Vượt khó thông đường
Đã hơn 1 tháng tính từ khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc nhưng hậu quả mưa bão để lại vẫn rất nặng nề.
Riêng tại tỉnh Hoà Bình, Bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây lũ lụt, sạt lở làm 7 người thiệt mạng, nhiều tài sản, cây trồng vật nuôi bị chết, hư hỏng. Riêng về giao thông, sạt lở, lũ lụt đã làm chia cắt nhiều tuyến đường, gây hư hại nhiều công trình cầu cống… Ước tính tổng thiệt hại lên đến 200 tỷ đồng.
Ngày 11/10, phóng viên Báo Giao thông có mặt tại tuyến đường tỉnh lộ (TL) 435 và TL448 của tỉnh Hoà Bình. Tại đây, công tác khắc phục hậu quả của bão lũ đang được các đơn vị ngành giao thông địa phương tích cực triển khai.
Tại Km 5+200, đường TL435, đoạn qua xã Thanh Bình, huyện Cao Phong, các máy xúc, ô tô tải đang hót dọn những khối đất đá sạt lở trên mặt đường.
Chị Đinh Thị Loan, Hạt trưởng hạt số 7 (Công ty CP Xây dựng giao thông Hoà Bình) cho biết: Đợt mưa lũ sau bão số 3 và mưa sau bão số 4 đã làm đường 435 bị sạt lở, gãy đổ cây cối, ngập, hơn chục điểm, với khối lượng đất đá ước tính lên đến hơn 11.000m3. Ngay thời điểm đó, bất chấp mưa gió nguy hiểm, các kỹ sư, công nhân của hạt vẫn bám trụ trên đường để cảnh giới, điều tiết giao thông; đồng thời hót dọn đất đá để đường thông trong thời gian sớm nhất.
Kể từ thời điểm đường thông đến nay, các kỹ sư công nhân vẫn chưa có ngày nghỉ bởi họ phải tiếp tục đi xử lý các điểm sạt trượt, khơi thông cống rãnh.
Lái máy xúc Tạ Văn Toàn cho biết: Em làm từ ngày 6/9 đến nay mà vẫn chưa xong. Khối lượng đất đá ban đầu nhìn thì nghĩ là không nhiều, chỉ múc dọn vài ngày sẽ xong. Tuy nhiên, đất đá sũng nước, phía trên lại còn nhiều balô đất chờ sạt, nên cứ múc dưới thì trên lại sạt. Như điểm này, phải hết ngày hôm nay mới xong được.
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn, khi hạt trưởng Loan phải đi tới vị trí đổ thải ở Km 9+100 (gần bến thuyền Thanh Bình cũ) để xử lý việc người dân không cho đổ thải.
Dù đã tìm nhiều cách thuyết phục, thậm chí mời cả chính quyền xã tới, nhưng người dân ở đây vẫn không chấp nhận cho tiếp tục đổ. Bởi họ cho rằng, nơi đổ thải có cây trồng và ao cá, chưa đền bù thì không được đổ.
Chị Loan buồn rầu nói: Khắc phục sạt lở là việc làm cấp bách, những năm trước đất đá sạt lở chỉ cần múc bên taluy dương đổ sang vị trí taluy âm không có người ở là được. Nhưng giờ quy định mới, đất đá đó được coi là tài nguyên. Nếu tận dụng được thì phải làm hồ sơ khoáng sản đưa đi tập kết. Không tận dụng được thì phải đổ ở vị trí mà xã, huyện chỉ định.
“Ngặt nỗi, để làm xong hồ sơ khoáng sản thì phải mất vài tháng. Còn các bãi đổ chính quyền bố trí đều là đất có chủ hoặc đất xã quản lý nhưng giao thầu, người dân không đồng ý thì không làm gì được”, chị Loan nói.
Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Hoà Bình cho biết: Đây là vấn đề khó khăn chung, không phải riêng Hoà Bình mà tỉnh nào bây giờ cũng vấp phải. Vừa qua, để gỡ vướng và đẩy nhanh tiến độ khắc phục, nhằm sớm khôi phục hạ tầng giao thông phát triển kinh tế – xã hội, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án gỡ khó.
“Đó là khi đi kiểm tra, đánh giá bão lũ sẽ mời thêm công an, Sở Tài nguyên & môi trường, chính quyền huyện, xã cùng đi. Khi các bên cùng thống nhất lập hồ sơ thì đơn vị ngành giao thông thực hiện. Tuy đã cơ bản giải quyết vấn đề trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ còn phát sinh nhiều cái khó hơn. Câu chuyện hôm nay chỉ là một ví dụ”, ông Toàn nói.
Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”
Tạm gác vấn đề khó khăn, kỹ sư Toàn lại cùng phóng viên đi đến các điểm ngập ở đường tỉnh 435, điểm sạt lở nứt đồi ở Km16+200 đường tỉnh 448, vị trí đường đang khôi phục ở đường tỉnh 433 lên Đà Bắc, nơi sập đường dẫn cầu Ngòi Móng và cây cầu yếu Ngòi Tôm. Có thể thấy, khối lượng công việc còn rất nhiều.
Theo thống kê của Sở GTVT Hoà Bình, từ đầu năm tới nay, mưa bão đã có 439 vị trí bị sạt lở taluy dương, với khối lượng sạt lở là hơn 68.000m3, sạt lở taluy âm 55 vị trí với tổng chiều dài là 965m, hai cầu hư hỏng, 21 ngầm tràn bị ngập… Các thiệt hại này chủ yếu do cơn bão số 3 gây ra.
Suốt thời gian trước, trong và sau mưa bão, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư công nhân ở Hoà Bình đã không quản khó khăn, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để thông đường, đảm bảo giao thông trên các tuyến được thông suốt.
Về phía sở GTVT Hoà Bình, từ giám đốc, phó giám đốc cho đến các lãnh đạo phòng ban, chuyên viên lần lượt đi tới các tuyến đường, vị trí sạt, ngập để nắm bắt tại hiện trường và đưa ra phương án xử lý trong thời gian sớm nhất.
Nhớ lại buổi sáng ngày 6/9, ông Võ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hoà Bình kể: Khi Hoà Bình mưa lớn dài ngày, đường tỉnh 433 con đường độc đạo nối từ TP Hoà Bình lên huyện Đà Bắc bị sạt lở hàng chục điểm, giao thông tê liệt hoàn toàn. Tuy nhiên, nhận được tin ở xã Tân Minh, Đà Bắc xảy ra sạt lở, sập nhà làm 5 người trong gia đình chết, mất tích, lãnh đạo Sở đã họp chỉ đạo và quyết định lập đoàn lên chỉ đạo hiện trường để thông xe trong thời gian sớm nhất, tôi đã cùng với 2 cán bộ phòng kết cấu hạ tầng đi lên hiện trường.
Khi ra đến gần hết thành phố, đập vào mắt đoàn cán bộ sở là cảnh tượng một nửa quả đồi sạt xuống chắn ngang đường, đất đá nhầy nhụa. Các nhân viên tuần đường báo về, toàn tuyến còn gần chục điểm như vậy nữa. Đấy là mới tính những nơi có người tiếp cận được, nơi có sóng điện thoại để báo về, còn thực tế khủng khiếp hơn nhiều. Để tạo động lực cho các kỹ sư, công nhân lái máy, người lãnh đạo 61 tuổi vẫn băng băng lội qua điểm sạt, đứng dưới chân đồi – nơi mà đất đá chờ chực sạt lở để làm hoa tiêu cho xe máy san gạt bùn đất thông đường.
Với nỗ lực không mệt mỏi của mọi người, đến gần trưa, một con đường cứu trợ được mở thông tới Đà Bắc, từng đoàn xe cứu hộ của quân đội, công an nhờ đó đã đến được hiện trường để giúp đỡ dân vùng gặp nạn. Chiều cùng ngày, đoàn xe chở đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đến được hiện trường để thăm hỏi động viên gia đình người bị nạn và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất.
Theo Sở GTVT tỉnh Hoà Bình, để khôi phục giao thông, xóa đi các mối nguy hiểm tiềm tàng trên các tuyến đường, nhà nước cần đầu tư thay thế 7 ngầm trên các tuyến đường quốc lộ, 7 ngầm trên đường tỉnh (trong đó đề nghị thay thế ngầm Suối Láo và ngầm Trầm thành cầu); đường huyện cần thay thế 12 cầu, 13 ngầm. Tổng kinh phí dự kiến cần khoảng 390 tỷ đồng.
Sở này cũng đề xuất tiến hành lập dự án sửa chữa đột xuất, xử lý sạt lở tại Km3+300, Km5+800, Km75+750 ĐT433 (TP Hoà Bình) với tổng kinh phí ước tính khoảng 30 tỷ đồng; sửa chữa điểm sạt taluy âm tại Km3+800 ĐT440 (địa phận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc), với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng; xử lý hư hỏng mặt đường làm rãnh thoát nước trên ĐT444 và khắc phục điểm nguy cơ sạt lở tại Km16+200 ĐT448, tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.
Hiện Sở GTVT Hoà Bình đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án, trình UBND tỉnh, Bộ GTVT để sớm có thể tiến hành sửa chữa, khôi phục giao thông.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Thiết kế nội thất chung cư Mandarin Garden đẹp, sang trọng
- Bảng xếp hạng những mẫu nail tết 2022 tươi trẻ năng động trong những ngày Valentine sắp tới
- Các mẫu nail móng tay ngắn nên chọn màu sơn nào cho phù hợp?
- Huỳnh Hiểu Minh yêu bạn gái bất chấp ồn ào đời tư
- Phim Hoa ngữ có nội dung gây sốc nhất 2024: Nữ sinh bị dán vào tường và cái kết nghiệt ngã