chính là dùng sách nói, tức thay thế việc tiếp nhận kiến thức bằng tai, thay vì bằng mắt thông thường. Nhiều người trẻ được hỏi cho biết, Audio Book phù hợp với bản thân khi có thể dung nạp kiến thức một cách nhanh chóng, trực quan hơn, khắc phục nhiều hạn chế, ảnh hưởng không mong muốn của việc đọc liên tục các trang giấy, chữ trên màn hình điện thoại, máy tính.
Và một trong những yếu tố thu hút nhất của eBooks và Audio Book là tính tiện lợi. Người dùng có thể mang theo hàng ngàn cuốn sách chỉ trong một thiết bị nhỏ gọn, tiết kiệm không gian và tránh được sự cồng kềnh của sách giấy truyền thống. Hơn nữa, Audio Book cho phép người nghe tiếp thu nội dung trong khi thực hiện các công việc khác, như lái xe hoặc tập thể dục, điều mà sách giấy không thể làm được.
Sách điện tử, sách nói giúp đa dạng hình thức tiếp cận, gỡ khó cho những hạn chế của sách truyền thống
eBooks và Audio Book thường có giá thấp hơn so với sách giấy, một phần do chi phí in ấn và vận chuyển không tồn tại. Ngoài ra, nhiều nền tảng cung cấp các dịch vụ thuê bao, cho phép người dùng truy cập hàng ngàn đầu sách với một khoản phí hàng tháng cố định. Điều này tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận tri thức mà không cần phải chi trả một số tiền lớn để sở hữu sách giấy.
Thực tế cho thấy, mặc dù eBooks và Audio Book đang phát triển mạnh mẽ, sách giấy vẫn không ngừng được xuất bản và tiêu thụ. Nhiều người vẫn lựa chọn sách giấy cho việc đọc sâu và nghiên cứu, trong khi eBooks và Audio Book chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đọc nhanh, nghe sách trong thời gian rảnh rỗi.
Mặc dù eBooks và Audio Book đang chiếm lĩnh thị trường, sách giấy vẫn giữ được một vị trí đặc biệt trong lòng nhiều người.
Cảm giác cầm trên tay một cuốn sách, lật từng trang sách và mùi hương của giấy in là những trải nghiệm mà công nghệ số khó có thể thay thế được. Hơn nữa, sách giấy còn mang giá trị vật chất và văn hóa, là biểu tượng của tri thức và nghệ thuật lưu giữ qua thời gian.
Thị trường sách hiện nay đang chứng kiến một sự phân chia rõ rệt giữa các hình thức này, và thay vì “bóp chết” sách giấy, eBooks và Audio Book dường như đang tạo ra một sự đa dạng trong cách tiếp cận tri thức. Mỗi loại hình sách đều có những ưu và nhược điểm riêng và sự tồn tại của chúng mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người đọc.
eBooks và Audio Book đang làm thay đổi cách con người tiếp cận tri thức, nhưng chúng chưa thể hoàn toàn thay thế sách giấy. Cả ba hình thức này đều có chỗ đứng riêng, phục vụ cho những nhu cầu và sở thích khác nhau của người đọc. Sách giấy vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa đọc, và sự tồn tại của eBooks, Audio Book có lẽ chỉ làm cho thị trường sách thêm phong phú và đa dạng hơn.
Người trẻ xao nhãng đọc do sách điện tử, sách nói?
Trái ngược với nhiều người vẫn nghĩ, sách điện tử hay sách nói chỉ là một hình thức tiếp cận khác của sách giấy. Nó giúp khắc phục những hạn chế cố hữu của sách “vật lý” khi có thể dễ dàng truy cập, lưu trữ tài liệu trên “điện toán đám mây” (cloud). Qua đó, giúp người đọc có thể tiếp cận kiến thức dù ở bất kỳ đâu, bất kể thời điểm.
Cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, việc người trẻ ít “mặn mà” với sách giấy không vì sự xuất hiện của eBooks hay Audio Book. Song không thể phủ nhận việc dùng thiết bị kết nối mạng để truy cập, đọc, nghe sách nói, sách điện tử có nguy cơ khiến một bộ phận người học, đặc biệt là trẻ nhỏ xao nhãng sang hình thức giải trí khác.
Với khả năng tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng qua các thiết bị điện tử, nhiều người trẻ thường xuyên bị phân tâm bởi các thông báo từ mạng xã hội, tin nhắn hay những ứng dụng khác trong quá trình đọc hoặc nghe sách.
Hơn nữa, thói quen đọc lướt và nghe sách nhanh để nắm bắt thông tin cũng có thể làm giảm chất lượng đọc sâu, khiến người trẻ khó tập trung và suy ngẫm kỹ lưỡng về nội dung. Điều này có thể dẫn đến việc hiểu biết hời hợt và thiếu sự thấu đáo trong tư duy.
Tuy nhiên, vấn đề này không hoàn toàn nằm ở bản chất của sách điện tử hay sách nói, mà ở cách người trẻ sử dụng chúng. Nếu biết quản lý thời gian và tập trung khi đọc hoặc nghe sách, những công cụ này vẫn có thể trở thành phương tiện hiệu quả để tiếp thu kiến thức.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ðào Lưu, Giảng viên Tâm Lý học Trường đại học Văn Lang cho biết, mạng xã hội (MXH) là một trong những phương tiện giao lưu, giải trí phổ biến hiện nay. Nó mang lại rất nhiều tiện ích giúp con người có thể học tập, giao lưu, kết bạn và thậm chí là làm việc. Không ít người đã hình thành thói quen đọc và tiếp nhận thông tin từ thiết bị thông minh. Cũng từ đây, một bộ phận bắt đầu có thói quen dùng MXH tiếp thu kiến thức thông qua các kênh nghe, nhìn thú vị thay vì đọc những trang sách truyền thống.
Trong bối cảnh ngày tựu trường đã cận kề, thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu cho rằng: “Đọc sách thông qua hình thức nào cũng tốt nhưng đọc sách truyền thống vẫn mang lại những cảm giác rất khác biệt. Cần phát huy song song cả 2 thay vì chỉ tập trung vào sách nói, sách điện tử qua thiết bị thông minh”.
Khuynh Hà – Mỹ Hậu
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Tone màu Nails thường gặp bằng Tiếng Anh
- Những mẫu nail màu xanh bích lấp lánh dành cho các nàng yêu thích biển
- NHỮNG TIỆM LÀM MÓNG NỔI TIẾNG UY TÍN MIỀN NAM
- Tuyển tập các kiểu tóc mái nữ xinh xắn phù hợp mọi khuôn mặt
- Phim 18+ hot đến mức gây bão MXH Việt: Loạt cảnh nóng cực nặng đô, nữ chính diễn đỉnh miễn bàn