Kỳ vọng nhà giáo không chỉ “biết nói, biết giải thích, truyền cảm hứng”

Useful
26/11/24
Lượt xem : 34 view
luat nha giao thao luan 1732621623795745064709 304 0 1440 2170 crop 1732621653513923606270
Rate this post

Nhằm học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng luật Nhà giáo, chiều 26/11, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo Khung chính sách và pháp lý đối với nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa – kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam.

Từ những ý kiến đóng góp tại chương trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng mong muốn, đây sẽ là cơ sở để điều chỉnh dự thảo Luật Nhà giáo, sao cho bộ luật này khi ban hành giáo viên phải vui mừng, phấn khởi. Giúp thầy cô thêm yêu nghề và cảm nhận được được xã hội chăm lo, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia liên quan đến điều chỉnh vai trò của nhà giáo trong dự luật.

Kỳ vọng nhà giáo không chỉ "biết nói, biết giải thích, truyền cảm hứng"- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Tiếp cận bài học từ quốc tế, góp ý tại hội thảo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận thấy chính sách nhà giáo có hiệu quả nhất khi được xây dựng theo một tiếp cận tổng thể và toàn diện.

“Chính sách nhà giáo có chất lượng khi làm rõ được những vấn đề hiện cần tháo gỡ. Đặc biệt, chính sách hiệu quả không nhất thiết phải là một văn bản chính sách hoàn toàn mới. Thay vào đó, chỉ cần là một văn bản hợp nhất được các chính sách riêng lẻ và thành công trước đây về nhà giáo, trong một khung pháp lý thống nhất”, ông Tiến nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, việc thể chế hóa chính sách nhà giáo thành luật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là nhận thức về tầm quan trọng của chính sách nhà giáo. Đồng thời, là quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo, trong việc chuyển chính sách thành luật để tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất.

Đối với đội ngũ giáo viên, ông Tiến cũng gửi gắm thầy cô cần thay đổi cách nhìn về vai trò của mình. Với thời đại mới, giáo viên không chỉ biết nói, biết giải thích, truyền cảm hứng mà cần phải dẫn dắt người học trên con đường sản sinh tri thức, đổi mới sáng tạo, đổi mới thế giới.

Kỳ vọng nhà giáo không chỉ "biết nói, biết giải thích, truyền cảm hứng"- Ảnh 2.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng cần thay đổi cách nhìn về vị trí, vai trò của giáo viên.

Là đơn vị đào tạo, ông Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh cũng đề xuất, dự thảo cần xây dựng chuẩn đội ngũ nhà giáo có năng lực tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Chất lượng người thầy phải gắn với học tập, bồi dưỡng suốt đời như vậy mới đáp ứng sự thay đổi, tác động của bối cảnh.

Song song với năng lực, đạo đức nhà giáo là nội dung được Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh quan tâm, theo đó, thầy cô phải đi đầu trong thực hiện pháp luật, gương mẫu trong hành xử.

Để thu hút được các giáo viên nước ngoài, theo bà Nguyễn Kim Dung – Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại Trường Đại học Anh Quốc dự luật cũng cần có những sự điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện cho giảng viên hành nghề tại Việt Nam.

Cụ thể ở đây, bà Dung kiến nghị nên miễn giấy phép lao động, đơn giản hóa hành chính đối với giảng viên nước ngoài.

Ngoài ra, hiện nay về trình độ chuẩn của nhà giáo trong nước và quốc tế đang khác nhau. Nếu như ở Việt Nam, giáo viên phải có trình độ cử nhân Sư phạm hoặc chứng chỉ liên quan, thì các nước như Mỹ, Úc chỉ cần có bằng cử nhân.

“Như vậy, thầy cô nước ngoài rất bị hạn chế cấp phép giảng dạy ở nước chúng ta trong khi họ có đủ trình độ, chuyên môn”, bà Dung cho hay.

Hiện nay, luật Nhà giáo đã được rình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2025).

Luật Nhà giáo nếu được Quốc hội Việt Nam thông qua kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để nhà giáo phát huy tối đa tiềm năng của mình và đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới giáo dục quốc gia ở đất nước đang thay đổi nhanh chóng này.

Trong quá trình đó, Bộ GD&ĐT đã tham vấn với UNESCO – cơ quan chuyên môn về giáo dục của Liên Hợp Quốc và Lực lượng đặc nhiệm giáo viên quốc tế vì giáo dục 2030 do UNESCO chủ trì về bối cảnh toàn cầu và khu vực của công việc chuyển đổi của nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay luật Nhà Giáo đã và đang được soạn thảo kỹ lưỡng thông qua nghiên cứu và tham vấn rộng rãi để đảm bảo tạo động lực và củng cố tất cả nhà giáo trở thành những lực lượng có trình độ, tận tụy, có trách nhiệm và thành thạo trong nghề này, cho dù họ ở đâu.

“Chúng tôi đánh giá cao những cuộc đối thoại như vậy với những người tham gia trong nước và quốc tế thông qua hội thảo hôm nay,” ông Vũ Minh Đức nói.

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source