“Lớp học kết nối” của thầy hiệu trưởng

Useful
20/11/24
Lượt xem : 7 view
lop hoc ket noi 1 1731989298944757540459 208 0 1280 2048 crop 17319893277591214363679
Rate this post

Công cụ mang lại hạnh phúc cho thầy cô

Thầy giáo Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Tp.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) là cái tên không mấy xa lạ, khi thầy là người có nhiều đóng góp về đổi mới, xây dựng trường học hạnh phúc.

Đây cũng là người được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc khen tặng đột xuất do có thành tích sáng tạo đặc biệt, trong dạy học trực tuyến miễn phí, khi trường học phải đóng cửa do Covid-19.

Có niềm đam mê về IT, hơn 10 năm trước, thầy Mạnh đã xây dựng kênh dạy học trực tuyến Eteachers.edu.vn. Với mong muốn, ít nhất, đây sẽ là một phương thức bổ trợ cho việc dạy học ở trường và hỗ trợ học sinh tự học.

“Tôi thấy chuyển đổi số là con đường để giúp cho thầy cô hạnh phúc hơn. Đơn giản, bởi vì thay đổi phương thức làm việc, giúp năng suất tăng, điều này đồng nghĩa giáo viên sẽ bớt đi áp lực, có nhiều cơ hội phát triển”, thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ động lực để tìm ra những sáng kiến công nghệ.

Hiện, tại Trường Tiểu học Hội Hợp B vẫn đang thực hiện nhiều mô hình học tập thông minh, trong đó nổi bật nhất là “Lớp học kết nối”. Chỉ đơn giản có mạng LAN được kết nối đến tất cả các lớp, mà các em học sinh ở đây được học Toán bằng tiếng Anh do chính thầy hiệu trưởng giảng dạy.

"Lớp học kết nối" của thầy hiệu trưởng- Ảnh 1.

Thầy giáo Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Tp.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).

Thầy Mạnh cho biết: “Ngay tại chính phòng làm việc của mình, tôi có thể tham gia giảng dạy học sinh mỗi khối 2 buổi/tuần qua phần mềm Zoom, sẽ có các cô giáo trợ giảng trực tiếp ở dưới lớp. Trước khi diễn ra tiết học, tài liệu sẽ được gửi cho các con để học sinh chủ động vào lớp học”.

  • Gỡ nút thắt thiếu giáo viên, nếu ngành giáo dục được giao quyền tuyển dụng

Chưa dừng lại, mô hình “Lớp học kết nối” cũng đang được thử nghiệm, và lan tỏa đến một số trường học ở địa phương khác như Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Trị. Bước đầu, đã có những kết quả tích cực khi đã có giờ học hơn 20 lớp cùng tham gia với khoảng 700-800 học sinh.

Theo thầy Đào Chí Mạnh, hoạt động này vừa giúp tiết kiệm thời gian dạy học của thầy cô, nhưng học sinh lại rất thích thú, vì các em được nghe giảng từ chính thầy hiệu trưởng. Thông qua sự kết nối, còn trang bị cho học sinh nhiều năng lực cần thiết, khi người học được giao lưu văn hóa các vùng miền.

Cùng với đó, nhà trường còn sử dụng các ứng dụng miễn phí để đánh giá học sinh, theo đúng tinh thần của Thông tư 22 và Chương trình GDPT 2018 nhận xét học sinh mang tính chất khích lệ thay vì điểm số.

“Một lớp có sĩ số khoảng 35 học sinh, mỗi bạn sẽ có ảnh riêng ở trên phần mềm. Sau buổi học, ai có điểm tích cực, ngay lập tức phụ huynh ở nhà cũng biết con được tích điểm. Hoạt động này giúp, kết nối ban giám hiệu nhà trường với tất cả các lớp. Đồng thời, bảo đảm tính minh bạch trong việc xếp hạng thi đua”, thầy Đào Chí Mạnh cho hay.

"Lớp học kết nối" của thầy hiệu trưởng- Ảnh 2.

“Lớp học kết nối” của thầy Đào Chí Mạnh.

Công nghệ là đại lộ duy nhất đi đến tương lai

Tuy nhiên, cũng theo thầy Mạnh không phải có cái mới là sẽ bỏ hết cái cũ. Công nghệ sẽ là kênh để thầy cô trải nghiệm, giúp công khai, công bằng hơn trong giáo dục.

“Một trong những vấn đề rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi là lựa chọn được mình làm gì và làm như thế nào. Khi có quá nhiều công cụ hỗ trợ, bùng nổ thông tin, nếu không tỉnh táo sẽ vô tình tạo sự căng thẳng, thậm chí là đưa ra những quyết định lựa chọn không đúng đắn”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B đánh giá.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, thầy Mạnh cho rằng các thầy cô, lãnh đạo nhà trường cần phải định hướng rõ ràng, nên chọn ít nhưng phải làm đến cùng và thực chất, bài bản, tránh trở thành “nô lệ” của công nghệ.

Vị hiệu trưởng nhận thấy: “Về bản chất, công nghệ chỉ là công cụ, vì vậy, mỗi lớp hay mỗi trường, không nên lựa chọn quá nhiều thứ cùng một lúc”.

Cần phải trả lời các câu hỏi như với học sinh sẽ phù hợp với nền tảng nào? Việc lựa chọn ấy có thật sự hỗ trợ đắc lực trong phát triển kiến thức, kỹ năng, và nâng cao năng lực phẩm chất cho học sinh hay không?

Ứng dụng được lựa chọn phải thật sự dễ hiểu, dễ dùng, phổ biến, thích hợp với điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ của đơn vị. Quan trọng hơn, phải hướng dẫn cho người dạy biết làm, tạo điều, động lực cho thầy cô làm, làm cho giáo viên hiểu đổi mới thì mang lại lợi ích gì.

“Nếu chúng ta thực sự quan tâm, sẽ tìm ra lời giải điều gì phù hợp với đơn vị mình”, thầy Mạnh bày tỏ.

"Lớp học kết nối" của thầy hiệu trưởng- Ảnh 3.

Không quá khó khăn để chuyển đổi số ngành giáo dục (Ảnh: Hữu Thắng).

Để chuyển đổi số giáo dục thành công, thầy giáo cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Cán bộ quản lý trong nhà trường, phải là người định hướng con tàu chuyển đổi số sẽ đi đâu về đâu.

Cùng với đó, đối với giáo viên, cần có một “con đường” truyền thông với thầy cô để họ chuyển mình, khi hành trình đổi mới không hề dễ dàng, thậm chí là rất khó khăn.

“Cần tạo điều kiện cho người dạy có thêm ý tưởng, nhưng không thêm áp lực. Chuyển đổi phải mang lại lợi ích thiết thực cho thầy cô, sẽ dễ đi vào cuộc sống. Cuối cùng là chuẩn bị cơ sở vật chất, nền tảng, đội ngũ chuyên gia hỗ trợ”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B cho hay.

Trong thời gian tới, công nghệ sẽ càng biến đổi với sự xuất hiện của AI, giáo dục cũng sẽ không nằm ngoài việc thay đổi như vũ bão này.

“Phát triển của trí tuệ nhân tạo đem lại rất nhiều những giá trị. Đây là đòn bẩy để chúng ta thay đổi giáo dục. Những cách làm trước đây, sẽ được AI chứng minh rằng nó không còn phù hợp với hiện nay nữa. Cách dạy của thầy cô nên thay đổi, đây không còn là con đường khác, đó là đại lộ lớn, duy nhất để đi đến tương lai”, thầy giáo Đào Chí Mạnh nhắn nhủ.

Xuân Anh

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source