Nhận diện điểm nghẽn, gỡ khó dự án PPP giao thông

Useful
29/10/24
Lượt xem : 25 view
9d4a49052a30926ecb21 1730194540512216584965 109 0 734 1000 crop 1730194549632602576679
Rate this post

Hai bất cập cần giải quyết

Theo số liệu tổng hợp của Bộ GTVT, tính đến trước thời điểm Luật PPP ban hành (năm 2020), cả nước đã huy động gần 319.000 tỷ đồng đầu tư 140 dự án giao thông theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT.

Nhận diện điểm nghẽn, gỡ khó dự án PPP giao thông- Ảnh 1.

Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Đến nay, hầu hết các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Dù vậy, sau khi Luật PPP chính thức có hiệu lực vào năm 2021, số lượng dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức này có xu hướng giảm.

Theo PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), có hai điểm bất cập cần được giải quyết trong sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).

Thứ nhất, những dự án PPP thường đi qua các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, lưu lượng phương tiện thấp, trong khi tỷ lệ vốn nhà nước thường chiếm không quá 50%, làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ phương án tài chính.

Thứ hai là việc đảm bảo sự cân bằng, hài hoà lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư trong xử lý khó khăn, bất cập tại các dự án PPP.

“Tôi kỳ vọng rằng, trong lần sửa Luật PPP này, quy định điều chỉnh nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia các dự án lên tối đa 70% sẽ được bổ sung.

Cùng đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần điều chỉnh lại quan hệ hợp tác giữa các bên, nhằm đảm bảo tính công bằng và thúc đẩy thành công của các dự án”, ông Chủng nói.

Nhận diện điểm nghẽn, gỡ khó dự án PPP giao thông- Ảnh 2.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Varsi.

Trước các vướng mắc trong triển khai dự án BOT, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật PPP nhằm tháo gỡ khó khăn pháp lý, tạo điều kiện cho các dự án giao thông được triển khai hiệu quả hơn.

Dự thảo bổ sung một số quy định quan trọng như: cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp đặc biệt; kiến nghị bỏ điều kiện về trách nhiệm chi trả từ phía cơ quan ký kết hợp đồng để dễ triển khai; Đề xuất cơ chế bổ sung vốn nhà nước cho các dự án đã khai thác nhưng gặp sụt giảm doanh thu do yếu tố khách quan.

“Việc hoàn thiện khung pháp lý PPP sẽ giúp tăng cường niềm tin và thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng”, Chủ tịch Varsi khẳng định.

Tiếp tục rà soát vướng mắc tại dự án

Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội ngày 26/10, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Lạng Sơn, cho biết có 11 dự án đang gặp khó khăn tài chính, cần quan tâm xem xét giải quyết với khoảng 15.000 tỷ đồng.

Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là một ví dụ điển hình. Dù dự án đem lại hiệu quả lớn nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, đòi hỏi các giải pháp và cơ chế tháo gỡ triệt để.

“Công tác rà soát vướng mắc tại các dự án đang triển khai hoặc đã đưa vào vận hành cũng cần được thực hiện để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp”, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu ý kiến.

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cũng đề xuất Quốc hội bổ sung thêm nội dung về việc đẩy mạnh xử lý các vướng mắc tại các dự án PPP do Bộ GTVT và một số địa phương quản lý, đặc biệt là các dự án BOT gặp khó khăn tại các tỉnh như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Nam.

Ông Lưu Bá Mạc cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét giải pháp sử dụng ngân sách Nhà nước để bù phần giảm doanh thu do yếu tố khách quan, theo Điều 69 Luật PPP hiện hành.

Cơ chế cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia các dự án PPP lên 70% trong trường hợp dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như đã được áp dụng thí điểm với Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội cũng cần được xem xét.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source