Trong môi trường giáo dục, trường học không chỉ là nơi dạy cho học sinh tri thức mà còn là nơi dạy cho các em về nhân cách, đạo đức của con người. Điều này, đòi hỏi người thầy đứng lớp phải có đầy đủ kỹ năng sư phạm, ứng xử phù hợp trước mọi tình huống. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những sự việc, hình ảnh thiếu tích cực được ghi lại và phản ánh lên mạng xã hội, gây dư luận không tốt.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc ghi lại hình ảnh, đặc biệt là những hình ảnh xảy ra trong trường học, sau đó lan truyền trên mạng xã hội là hành vi thiếu cân nhắc, người đăng chưa lường trước được có thể có ảnh hưởng xấu, nguy cơ gì đối với những người trong cuộc.
Nhìn từ sự việc cô giáo có hành vi không phù hợp với nam sinh tại Trường THPT Thạch Bàn, Long Biên, ông Nam thấy rằng không nên có kết luận, phê phán một cách chủ quan khi sự việc chưa có kết luận.
“Rõ ràng, đoạn clip trong sự việc trên có góc quay rất dễ làm cho người xem thấy rằng đây là một hành vi mang tính chất thân mật thái quá, vi phạm đạo đức của nhà giáo. Tuy nhiên, nếu tiếp cận ở góc nhìn khác, với tư duy phản biện thì cũng có thể đánh giá rằng, đây là mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong cái bối cảnh các bạn là thế hệ gen Z và gen Alpha, nên sẽ có những đặc điểm khác với trước kia”, ông Trần Thành Nam nhận định.
Theo chuyên gia, thầy cô và học sinh đang dần trở nên gần gũi hơn. Giờ đây, giáo viên đóng vai trò như người tổ chức, giúp cho học sinh khám phá kiến thức, thay vì người thầy là trọng tâm tri thức như trước kia. Thầy và trò cùng có vai trò là đồng kiến tạo kiến thức.
Cùng với đó, có thể giáo viên với học sinh cũng có rất là nhiều mối quan hệ thân tình, gần gũi, mà ở trong cái bối cảnh khác lại được nhiều phụ huynh sẽ ủng hộ.
“Nhưng mối quan hệ đó đặt trong hoàn cảnh cụ thể này lại mang một cái hàm nghĩa khác. Mang tính chất là một hành vi yêu đương, trái với đạo đức của nhà giáo, thì tôi nghĩ rằng là chúng ta cũng cần phải cẩn trọng trước khi mà đưa ra những phán xét”, ông Nam cho hay.
Chuyên gia cho rằng, đây là tình huống sẽ rất dễ xảy ra trên không gian mạng. Một góc quay cũng chỉ là góc nhỏ, khoảnh khắc trong một câu chuyện chứ không phải toàn bộ sự việc. Việc để lại bình luận chia sẻ thiếu căn cứ khiến vô tình làm tổn thương người trong cuộc, tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến vị thế của giáo viên.
Để giữ hình ảnh người thầy, đặc biệt khi mạng xã hội được sử dụng rộng rãi như hiện nay, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng phải nâng cao năng lực số cho cả giáo viên và cả học sinh. Sao cho người thầy biết cách xử lý khủng hoảng thông tin trên không gian mạng. Còn học sinh phải hiểu không phải cái gì cũng có thể đưa lên internet.
Đồng thời, điều quan trọng không kém đó là người giáo viên phải nắm chắc nguyên tắc ứng xử sư phạm. “Đừng để các quy định, nguyên tắc ứng xử chỉ để treo trên tường, mà cần phải được rèn luyện, đào tạo một cách nghiêm túc cho giáo sinh trẻ. Ngoài ra, những nguyên tắc này mà phải dựa trên đặc điểm tâm lý của thế hệ trẻ”, ông Nam bày tỏ.
Mặc dù, đặc điểm thế hệ gen Z và gen Alpha tôn trọng cá nhân, nhưng vẫn cần phải giữ chuẩn mực, những nguyên tắc trong giao tiếp, ứng xử giữa thầy và trò.
Ngoài ra, chuyên gia nhận thấy, bản thân các chương trình đào tạo giáo viên cũng cần phải lấy những cái vụ việc điển hình, để đưa vào làm tình huống sư phạm. Từ đó, hướng dẫn sinh viên xử lý về nghiệp vụ. Trong chương trình học cần có phần phần rèn nghề, hội nhập doanh nghiệp để giúp giáo viên có thể đương đầu với những tình huống phong phú ở trong thực tiễn, có cách thức ứng xử phù hợp để bảo vệ mình và học trò.
Ranh giới giữa đúng và sai
Trong sự việc tại Trường THCS Thạch Bàn, Long Biên, gia đình em học sinh quay lại clip và lan truyền trên mạng xã hội cũng đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu nhà trường vì hành vi chưa phù hợp của con em mình. Hiện nay, nhiều em học sinh chưa nhận thức rõ hành vi lan truyền các hình ảnh lên mạng xã hội, rất có thể là vi phạm pháp luật.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Minh Thúy – Văn phòng luật sư Vạn Bảo, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, ranh giới giữa đúng và sai của hành vi quay những sai phạm, tiêu cực của người khác rồi tung lên mạng xã hội là rất mong manh và đây cũng không được coi là hành vi tố cáo đúng luật.
Theo quy định tại Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo đó, mọi hành vi nhằm thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được sự đồng ý của người đó.
Do đó, hành vi quay lén/quay trộm người khác đã xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân của người đó. Tùy thuộc vào mục đích, mức độ của hành vi, người có hành vi quay lén có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Tùy tính chất và mức độ, sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp, khi bắt gặp một hành vi vi phạm pháp luật mà chúng ta muốn ghi âm/ghi hình để làm bằng chứng tố cáo với cơ quan Nhà nước, đặc biệt với môi trường giáo dục, bà Thúy cho hay: “Học sinh dưới 18 tuổi nhìn thấy, hoặc biết được những hành vi vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong phạm vi nhà trường, các em nên báo cáo sự việc cho người có thẩm quyền như Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, Hội đồng nhà trường,… để xác minh, làm rõ hành vi”.
Việc phát tán lên mạng xã hội khi chưa xác minh, làm rõ có thể là con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận thì chính các em cũng sẽ vướng vào vòng lao lý và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về hành vi xâm phạm hình ảnh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác.
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source