Cát khai thác không đủ nhu cầu
Càng về cuối năm, không khí thi công tại dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng càng thêm cấp tập.
Đảm nhận thi công gần 18km tuyến chính tại dự án thành phần 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Vũ Đình Tân, Phó giám đốc Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) cho biết, theo tính toán, nhu cầu cát khoảng gần 3,4 triệu m3. Riêng năm 2024, khối lượng cần huy động là gần 1 triệu m3.
Hiện nhà thầu đã được tỉnh Bến Tre giao hai vị trí mỏ trên sông Ba Lai và sông Tiền để khai thác theo cơ chế đặc thù.
Trong thời gian chờ cấp phép, được sự chấp thuận của chủ đầu tư, nhà thầu đã mua nguồn cát thương mại (khoảng 150.000m3) để thi công đường công vụ, đường gom, san lấp mặt bằng.
Từ nay đến cuối năm 2024, khối lượng cát mà nhà thầu cần huy động là hơn 200.000m3. Trong khi, trữ lượng cát dự kiến khai thác theo cơ chế đặc thù chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu.
“Nhà thầu đang tích cực mua nguồn cát thương mại, trong đó có cả nguồn cát nhập khẩu Campuchia dù phải chịu lỗ so với đơn giá dự toán”, ông Tân cho biết thêm.
Thi công 7km tuyến chính tại dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Hậu Giang, khối lượng cát đắp nền Tổng công ty 36 cần huy động khoảng 1 triệu m3.
Thượng tá Nguyễn Đăng Thuận, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết, tỉnh An Giang đã hỗ trợ cấp mỏ cát Phú An với trữ lượng khoảng 700.000m3 cho đơn vị khai thác.
Đến nay, trữ lượng còn lại không còn nhiều. Với khối lượng còn thiếu khoảng 300.000m3, đơn vị đang xin cấp phép hai mỏ cát ở Bến Tre và đề nghị tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ thêm.
“Phương án mua cát từ Campuchia cũng được đơn vị tính đến và đã mua khoảng 30.000m3.
Song, chi phí quá cao, gấp đôi so với giá cát hiện tại nên chúng tôi đã dừng không mua nữa”, ông Thuận thông tin.
Bỏ cuộc vì giá cao
Lãnh đạo một nhà thầu tham gia thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau (xin giấu tên) thừa nhận, giá quá cao là một trong những nguyên nhân chính khiến các đơn vị thi công hạn chế tính đến việc mua cát nhập khẩu từ Campuchia.
Giá mua cát tại chân công trình các dự án cao tốc chỉ từ 180.000 – 200.000/m3. Thế nhưng, với cát từ Campuchia, giá mua tại cửa khẩu đã là 190.000 đồng. Khi đưa đến chân công trình tại ĐBSCL, TP.HCM, giá mua từ 280.000 – 300.000 đồng/m3.
Theo đại diện một đơn vị kinh doanh khai thác, vận chuyển cát từ Campuchia, nếu mua thương mại theo hình thức bán lẻ, các nhà thầu Việt Nam vừa phải chịu giá bán cao ngất ngưởng, việc đáp ứng đủ khối lượng cũng rất khó.
Muốn có được khối lượng lớn, các nhà thầu phải tính đến phương án mua quyền khai thác một khối lượng cát nhất định của chủ mỏ ở Campuchia và tự vận chuyển từ mỏ về công trường.
Làm theo cách này, giá cát về tới chân công trình cao tốc ở ĐBSCL khoảng 230.000 – 240.000 đồng/m3. Nếu mua lẻ, giá có thể đến 270.000 – 300.000 đồng.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là nhà thầu sẽ phải bỏ ra số tiền rất lớn đưa cho chủ mỏ (mỏ nhỏ cũng khoảng 1 triệu USD).
Chưa kể, phục vụ công tác vận chuyển, nhà thầu Việt phải tự thuê sà lan với giá 300 triệu/tháng cùng tiền đặt cọc thuê khoảng 1 tỷ đồng/sà lan.
Trường hợp thuê từ 5 – 10 chiếc, kinh phí ban đầu bỏ ra không hề nhỏ. “Đó là lý do các đơn vị thi công rất ít dùng cát nhập khẩu”, đại diện doanh nghiệp nói.
Các mỏ cát bị thu hẹp vì khai thác quá nhiều
Báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ hồi cuối tháng 6, Bộ Công thương cho biết, trong 3 năm (2021-2023) và 4 tháng đầu năm 2024, lượng cát nhập khẩu từ Campuchia khoảng 23,6 triệu m3 (mỗi năm nhập khẩu hơn 7 triệu m3).
Theo Bộ Công thương, mặt hàng cát xây dựng, cát san lấp không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu và khi nhập khẩu không cần giấy phép. Doanh nghiệp nhập khẩu cát chỉ cần có chức năng xuất nhập khẩu.
Chính phủ Campuchia chủ trương để thị trường mua bán tự do, các doanh nghiệp hai bên chủ động đàm phán và ký kết hợp đồng theo giá cả thống nhất.
Trước đó, báo cáo Quốc hội về tình hình nghiên cứu các giải pháp nhằm đa dạng nguồn vật liệu sử dụng cho các dự án giao thông, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong 1 năm.
Hiệp hội đã đề nghị UBND TP.HCM là đầu mối làm việc với phía bạn để thực hiện các thủ tục, đồng thời giao cho một đơn vị doanh nghiệp quân đội phía Nam làm đầu mối ký hợp đồng phân phối.
Thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác đi Campuchia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trữ lượng cát của Campuchia phục vụ san lấp, xây dựng dồi dào, cung cấp đủ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài của các tỉnh phía Nam, hoạt động cung cấp cát không có vướng mắc về chủ trương, chính sách của Chính phủ hai nước. Đây được đánh giá là nguồn cung lớn cho các dự án.
Bên Campuchia trước đây chỉ có 3 doanh nghiệp được chính quyền nước này cho phép xuất khẩu cát và hiện nay chỉ còn 2.
Có khoảng 40 doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua cát từ Campuchia, nhưng thực tế chỉ khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động vì lý do biên lợi nhuận thấp, thậm chí là lỗ.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động phương tiện, thiết bị khai thác như tàu, máy hút.
Các chủ mỏ bên Campuchia không có phương tiện mà chỉ bán quyền khai thác mỏ.
Các mỏ cát bên Campuchia diện tích khá lớn, trải dài khoảng vài chục km. Doanh nghiệp Việt muốn mua loại cát nào (cát xây dựng hoặc cát san lấp) thì khai thác ở các khu vực đã được khảo sát, thăm dò về chủng loại cát từ trước đó.
Về phương thức tính toán, khi tàu hút cát đưa từ Việt Nam sang, cơ quan đăng kiểm Campuchia sẽ kiểm tra trọng tải, khối lượng cụ thể rồi cấp giấy chứng nhận.
Sau khi tàu đầy cát, người giám sát bên phía chủ mỏ sẽ gạt ngang mặt khoang là có thể biết được cụ thể lượng cát là bao nhiêu.
“Công ty tôi có hơn chục tàu hút cát các loại đang hoạt động tại Campuchia. Tàu nhỏ giá cỡ 10 tỷ đồng, tàu lớn khoảng 50 tỷ đồng. Công suất khai thác từ 700 -3.000 khối mỗi tàu”, vị này cho biết.
Về thủ tục, các doanh nghiệp nhập khẩu cát Việt Nam gặp một số vướng mắc hồi đầu năm vì Thông tư 04/2023 của Bộ Xây dựng ban hành.
Quy chuẩn có hiệu lực từ 1/1/2024, khiến một số tàu cát phải neo đậu bến bãi dẫn đến phát sinh chi phí. Sau một thời gian, vấn đề đã được gỡ vướng.
Về chi phí, giá cát phía Campuchia bán cho phía Việt Nam khoảng 6 USD/m3. Các doanh nghiệp nhập khẩu cát phải đặt cọc từ 100 nghìn USD trở lên đến vài triệu USD, tùy thuộc vào khối lượng và điều kiện.
Trước đây, các mỏ cát bên Campuchia rất nhiều, nhưng hiện nay bị thu hẹp vì khai thác quá nhiều.
Việc này dẫn đến các doanh nghiệp khai thác phải di chuyển sâu vào nội địa, chi phí tốn kém hơn.
Ngoài ra, cũng không dễ để xác định chủng loại cát. Nếu cung cấp cho nhà thầu không đúng chủng loại sẽ bị phạt hợp đồng.
“Một số doanh nghiệp làm ăn chộp giật thường dùng chiêu trà trộn hóa đơn về bán cho các cá nhân, hoặc công ty khai thác cát lậu trong nước.
Các doanh nghiệp bán hóa đơn chỉ ở mức 60-70%, từ đó bên mua hợp thức hóa cát khai thác chính ngạch dẫn đến họ có thể bán giá rẻ hơn so với chúng tôi khá nhiều.
Còn một chiêu khác là một số cá nhân, công ty khai thác cát lậu trong nước mua một số lượng nhỏ cát nhập khẩu từ Campuchia rồi trộn lẫn, chào hàng bán là cát nhập khẩu từ nước bạn”, đại diện doanh nghiệp này thông tin
Xin thêm mỏ, điều chuyển vật liệu
Do việc nhập khẩu cát khó khăn nên để đáp ứng yêu cầu hoàn thành công tác gia tải trong năm 2024, một số nhà thầu tính đến phương án huy động cấp phối đá dăm để gia tải thay thế cho một phần khối lượng cát còn thiếu.
Cùng đó, các nhà thầu và chủ đầu tư cũng đang tích cực làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre để xác định thêm nguồn cung cho dự án.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tại hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau, nhu cầu cát đắp đến hết năm 2024 khoảng 15,5 triệu m3.
Hiện tại, trữ lượng được cấp đã đáp ứng đủ nhu cầu của dự án. Song, do công suất khai thác cát sông bị hạn chế, cát biển chỉ sử dụng cho một phần đoạn tuyến, việc huy động cát hàng ngày chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu.
Các tỉnh đã hoàn tất thủ tục mở cung ứng cho dự án thêm 2,2 triệu m3. Trong đó, An Giang điều phối 1,4 triệu m3; Vĩnh Long xong thủ tục 3 mỏ với trữ lượng 0,8 triệu m3. Đồng Tháp tăng công suất 2 mỏ.
Chủ đầu tư đang tiếp tục phối hợp với địa phương để hoàn tất thủ tục 1 mỏ tại Tiền Giang và 2 mỏ tại Bến Tre.
Tham gia thi công tuyến chính cao tốc trục ngang Châu Đốc – Sóc Trăng – Cần Thơ qua An Giang, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, khối lượng cát phục vụ nhu cầu thi công của nhà thầu là hơn 2,6 triệu m3.
Trong thời gian chờ cấp mỏ đặc thù, cát thương mại đưa về công trường được hơn 417m3. Như vậy, năm 2024, khối lượng cát còn thiếu khoảng gần 600.000m3.
“Gỡ khó vật liệu, chúng tôi đang tích cực huy động tài chính để lấy cát ở mỏ Tấn Mỹ – sông Tiền với khối lượng nhiều nhất có thể và chưa tính đến phương án nhập khẩu cát”, ông Tuấn chia sẻ.
Tương tự, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – nhà thầu được lựa chọn thi công gói thầu số 1, dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cho biết, tổng khối lượng cát đắp và gia tải cho toàn bộ dự án là hơn 2,5 triệu m3.
“Hiện chúng tôi đã được cấp phép và đang khai thác 3 mỏ cát theo cơ chế đặc thù cấp cho cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau.
Tại dự án này, công tác gia tải dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 11. Trữ lượng được cấp phép tại các mỏ còn dư lớn, đủ để bổ sung tăng cường cho cao tốc trục ngang qua Hậu Giang”, ông Tuấn nói.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Một số dấu hiệu thường gặp của người bệnh tiểu đường thai kỳ
- Southgate lại bị ‘tế’
- Bí quyết chọn bộ dụng cụ nail cơ bản cho người mới học giá tốt
- Bảng giá xét nghiệm ung thư cổ tử cung ở Vinmec, Singapore, Hồng Ngọc
- Để GPLX ô tô quá hạn dù chỉ 1 ngày cũng phải thi lại lý thuyết