Cục Đường bộ VN kiến nghị nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trong đó, nếu địa phương tiếp tục chậm sẽ bị thu hồi ủy thác quản lý quốc lộ.
6 tháng, giải ngân mới đạt 28%
Vốn bảo trì quốc lộ vốn đã ít, song khi giao về các địa phương, việc giải ngân lại rất chậm (ảnh minh họa).
Bảo trì công trình giao thông đường bộ kịp thời sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, đảm bảo mặt đường êm thuận. Tuy vậy, theo Cục Đường bộ VN, đến hết tháng 6, còn nhiều sở GTVT giải ngân vốn bảo trì đường bộ không đạt yêu cầu.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều công trình, dự án bảo trì thực hiện chậm, nguy cơ phát sinh thêm hư hỏng, xuống cấp.
Ông Đoàn Chí Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch, Cục Đường bộ VN cho biết, năm 2024, Cục Đường bộ VN được giao 11.500 tỷ đồng dự toán chi cho công tác bảo trì đường bộ. Hết tháng 6/2024, các đơn vị mới giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch giao.
Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15% gồm: Sở GTVT Tây Ninh 3,7%, Sở GTVT Vĩnh Phúc 5,28%, Sở GTVT Nam Định 8,1%, Sở GTVT Khánh Hòa 8,5%, Sở GTVT Quảng Ninh 10%, Sở GTVT Hòa Bình 12%, Sở GTVT Kiên Giang 13%, Khu Quản lý đường bộ II 13%, Sở GTVT Bà Rịa – Vũng Tàu 13%, Sở GTVT Quảng Ngãi 14,1%.
Bên cạnh đó, một số đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng thi công rất chậm. Minh chứng là còn 70/147 công trình đã được bố trí vốn chưa triển khai thi công.
Trong đó, Khu Quản lý đường bộ 4 còn 15/84 công trình, Sở GTVT Hòa Bình còn 8/15 công trình, Vĩnh Phúc còn 3/3, Cao Bằng còn 5/15, Quảng Ngãi 10/10 công trình.
Kiến nghị phân cấp mạnh hơn
Cũng theo ông Hiếu, Cục Đường bộ VN đã yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch giải ngân 6 tháng cuối năm làm cơ sở theo dõi, chỉ đạo. Cơ bản các đơn vị đăng ký giải ngân 100%, tuy nhiên một số đơn vị lập kế hoạch giải ngân hằng tháng còn chậm.
Trong đó, đến hết tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân chưa đạt được 70% như: Sở GTVT Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Nam, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang.
Là đơn vị được giao quản lý ủy thác 600km quốc lộ, ông Phạm Trọng Tài, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết, hiện Cục Đường bộ VN đã ủy quyền cho các Khu quản lý đường bộ và các sở GTVT phê duyệt các dự án sửa chữa dưới 5 tỷ đồng.
Tuy vậy, trong quá trình thi công nếu có phát sinh cần điều chỉnh phải có ý kiến của người quyết định đầu tư.
“Các dự án sửa chữa định kỳ trên địa bàn, nhất là công trình xử lý bão lũ thường xuyên có điều chỉnh. Hay hư hỏng mặt đường, từ khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đến khi triển khai thi công có nhiều thay đổi.
Phát sinh bất kỳ nội dung gì cũng phải trình Cục Đường bộ VN sẽ mất nhiều thời gian”, ông Tài nói và kiến nghị, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa bằng việc ủy quyền toàn bộ cho chủ đầu tư tổ chức thực hiện.
Thu hồi ủy thác nếu chậm giải ngân
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm, ông Đoàn Chí Hiếu cho biết, với công trình mới bổ sung kế hoạch trong năm 2024, Cục Đường bộ VN đã yêu cầu các khu quản lý đường bộ, các sở GTVT, ban QLDA khẩn trương lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, kịp thời báo cáo các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Cùng đó, rà soát, đăng ký lại kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân 100% vốn được giao.
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, tuy nguồn vốn bảo trì hằng năm mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhưng lại tiêu không hết, số vốn chuyển tiếp năm trước sang năm sau rất lớn. Làm thế nào để tiêu đúng lúc, đúng chỗ và phải tiêu hết trong năm tài khóa là vấn đề cần giải quyết ngay.
Đối với kế hoạch bảo trì năm 2025, ông Thái cho biết, Cục Đường bộ VN đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để đầu năm có thể triển khai ngay, đảm bảo tiến độ giải ngân.
Với các đơn vị trực thuộc là các khu quản lý đường bộ, các ban QLDA chậm giải ngân, Cục Đường bộ VN sẽ chấn chỉnh nghiêm. Đối với các sở GTVT, nếu vẫn tiếp tục chậm giải ngân sẽ thu hồi ủy thác quản lý quốc lộ.
“Chúng ta tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phân cấp, phân quyền phải đúng nơi, đúng chỗ”, ông Thái nói và cho biết, đã yêu cầu xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từ nay đến cuối năm.
Ngay trong tháng 7, Cục Đường bộ VN sẽ phê duyệt kế hoạch và kiểm điểm tiến độ giải ngân của các đơn vị theo từng tháng. Đến cuối năm nếu thực hiện không đạt như cam kết sẽ xử lý về công tác cán bộ.
Về phản ánh mỗi năm có đến 1.500-1.600 đầu mục bảo trì đường và công trình 1 tỷ đồng nhưng cũng phải làm thủ tục như công trình 100 tỷ, mất nhiều thời gian, ông Bùi Quang Thái cho biết, Cục Đường bộ VN đang kiến nghị Bộ GTVT, với các dự án chuẩn bị đầu tư toàn bộ theo nhu cầu, khi chuẩn bị đầu tư nhưng đến cuối năm không bố trí được vốn, các dự án này sẽ được ưu tiên ở năm tiếp theo.
Cục Đường bộ VN sẽ rà soát để gom tối đa các danh mục, đảm bảo ít số lượng dự án nhất, giảm bớt thủ tục.
Trên cơ sở danh mục và tổng số nguồn vốn đã được phê duyệt, để tăng tính chủ động, Cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT phân cấp, ủy quyền để đơn vị này linh hoạt điều chỉnh các danh mục dự án bảo trì, các nhiệm vụ đã được phê duyệt, đảm bảo giải ngân tối đa nguồn vốn.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Tại sao dự án đường nghìn tỷ ở Thanh Hóa phải điều chỉnh?
- Suri giữa tin Tom Cruise sắp về Mỹ
- Mỹ nhân Hoa ngữ đẹp như “nữ thần AI” đến từ tương lai, đóng cổ trang cũng hoàn mỹ không vết xước
- Thi sát hạch lái xe đang được giám sát thế nào?
- Có nên mua online bộ dụng cụ làm nail hay không?