Tổng rà soát cầu yếu
Đã hơn 3 tháng kể từ ngày cầu Phong Châu trên QL32 địa bàn tỉnh Phú Thọ bị sập do ảnh hưởng mưa lũ từ cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên cao, chảy xiết đã làm sập cầu, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Sau đó, một loạt cầu ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã phải hạn chế và cấm di chuyển vì lo ngại nước lũ chảy xiết dẫn tới nguy cơ sập cầu. Đơn cử như cầu Đakrông nằm tại Km 249+824 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tỉnh Quảng Trị.
Theo Cục Đường bộ VN, quá trình kiểm tra, đơn vị quản lý đã phát hiện bê tông cốt thép mặt cầu Đakrông xuất hiện nhiều vết nứt ngang, dọc đan xen. Khi xe tải nặng lưu thông, kết cấu nhịp cầu Đakrông bị rung lắc mạnh, làm cáp dây văng ngoài cùng về phía Nam trên nhịp số 3 giãn dài thấy rõ. Đặc biệt nguy hiểm là hiện tượng dao động không đều giữa hai làn xe chạy dẫn đến biến dạng kết cấu mặt cầu.
Sau khi phát hiện những hư hỏng, Cục Đường bộ VN đã điều chỉnh tốc độ tối đa qua cầu Đakrông từ 50km/h thành biển 5km/h; cự ly tối thiểu giữa 2 xe khi qua cầu cũng điều chỉnh từ 40m lên 175m. Đồng thời cắm biển cảnh báo nguy cơ sập cầu Đakrông, bố trí barie, chốt trực gác điều tiết từng xe một qua cầu, cử lực lượng và lắp đặt camera theo dõi lưu lượng xe và thường xuyên kiểm tra tình trạng cầu.
Nhằm bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt, an toàn cho người và tài sản, an toàn công trình, nhiều địa phương cũng đã tổ chức kiểm tra hạ tầng giao thông nói chung và các cây cầu bắc qua sông, suối nói riêng, đặc biệt là các cây cầu đã được xây dựng nhiều năm.
Tại các tỉnh phía Bắc vừa bị ảnh hưởng của bão lũ như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai… cũng đã lên phương án kiểm tra trên diện rộng đối với hạ tầng giao thông nói chung và hệ thống cầu cống nói riêng nhằm sớm phát hiện nguy cơ mất an toàn để đưa ra phương án ứng phó.
Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra mức độ an toàn đối với các cây cầu bắc qua sông, suối.
Sở GTVT TP Hà Nội đã rà soát, đưa ra số liệu với 55 công trình cầu do thành phố quản lý đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông sẽ xử lý ngay trong năm 2024 – 2025. UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các cầu do quận, huyện, thị xã quản lý; trong đó đề xuất đầu tư xây dựng mới, thay thế, cải tạo 89 công trình cầu yếu, cầu tạm.
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ VN cho hay, đơn vị kiên quyết tạm dừng khai thác, sử dụng vào mục đích giao thông đối với các công trình cầu không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng do thiên tai, mức nước dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn, cầu yếu, các trường hợp có dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, an toàn công trình.
Sau sự cố sập cầu Phong Châu, Cục Đường bộ VN đã chỉ đạo các sở GTVT tổng kiểm tra, rà soát các cầu bắc qua sông bị ảnh hưởng của mưa, lũ, đặc biệt là cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Nâng chất lượng cảnh báo
Theo đánh giá của các chuyên gia, bão lũ sẽ làm ảnh hướng trực tiếp và lâu dài đối với cơ sở hạ tầng giao thông nói chung và những cây cầu bắc qua sông, suối nói riêng, đặc biệt là đối với những cây cầu được xây dựng từ lâu, chưa được áp dụng biện pháp thi công tiên tiến.
Theo ông Nguyễn Hà Nam, nguyên giảng viên bộ môn Cầu Hầm của Trường Đại học GTVT, bên cạnh tác động về kết cấu, địa chất của công trình, tác động của thời tiết cực đoan như bão lũ có thể gây sập cầu, nhất là các cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm. Để xác định nguyên nhân chính xác cần rất nhiều dữ liệu, cũng như thời gian. Trước mắt, vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng cảnh báo, đánh giá khả năng an toàn của các công trình giao thông trước ảnh hưởng thiên tai.
“Đối với cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, các đơn vị cần kiểm tra, đánh giá tình trạng. Cầu yếu phải theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến khai thác đảm bảo an toàn công trình cũng như an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu”, ông Nam nói.
PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khuyến nghị các bộ, ngành liên quan cần tổ chức khảo sát, đánh giá một cách khoa học nguyên nhân của các sự cố, tổng kết thành các bài học về công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng tài liệu kỹ thuật, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành các công trình nói chung và công trình giao thông nói riêng để có thể xây dựng các công trình tương tự nhưng không bị sự cố lặp lại trong tương lai.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Fan đòi thì Anh Tú Atus “chiều”
- Bật mí 14 cách chăm sóc giúp đôi mắt sáng khỏe, tránh lão hóa sớm
- Chỉnh nhiệt kế Microlife từ độ F sang độ C như thế nào? Lưu ý gì khi thực hiện?
- Bị hỏi thẳng chuyện nghỉ chơi Vũ Khắc Tiệp vì 1 đoạn clip, Ngọc Trinh nói gì?
- Thi Miss Universe, Kỳ Duyên phải dậy từ 4h sáng để tự trang điểm và làm tóc