Clip tình trạng giao thông trên tuyến đường ùn ứ, kẹt xe bậc nhất TP.HCM.
Đường Nguyễn Tất Thành là tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm TP.HCM với quận 7 và quận 4. Mặc dù chiều dài chưa đầy 3km, đây lại là cung đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng nhất thành phố.
Với lưu lượng xe cộ dày đặc nhưng hạ tầng chưa đáp ứng kịp, tuyến đường này trở thành một trong những “điểm nóng” giao thông hàng đầu ở TP.HCM. (Trong ảnh, hai chiều đường hiện hữu với bốn làn xe luôn trong tình trạng đông đúc xe cộ. Xe buýt, ô tô, xe máy thường xuyên phải chen chúc nhau).
Không chỉ vào giờ cao điểm mà ngay cả những khung giờ bình thường, người dân vẫn luôn phải chịu cảnh chen chúc, mệt mỏi khi lưu thông qua đường Nguyễn Tất Thành. Tình trạng ùn tắc kéo dài khiến việc di chuyển trên cung đường này trở thành một thử thách hằng ngày.
Do đó, tuyến đường luôn luôn có dòng xe chật như nêm, ken đặc cả hai chiều, người dân cố gắng nhích từng chút một. Những hôm trời mưa hoặc triều cường dâng thì càng chật vật, khó khăn hơn. Đây chính là nỗi ám ảnh mỗi khi đi qua đường Nguyễn Tất Thành.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, giờ cao điểm kẹt xe trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành thường xảy ra vào khoảng từ 17h30 đến 19h, giờ tan tầm, lưu lượng xe cộ tăng. Buổi sáng, khoảng thời gian kẹt xe thường từ 7h đến 8h30, khi người dân đi làm và học sinh đến trường.
“Đều đặn mỗi ngày hai lượt kẹt xe, riết cũng quen luôn. Đường nhỏ, xe lại đông, xe buýt, xe ô tô chạy chiếm hết làn xe máy nên đã kẹt càng thêm kẹt. Có nhiều lần vượt qua được đoạn đường ngắn này mà mất cả tiếng đồng hồ, chán nản hết sức”, anh Minh Tâm (35 tuổi, ngụ quận 7) ngán ngẩm chia sẻ.
Chị Lan Hương (33 tuổi, ngụ quận 10) ngao ngán: “Giờ nào cũng thấy kẹt xe. Không hiểu sao tuyến đường này quá tải lâu như vậy rồi mà không được mở rộng hay có giải pháp để tránh ùn ứ, ách tắc chứ cứ kéo dài mãi thế này sao mà chịu nổi”.
Ông Nguyễn Kiên Giang, Phó trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT cho biết, đường Nguyễn Tất Thành hiện là điểm tắc lớn nhất thành phố, với lưu lượng giao thông vượt khả năng phục vụ đến 140%. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tuyến đường này đã xảy ra 811 lần ùn tắc, dẫn đầu danh sách các điểm nóng về giao thông của TP.HCM.
Thế nhưng, từ nay đến năm 2030, đường Nguyễn Tất Thành vẫn chưa được đưa vào danh sách các dự án ưu tiên mở rộng của thành phố. Sở GTVT TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp như đóng một số giao lộ trên tuyến; nghiên cứu điều chỉnh giao thông tại nút giao Nguyễn Tất Thành – Hoàng Diệu; theo dõi và điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu tại các điểm chốt, đặc biệt là tại đầu và cuối tuyến…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT để kịp thời xử lý sự cố, giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc kéo dài. Về giải pháp lâu dài, Sở GTVT TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức giao thông một chiều qua cầu Tân Thuận 2 theo hướng từ quận 4 sang quận 7 ngay sau khi Cảng Sài Gòn di dời.
Ngoài ra, Sở GTVT TP đang đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như cầu Nguyễn Khoái (kết nối quận 7, quận 4 và quận 1), cầu đường Bình Tiên và Thủ Thiêm 4. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 4 kết nối từ đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn cuối đường Lưu Trọng Lư, băng qua sông Sài Gòn qua bên Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết nối thẳng trục đường đi qua cầu Thủ Thiêm 1, đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến Nguyễn Tất Thành và khu vực phía Nam TP.HCM.
TP.HCM: Một tháng ùn tắc gần 70 lần, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quá tải cỡ nào?
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ Bạch Đằng đến ngã năm Đài liệt sĩ, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được ghi nhận ùn tắc 615 lần trong 9 tháng, trung bình mỗi tháng ùn tắc gần 70 lần.