Tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương
Ngày 23/9, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Kon Tum cho biết, địa phương thiếu, cần tuyển dụng 496 giáo viên ở tất cả các bậc học. Cụ thể, bậc mầm non thiếu 160; tiểu học 208, trong đó đa môn 137, tiếng Anh 34, Tin học 18, Giáo dục thể chất 11, Âm nhạc 4, Mỹ thuật 4. Còn bậc THCS thiếu 96 giáo viên, trong đó Toán 18, tiếng Anh 25, Tin học 13, Giáo dục thể chất 5, Mỹ thuật 6, Ngữ văn 7, Công nghệ 7, Vật lí 2, Hóa học 4, Sinh học 3, Lịch sử 3 và các môn Địa lí, Âm nhạc, Khoa học tự nhiên đều thiếu 1 giáo viên và THPT cần tuyển 32 giáo viên.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2024 tại các cơ quan, địa phương. Theo đó, chỉ tiêu tuyển dụng của UBND các huyện, gồm: Đăk Hà 59, Đăk Tô 42, Ia H’Drai 42, Ngọc Hồi 60, Kon Rẫy 17, Kon Plông 80, Đăk Glei 55, Sa Thầy 50, Tu Mơ Rông 100, thành phố Kon Tum 13 và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT là 28.
Năm học 2024-2025, Kon Tum có hơn 170.000 học sinh, tăng hơn 3.000 em so với năm học 2023-2024. Trong đó, cấp mầm non có 40.058 trẻ em, cấp tiểu học có 65.092 học sinh, cấp THCS có 47.460 học sinh, cấp THPT có 17.504 học sinh.
Năm học này, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum có 348 trường mầm non và phổ thông. Toàn ngành hiện có 11.963 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung, đáp ứng việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
Thông tin trên Tiền Phong, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, mỗi năm, trung bình thành phố cần tuyển thêm gần 5.000 giáo viên cho các bậc học từ mầm non đến THPT, nhưng số giáo viên trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học không có ứng viên. Năm vừa qua, tổng nhu cầu tuyển dụng của thành phố là 5.762 giáo viên nhưng số trúng tuyển là 2.556 người, thiếu 2.215 viên chức. Trong đó, thiếu nhiều nhất là bậc tiểu học với 1.229 giáo viên; mầm non thiếu 490 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 423 giáo viên và giáo dục đặc biệt thiếu 73 giáo viên.
Trước thềm năm học mới, mặc dù Đồng Nai đã có nhiều giải pháp và nỗ lực trong tuyển dụng, nhưng tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên tại các trường học ở tỉnh này vẫn tiếp diễn. Theo Sở GD&ĐT Đồng Nai, năm học mới 2024-2025, tỉnh còn thiếu khoảng 2.100 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non, giáo viên bộ môn Nhạc, Mỹ thuật, Tin học… Nhiều năm qua, huyện miền núi Tân Phú luôn rơi vào tình trạng thiếu giáo viên và hiện thiếu 180 giáo viên, nhân viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu 36 người, bậc tiểu học và THCS cùng thiếu 72 người. Định Quán, một huyện miền núi khác, đang còn thiếu gần 200 nhân viên, giáo viên, trong đó thiếu nhiều giáo viên mầm non và giáo viên bậc tiểu học; riêng bậc THCS vừa dư lại vừa thiếu như thừa giáo viên Văn, Sử…, trong khi lại thiếu giáo viên Giáo dục công dân, Nhạc, Họa… Không riêng các huyện miền núi, Trảng Bom là địa phương gần với TP.Biên Hòa, công nghiệp phát triển và đô thị hóa nhanh, nhưng năm học 2024 -2025, huyện này vẫn thiếu đến 314 giáo viên.
Cả nước thiếu 113.491 giáo viên, nguyên nhân do đâu?
Kết thúc năm học 2023 – 2024, Bộ GD&ĐT cho biết, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật). Việc này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Tính đến tháng 4 vừa qua, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỉ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT, theo báo Thanh Niên.
Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như: tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, điều này gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật…
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học.
Theo Đại Đoàn Kết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ chính là chất xúc tác thu hút thí sinh theo học ngành sư phạm. Cụ thể, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng làm sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường.
Như vậy, Nghị định 116 đã giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên sư phạm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục.
Đáng chú ý mùa tuyển sinh đại học năm nay, trong 4 ngành dẫn đầu về số lượng nguyện vọng đăng ký có ngành sư phạm, với tỉ lệ tăng kinh ngạc 85%, tương đương 200.000. Trong khi đó, theo Bộ GD&ĐT, năm học tới cả nước vẫn thiếu 113.490 giáo viên các cấp học mầm non và phổ thông.
Trúc Chi (t/h)
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Bị đồn căng thẳng với Tóc Tiên, Minh Hằng lên tiếng
- Đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận, Bộ GD&ĐT lý giải gì?
- Tuyển tập mẫu nail xanh rêu cực kỳ long lanh và không kén màu da
- Nhan sắc gây sốc của “tình đầu quốc dân” Chae Rim
- Hướng dẫn cách chăm sóc da mặt làm sao để không bị chảy xệ