Hoàn thành gia tải cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trong năm 2024

Useful
18/11/24
Lượt xem : 34 view
messengercreationa6609840 0a40 428e 8a31 52bbb8d4a239 173191860405965741249 174 107 619 958 crop 173191865765776435989
Rate this post

Sáng 18/11, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp với Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Vẫn còn 4 triệu m3 cát cần huy động

Báo cáo với Bộ trưởng, ông Trần Văn Thi – Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án cao tốc: Cần Thơ – Cà Mau, Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Mỹ An – Cao Lãnh, Tân Vạn – Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2 cơ bản hoàn thành.

Riêng tại nút giao Lộ Tẻ thuộc dự án Cao Lãnh – Lộ Tẻ (Cần Thơ) vẫn còn một số mặt bằng chưa giải phóng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Hoàn thành gia tải cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trong năm 2024- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc.

Về công tác triển khai thi công, cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau đạt 50/59% kế hoạch (tương đương 9.414/18.828 tỷ đồng); dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ đạt 11% hợp đồng. Phần dự án đầu tư nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi cũng mới đạt 8,5% hợp đồng, chậm 6,5%.

Ngoài các dự án trên, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng thi công một số dự án khác. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 đã đạt 68% giá trị hợp đồng; dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (Vành đai 3 TP.HCM) đạt 76% giá trị hợp đồng, vượt 11,4%; dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (giai đoạn 1) đang triển khai công tác GPMB.

Về công tác bố trí vốn và giải ngân, kế hoạch vốn năm 2024 được giao đến nay là 9.687 tỷ đồng, bao gồm giao đầu năm 2024 7.116 tỷ đồng, vốn kéo dài 108 tỷ đồng và giao bổ sung trong năm 2.462 tỷ đồng (giao thêm đợt tháng 11/2024 là 1.161 tỷ đồng).

Hoàn thành gia tải cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trong năm 2024- Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Tính đến ngày 15/11, Ban QLDA Mỹ Thuận giải ngân được 7.112/9.687 tỷ đồng, đạt 73,42%, còn lại 2.575 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2024 sẽ cơ bản giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Riêng về vật liệu xây dựng cho các dự án, ông Thi cho biết hiện gặp nhiều khó khăn. Trong đó, dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có nhu cầu vật liệu đắp của toàn dự án khoảng 18,5 triệu m3; năm 2024 cần khoảng trên 15 triệu m3, đã huy động trên 11 triệu m3 (bao gồm cả cát biển). Khối lượng còn lại cần huy động trong năm 2024 khoảng 4 triệu m3.

Về cát sông, các địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã cấp cho dự án tổng cộng 20 mỏ cát với tổng trữ lượng 19 triệu m3 (bao gồm 1,4 triệu điều phối từ trục ngang). Tuy nhiên, hiện tỉnh An Giang đã tạm dừng khai thác 7/9 mỏ do đã khai thác hết công suất năm 2024 hoặc quá độ sâu thiết kế và có nguy cơ gây sạt lở bờ sông.

Ban QLDA Mỹ Thuận đang tích cực làm việc với tỉnh An Giang để khai thác trở lại 2 mỏ cát trước ngày 20/11.

Đối với cát biển, tổng khối lượng khai thác đã đưa về công trường đạt 722.580m3, trung bình đạt 10.000m3/ngày. Đến nay, Công ty CP đầu tư và xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C đã huy động 19 tàu hút công suất khai thác 22.400m3, cam kết bố trí cát cho các nhà thầu khoảng 7.000m3/ngày.

Đối với vật liệu cấp phối đá dăm, dự án Cần Thơ – Cà Mau đã huy động khoảng 262.000 m3/1 triệu m3 đá (nhu cầu gia tải năm 2024). Các dự án còn lại đang huy động đảm bảo tiến độ.

Hoàn thành gia tải cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trong năm 2024- Ảnh 3.

Nguồn vật liệu cát để thi công dự án vẫn còn khó khăn. Ảnh: Huỳnh Như.

Ông Thi cho biết, với các dự án nằm trong chương trình 3.000km cao tốc hoàn thành năm 2025, Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn giám sát và nhà thầu đã lập kế hoạch chi tiết cho từng hạng mục công việc, xác định các đường găng, đưa ra giải pháp phù hợp để quyết tâm hoàn thành các dự án đảm bảo tiến độ.

Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cũng nhìn nhận, quá trình triển khai các dự án dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, các vướng mắc đã dần được tháo gỡ; cơ bản đảm bảo tiến độ hoàn thành.

Riêng dự án cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau vẫn nhiều khó khăn nên cần sự hỗ trợ giải quyết của Chính phủ và Bộ GTVT để dự án hoàn thành vào 31/12/2025.

Bắt buộc phải hoàn thành, không có lựa chọn khác

Tại buổi họp, đại diện các nhà thầu, nhất là các nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Tuy vậy, các nhà thầu đều cam kết hoàn thành gia tải trước 31/12 như kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá, Ban QLDA Mỹ Thuận đang thực hiện 6 dự án, trong đó, có 3 dự án đang chậm tiến độ, “dù khối lượng chậm không lớn nhưng không thể chủ quan”.

Thứ trưởng cho rằng, những khó khăn vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ là do bản thân các nhà thầu chưa nỗ lực, chưa chủ động, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều nhà thầu đã cam kết, hứa nhưng rồi không thực hiện được.

Hoàn thành gia tải cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trong năm 2024- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo quyết liệt tại cuộc họp với Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu sáng 18/11. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá sự nỗ lực, cố gắng của Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu trong triển khai các công việc, vượt qua các khó khăn về GPMB, vật liệu đã tập trung nguồn lực để thi công, 3 ca 4 kíp, khối lượng đạt được đáng ghi nhận.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Các dự án cao tốc: Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau; Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; Cao Lãnh – Lộ Tẻ là những tuyến quan trọng để thực hiện mục tiêu 3.000km cao tốc hoàn thành cuối năm 2025 theo kế hoạch của Chính phủ. Vì vậy, “bắt buộc phải hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch, không có lựa chọn nào khác”.

Theo Bộ trưởng, chưa có dự án nào mà Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT và các địa phương dành sự quan tâm như các dự án này. Với sự quan tâm đó, những vấn đề khó khăn nhất như GPMB, nguồn vật liệu cát đã từng bước tháo gỡ.

Bộ trưởng cho rằng, hiện còn thiếu 4 triệu m3 vật liệu đắp nền đến thời hạn 31/12 phải hoàn thành, khối lượng không phải lớn nhưng không được chủ quan. Làm sao việc gia tải phải hoàn thành sớm nhất có thể, hạn chế rủi ro, phát sinh cho giai đoạn sau. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến vấn đề chất lượng công trình, không cho phép bất kỳ sai sót nào.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng thẳng thắn phê bình một số nhà thầu như Tổng công ty 36, nhà thầu phụ Đồng Tâm thi công chậm. Đồng thời, cũng nhắc nhở các nhà thầu thiếu trách nhiệm, không tuân thủ các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ dẫn đến chậm ở một số hạng mục.

Chẳng hạn, từ tháng 7/2024, lãnh đạo Bộ đã nhấn mạnh đến việc huy động vật liệu cấp phối đá dăm phải đạt 1,2 triệu m3 cho năm 2024. Điều này sẽ hỗ trợ cho việc gia tải, bù lại số lượng cát đang thiếu, nhưng nhà thầu không chủ động mua vật liệu, lúc nào cũng có tâm lý nước đến chân mới nhảy. Hay như vật liệu cát, đã có cát biển, nhưng nhà thầu vẫn trông chờ cát sông.

Trước khối lượng công việc còn rất lớn, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận cần nâng cao vai trò điều hành, tính hiệu quả trong quản lý dự án, chủ động xử lý các vấn đề trong triển khai thi công, kịp thời điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thành gia tải cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trong năm 2024- Ảnh 5.

Ba dự án cao tốc: Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau; Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; Cao Lãnh – Lộ Tẻ phải hoàn thành đúng kế hoạch, không được phép chậm trễ. Ảnh: Huỳnh Như.

Ngay tuần tới, Ban QLDA Mỹ Thuận phải làm việc với từng nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu đang chậm tiến độ, rà soát các kế hoạch, cam kết của nhà thầu là 31/12 hoàn thành đắp gia tải.

“Không nghe hứa nữa. Nhà thầu phải có giải trình một cách rõ ràng từng khối lượng, công việc để đánh giá tính khả thi. Nếu không khả thi, phải điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác trong liên danh ngay tuần tới. Tất cả các nhà thầu bị điều chuyển khối lượng, Ban QLDA ra thông báo vi phạm hợp đồng và cấm tham gia các dự giao thông của Bộ GTVT trên toàn quốc. Không ưu ái, không có ngoại lệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với nguồn vật liệu, Bộ trưởng yêu cầu cố gắng tối đa sử dụng cát biển. Những vị trí cấp thiết, không dùng được cát biển thì mới sử dụng cát sông. Nhà thầu VNCN phải đảm bảo năng lực khai thác và vận chuyển cát biển, tổ chức khai thác 3 ca đạt 20.000m3/ngày. Các nhà thầu cần sử dụng cát biển phải đăng ký khối lượng. Các nhà thầu đã đăng ký phải chủ động phương tiện để đưa cát về.

Đặc biệt, phải chủ động tập kết vật liệu cấp phối đá dăm đạt khối lượng 1,2 triệu m3 như cam kết để hoàn thành gia tải toàn tuyến trong năm 2024.

Bộ trưởng GTVT: Đủ điều kiện đẩy nhanh tiến độ đường cất hạ cánh số 3 sân bay Long ThànhBộ trưởng GTVT: Đủ điều kiện đẩy nhanh tiến độ đường cất hạ cánh số 3 sân bay Long Thành

Về thời gian thực hiện đường băng số 3 sân bay Long Thành, theo đề xuất là tối đa là 24 tháng nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng hoàn toàn có thể rút ngắn tiến độ vì đã sẵn máy móc, thiết bị, nhân lực.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source