Lần đầu môn Tin học thi tốt nghiệp: Giáo viên, học sinh cần chuẩn bị gì?

Useful
04/11/24
Lượt xem : 58 view
cao dang tuyen sinh 1 1724298582610788047547 335 0 1561 2342 crop 17305147343711396013397
Rate this post

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 lần đầu tiên môn Tin học sẽ là một trong số các môn thi tự chọn. Điều này mở ra thêm cơ hội cho học sinh trong việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Để hiểu rõ vai trò của môn Tin học trong định hướng nghề nghiệp và những lưu ý trong phương pháp giảng dạy, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Phạm Thế Long – Tổng Chủ biên bộ sách giáo khoa Tin học 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) về vấn đề này.

Nâng cao khả năng thực hành trên máy tính

NĐT: Thưa giáo sư, xin giáo sư cho biết sách giáo khoa Tin học 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được (NXB Giáo dục VN) thiết kế đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 như thế nào?

GS.TSKH Phạm Thế Long: Bộ sách giáo khoa Tin học 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo mô hình hoạt động. Các đơn vị tri thức được từng bước hình thành và củng cố thông qua các hoạt động khám phá, củng cố, luyện tập, vận dụng đa dạng, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh. Từ đó, đáp ứng mọi yêu cầu cần đạt nêu trong Chương trình GDPT 2018.

Lần đầu môn Tin học thi tốt nghiệp: Giáo viên, học sinh cần chuẩn bị gì?- Ảnh 1.

GS.TS. Phạm Thế Long (người thứ 2 từ trái qua phải) – Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tin học 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tôi tin rằng bộ sách giáo khoa Tin học 12 Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ là tài liệu bổ ích hỗ trợ dạy và học Tin học không chỉ hướng tới kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và các năm tiếp theo.

Quan trọng hơn, cung cấp cho học sinh các kiến thức và kỹ năng Tin học như là một nền tảng thiết yếu, từ đó có sự chuẩn bị đúng đắn và bền vững cho những bước đi tiếp theo trong hành trình nghề nghiệp.

NĐT: Để đáp ứng việc ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Tin học, giáo viên cần lưu ý các vấn đề gì, thưa giáo sư?

  • Môn Công nghệ chưa được coi trọng đúng tầm

GS.TSKH Phạm Thế Long: Trước hết, các thầy cô cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu cần đạt của môn Tin học trong Chương trình GDPT 2018 để hiểu rõ những năng lực, kỹ năng và kiến thức trọng tâm mà học sinh cần đạt được.

Từ đó, tập trung vào các nội dung chính, tránh giảng dạy lan man các kiến thức ngoài phạm vi yêu cầu để tối ưu thời gian học tập và ôn luyện, giúp học sinh nắm vững những kiến thức cốt lõi.

Song hành với đó, cần chú trọng phát triển năng lực tư duy và ứng dụng thực tế của học sinh. Trên cơ sở ngữ liệu mà sách giáo khoa cung cấp, cần xây dựng các hoạt động học tập, các bài tập và câu hỏi giúp học sinh rèn luyện tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Chú ý xây dựng các bài kiểm tra nhỏ và thực hiện việc đánh giá liên tục để theo dõi sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh củng cố kiến thức thường xuyên.

Một phần quan trọng của năng lực Tin học, là khả năng thực hành trên máy tính. Chính vì vậy, giáo viên cần khuyến khích học sinh tăng cường thực hành để có cơ hội thao tác thực tế, sử dụng thành thạo các công cụ và phần mềm Tin học.

Lần đầu môn Tin học thi tốt nghiệp: Giáo viên, học sinh cần chuẩn bị gì?- Ảnh 2.

Sách giáo khoa Tin học 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tin học không chỉ là một môn thi

NĐT: Nhiều thầy cô giáo lo lắng học sinh sẽ không chọn môn Tin học làm môn thi tự chọn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, bởi không có trường đại học sẽ xét điểm đại học môn này. Giáo sư có ý kiến đánh giá thế nào về vấn đề này?

GS.TSKH Phạm Thế Long: Tôi tin chắc, sẽ có nhiều trường đại học đưa ra phương án tuyển sinh có tính tới kết quả học tập và điểm thi môn Tin học. Tuy nhiên, việc ít hay nhiều học sinh đăng kí thi tốt nghiệp THPT môn Tin học, theo tôi, không hoàn toàn phụ thuộc vào vấn đề này.

Tôi muốn nói ở đây một xu hướng đáng e ngại hơn trong một vài năm gần đây. Đó là, xu hướng học sinh chọn tổ hợp môn dễ đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp, nhưng không tính đến sự liên quan với ngành học ở bậc đại học và nghề nghiệp tương lai. Xu hướng này có thể gây ra nhiều tác hại lâu dài.

Đây là thực trạng xuất phát từ áp lực phải đỗ tốt nghiệp, cùng với mong muốn có điểm số cao để đạt nguyện vọng tuyển sinh vào đại học. Tuy nhiên, nó lại có thể ảnh hưởng xấu đến cả quá trình học tập, lẫn sự phát triển nghề nghiệp của học sinh. Các em không được trang bị kiến thức nền tảng cần thiết cho bậc học tiếp theo.

Việc này, kéo theo hệ lụy sau này bước vào thị trường lao động. Học sinh có thể trở thành lao động thiếu kỹ năng, khó cạnh tranh với các ứng viên khác, có kiến thức chuyên sâu và nền tảng số vững chắc.

Lần đầu môn Tin học thi tốt nghiệp: Giáo viên, học sinh cần chuẩn bị gì?- Ảnh 3.

Các thí sinh cần cân nhắc lựa chọn môn Tin học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (Ảnh: Hữu Thắng).

NĐT: Để giúp học sinh lựa chọn tổ hợp môn thi phù hợp, trong đó có môn Tin học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và các năm tiếp theo, các nhà trường và giáo viên cần làm gì?

GS.TSKH Phạm Thế Long: Một trong những việc cần ưu tiên thực hiện, theo tôi, đó là cần tổ chức tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh, đặc biệt từ lớp 10, để các em hiểu rõ hơn về các ngành nghề và vai trò của môn Tin học trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động tư vấn nên được thiết kế, để giúp học sinh hiểu mối liên hệ giữa môn học và kỹ năng cần có cho từng ngành nghề.

Trong quá trình dạy học, giáo viên nên phân tích rõ lợi ích của môn Tin học đối với các ngành nghề tương lai. Cần giúp học sinh hiểu rằng Tin học không chỉ là một môn thi, mà còn là nền tảng quan trọng cho nhiều ngành nghề như khoa học máy tính, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế, y học, giáo dục và thậm chí cả những ngành nghề thuộc lĩnh vực KHXH&NV.

Việc xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp thực tiễn cũng có vai trò hết sức quan trọng. Nhà trường cần tạo điều kiện để học sinh thấy được ứng dụng của Tin học qua các bài học thực tế, từ lập trình, phân tích dữ liệu đến các kỹ năng tin học văn phòng.

Để giúp học sinh nắm bắt được yêu cầu của môn Tin học trong kỳ thi tốt nghiệp, giáo viên cần giới thiệu cấu trúc đề thi, các dạng bài tập phổ biến và hướng dẫn cách học hiệu quả. Nên tổ chức các buổi ôn tập và thi thử để học sinh làm quen với các dạng câu hỏi và đánh giá năng lực của mình, giúp các em tự tin và có chiến lược học tập hợp lý.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source