Trước dự đoán điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2024 sẽ tăng đến nay trong quá trình sắp xếp nguyện vọng nhiều thí sinh đã tìm kiếm, lựa chọn học song bằng là phươn án an toàn cho mình.
Theo đó, nhiều em quyết định chọn một ngành nào đó có mức điểm thấp để trúng tuyển vào trường, sau một năm sẽ học cùng lúc 2 chương trình là ngành các em yêu thích nhưng không có khả năng đỗ.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Ngọc Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Con tôi được 25,25 điểm khối D, cháu rất thích ngành Truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng với mức điểm hiện tại rất khó để đỗ. Gia đình quyết định nghiên cứu tìm hiểu đăng ký các khối học có điểm thấp hơn và định hướng sẽ học song bằng khoa Truyền thông ở năm thứ 2”.
Vị phụ huynh bày tỏ khá hoang mang, lo lắng với phương án này, vì không rõ việc học 2 chương trình một lúc có khó khăn và yêu cầu điều kiện như thế nào?
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Cao Xuân Liễu đánh giá các em đã xuất sắc vượt qua một kỳ thi quan trọng trong cuộc đời. Điểm trúng tuyển vào một ngành nào đó thuộc một trường đại học chứng tỏ thí sinh đã đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Vậy nên khi các em có ý định chỉ cần trúng tuyển ngành mình không yêu thích để có cơ hội học chương trình 2 thì thực sự cần hết sức cân nhắc.
Đưa ra lý do, ông Liễu cho biết: “Theo quy chế hiện hành, sinh viên chỉ được phép học chương trình 2 với điều kiện kết quả học tập của năm học thứ nhất đạt loại khá trở lên”.
Cùng với đó, khi xem xét cho bạn học chương trình 2 thì Hội đồng xét rất quan tâm tới việc điểm trúng tuyển của bạn ở chương trình một có cao hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển chương trình 2 mà bạn dự định theo học hay không.
Điều kiện tiếp theo, nếu được học chương trình 2 nhưng hết năm học đó, chương trình một các em rơi vào điểm kém thì buộc phải dừng chương trình thứ 2.
Ở đây, gia đình và học sinh cũng cần phải tính đến các áp lực về thời gian, tài chính sẽ tăng lên ít nhất gấp đôi khiến cho thời gian dành cho cá nhân và các hoạt động xã hội sẽ hạn chế đi.
Ngoài ra, TS.Cao Xuân Liễu bày tỏ, để có thể đạt được kết quả tốt ở chương trình 2 sinh viên phải nghiên cứu kỹ quy chế đào tạo, lựa chọn ngành học để đạt được sự tối ưu về chuyển điểm, đồng thời lại đáp ứng nguyện vọng cá nhân và nhu cầu xã hội.
“Các em phải trả lời được các câu hỏi có cần thiết phải học thêm chương trình 2 không? Chương trình thứ 2 này có phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế, thời gian và nhu cầu xã hội không? Có vượt qua được các áp lực hoặc khó khăn nếu tham gia học chương trình 2 không? Và khi học chương trình 2 như vậy, kết quả học tập chương trình thứ nhất sẽ như thế nào?”, ông Liễu chỉ ra các vấn đề thí sinh cần lưu ý.
Vậy nên thí sinh cần cân nhắc rất kỹ, tốt nhất hãy lựa chọn ngành yêu thích và ở trường có mức điểm phù hợp, an toàn để trúng tuyển ngay từ đầu.
Còn theo TS.Lê Anh Đức – Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: “Giữa các nhóm ngành khác nhau đều có nội dung học tập ở năm thứ nhất là giống nhau, hoặc các chuyên ngành vẫn sẽ có những môn cơ sở ngành được học tập là như nhau”.
Vì vậy các em nên tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, có thể lựa chọn các chuyên ngành tương đương cũng là một trong những giải pháp đăng ký nguyện vọng tránh việc phải học song bằng.
Nhiều thí sinh còn có nguyện vọng học song song 2 văn bằng tại các cơ sở giáo dục đại học khác nhau.
Về điều này bà Nguyễn Thu Thuỷ – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học tư vấn: “Quy chế của Bộ GD&ĐT cho phép các em học cùng lúc 2 ngành nhưng có điều đi kèm. Bắt đầu từ năm thứ 2 sinh viên có thể đăng ký học ở trường đang theo học hoặc ở trường khác nhưng với điều kiện cơ sở đào tạo thứ 2 đồng ý và các em đáp ứng điều kiện của cả 2 trường”.
Song bà Thuỷ cho rằng, để em cùng lúc học 2 chương trình ở 2 nơi khác nhau là gần như là không thể vì cần thời gian, sức lực và rất khó khăn.
Điều 18 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08 có quy định học cùng lúc 2 chương trình như sau:
Sinh viên được đăng ký học chương trình thứ 2 sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ 2 của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau và các điều kiện khác của cơ sở đào tạo:
Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh;
Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.
Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ 2, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất và đã đăng ký muộn nhất 2 năm trước thời điểm xét tốt nghiệp chương trình thứ 2.
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Một nữ ca sĩ đi lang thang, lạnh quá phải xin tiền đồng nghiệp để thuê phòng ngủ
- Những mẫu nail mới 2022 cute mang lại sự nhẹ nhàng quyến rũ dành cho các bạn trẻ
- Việc làm đầu tiên của quán quân Olympia năm thứ 24 sau khi trở về Trường Quốc học Huế
- Ngô Cẩn Ngôn bị mắng vác bụng bầu đi tuyên truyền làm phim “flop” thảm hại
- Chỉnh nhiệt kế Microlife từ độ F sang độ C như thế nào? Lưu ý gì khi thực hiện?