Khánh Hòa lập tổ công tác đặc biệt xử lý tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc

Useful
09/10/24
Lượt xem : 48 view
z5909930042645 998054e240dfcc23247612847828e120 1728397465445371992041 0 0 720 1152 crop 172839747727694742422
Rate this post

Nhiều vị trí trên tuyến chưa di dời

Ngày 9/10, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hưởng ứng cao điểm 500 ngày đêm, lãnh đạo tỉnh này vừa quyết định thành lập tổ công tác hỗ trợ, giám sát công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn TX Ninh Hòa. Tổ công tác có 11 người, do ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Khánh Hòa lập tổ công tác đặc biệt xử lý tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc- Ảnh 1.

Vướng mặt bằng, việc thi công cầu Sông Lốp trên cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, việc GPMB, di dời hạ tầng kĩ thuật phục vụ thi công cao tốc qua TX Ninh Hòa chậm trễ. Vì vậy, tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Theo báo cáo của Ban QLDA 7 (chủ đầu tư), đến hết tháng 9, công tác GPMB dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang cơ bản hoàn thành phần tuyến chính nhưng vẫn còn 1,4km chưa thể thi công do vướng hạ tầng kỹ thuật và mặt bằng một số vị trí cục bộ. Các địa phương mới hoàn thành 8/20 vị trí. Ngoài ra, còn 2 vị trí trạm biến áp của các dự án điện mặt trời áp mái vẫn chưa di dời xong.

Khánh Hòa lập tổ công tác đặc biệt xử lý tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc- Ảnh 2.

Nhà dân đang trên tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (đoạn qua xã Ninh Trung, TX Ninh Hòa).

“Để dự án hoàn thành trước 30/4/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TX Ninh Hòa quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu bàn giao mặt bằng sạch vào cuối tháng 10 để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án”, đại diện Ban QLDA 7 cho biết.

Đối với dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư) cho biết, Trung tâm Phát triển quỹ đất TX Ninh Hòa đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được hơn 28/31km (đạt gần 90%).

Khánh Hòa lập tổ công tác đặc biệt xử lý tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc- Ảnh 3.

Đường điện 220kV vắt ngang tuyến cao tốc Vân Phong – Nha Trang khiến nhà thầu phải dừng thi công dưới đường dây để đảm bảo an toàn.

“Chủ đầu tư đề nghị UBND thị xã Ninh Hòa chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất khẩn trương trình xét các trường hợp đủ điều kiện tái định cư để trình thẩm định phê duyệt phương án ngay khi có giá đất, rút ngắn được thời gian cho công tác đền bù giải tỏa. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh công tác GPMB phần diện tích còn lại của khu tái định cư Hà Thanh để nhà thầu đẩy nhanh công tác thi công các hạng mục của công trình, nhất là thi công đấu nối hạ tầng điện và nước”, ông Phạm Văn Hòa, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa nói.

Hết tháng 10 di dời xong đường điện 220kV

Theo báo cáo của UBND thị Ninh Hòa, công tác di dời đường điện 220kV trên dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang (đoạn qua TX Ninh Hòa, đến nay đã hoàn thành thi công 15/16 móng trụ). Thị xã đã làm việc với các đơn vị điện lực liên quan để triển khai phương án cắt điện phục vụ thi công di dời lưới điện đảm bảo tiến độ và an toàn.

Còn công tác GPMB để thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, trong số hơn 1.000 trường hợp bị ảnh hưởng, đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường 850 trường hợp. Các trường hợp còn lại đang thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Khánh Hòa lập tổ công tác đặc biệt xử lý tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc- Ảnh 4.

Cầu Tân Lâm trên cao tốc Vân Phong – Nha Trang mới thi công được một bên, còn lại không thể thi công do nằm dưới đường dây cao thế.

Theo lãnh đạo UBND TX Ninh Hòa, khó khăn khi thực hiện GPMB của hai dự án cao tốc là theo quy định, tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật (như xây nhà trên đất nông nghiệp) thì không được bồi thường). Tuy nhiên, địa phương chưa có cơ sở pháp lý để xác định tài sản đó là tạo lập trái quy định. Do chưa được kiểm tra, xử phạt kịp thời khi các tổ chức, cá nhân vi phạm.

“Hiện nay, việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện do quy định bảng giá xây dựng mới các loại nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất và chi phí bồi thường một số công trình trên đất, địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hết hiệu lực thi hành”, ông Võ Ngọc Minh, Phó chủ tịch UBND TX Ninh Hòa phân trần.

Khánh Hòa lập tổ công tác đặc biệt xử lý tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc- Ảnh 5.

Dù vướng mặt bằng, nhưng nhiều đoạn nhà thầu đã tích cực thi công tạo hình hài nền đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Liên quan đến vướng mắc đường điện cao thế trên dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác của tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Sở Công thương cần hỗ trợ địa phương, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền tải điện triển khai phương án cụ thể trong quá trình di dời đường dây 220kV bị ảnh hưởng bởi các dự án. UBND TX Ninh Hòa căn cứ các mốc thời gian cụ thể để nỗ lực xử lý các vướng mắc. UBND tỉnh đồng ý với phương án xử lý hai vị trí trạm biến áp dự án điện mặt trời của địa phương”.

Đối với mặt bằng dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, ông Nam đề nghị UBND TX Ninh Hòa khẩn trương báo cáo cụ thể, chi tiết từng trường hợp vướng mắc liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Khánh Hòa lập tổ công tác đặc biệt xử lý tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc- Ảnh 6.

Tranh thủ mặt bằng xen kẽ, nhà thầu trên cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột vẫn duy trì tiến độ thi công.

Sở TN&MT được giao trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền. Đồng thời, báo cáo, tham mưu, đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đúng quy định pháp luật trước ngày 10/10.

Dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang qua Khánh Hòa dài hơn 83km (đi qua 4 huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh). Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.800 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2025 (trước 8 tháng so với kế hoạch).

Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dài 117km được chia thành ba dự án thành phần. Trong đó, UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 và 3, Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2. Dự án có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được khởi công hồi tháng 6/2023.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source