Loạt dự án tiến độ tốt
Những ngày cuối tháng tháng 9, tại gói thầu XL2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vân Phong – Nha Trang, gần 600 kỹ sư, công nhân và hơn 300 đầu máy vẫn miệt mài, tranh thủ khoảng thời gian công trường có nắng để chạy đua tiến độ, đảm bảo thời gian cán đích vào dịp 30/4/2025.
Thi công đổ bê tông lề đường, dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang. Ảnh: Tưởng Cao Sơn.
“Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” đến nay, Tập đoàn Sơn Hải đã huy động lượng máy móc, thiết bị tăng gấp 1,3 lần, lượng nhân lực tăng 2 lần.
Cùng với việc duy trì tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, sản lượng thực hiện trung bình của nhà thầu hiện đạt 90 tỷ đồng/tháng, tăng 1,5 lần so với trước thời điểm phát động”, ông Trần Bá Lam, Chỉ huy trưởng gói thầu XL2 dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang cho biết.
Ông Nguyễn Anh Văn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long cũng chia sẻ, sản lượng của đơn vị hiện tăng khoảng 1,8 lần so với thời điểm trước khi phong trào thi đua được phát động.
“Chúng tôi đã huy động thêm 1,4 lần số đầu máy thiết bị, bổ sung thêm mũi thi công các hạng mục. Hiện tại, giá trị sản lượng đạt 420 tỷ đồng, vượt gần 2% so với kế hoạch đề ra”, ông Văn thông tin.
Giúp chủ đầu tư tăng tỷ lệ giải ngân
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quốc Dũng, Quyền giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, năm 2024, dự án Chí Thạnh – Vân Phong đã được bổ sung vốn 1 đợt với giá trị 568 tỷ đồng. Dự án Vân Phong – Nha Trang được bổ sung vốn 2 đợt với tổng giá trị gần 900 tỷ đồng. Hiện kết quả giải ngân đến cuối tháng 9/2024 của Ban QLDA 7 đạt khoảng dự 5.125/8.235 tỷ đồng, đạt hơn 62% kế hoạch vốn được giao.
Thi công thảm mặt đường cao tốc đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng.
Được Bộ GTVT giao tổng kế hoạch vốn hơn 6.630 tỷ đồng trong năm 2024, theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, tính đến ngày 20/9, sản lượng giải ngân của đơn vị đạt hơn đạt hơn 3.500 tỷ đồng, vượt hơn 746 tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký.
Là một trong những ban quản lý dự án được Bộ GTVT giao kế hoạch vốn năm 2024 tương đối lớn, lên tới 10.406 tỷ đồng, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, đến trung tuần tháng 9, sản lượng giải ngân của ban đạt 7.681 tỷ đồng.
“Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vũng Áng – Bùng và dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là hai dự án có tiến độ giải ngân cao nhất, tỷ lệ đạt lần lượt là hơn 81% và gần 91,5%”, ông Hải nói.
Việc tăng tốc rút ngắn tiến độ 8 tháng của dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn cũng đang đóng góp lớn vào kết quả giải ngân của Ban QLDA 2.
Đến nay, tỷ lệ giải ngân các dự án của Ban QLDA 2 đạt 53,5% trong tổng số hơn 8.000 tỷ đồng được giao. Ban cũng đã đề nghị bổ sung 815 tỷ cho dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.
Giờ chỉ lo vật liệu
Là một trong những dự án có tiến độ tốt nhất trong số các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang triển khai, song lãnh đạo Ban QLDA 7 vẫn lo lắng khi đà thi công, giải ngân của cao tốc Vân Phong – Nha Trang có thể bị chững lại bởi nút thắt mặt bằng.
Theo ông Lê Quốc Dũng, thời điểm này, công tác GPMB dự án đã cơ bản hoàn thành phần tuyến chính cao tốc. Tuy nhiên, còn 1,44km chưa thi công được do vướng hạ tầng kỹ thuật, nhất là 12 vị trí điện cao thế 110kV, 220kV.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ bàn giao mặt bằng dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột qua tỉnh Đắk Lắk tăng thêm 7,3%; mặt bằng dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu qua Đồng Nai tăng thêm 20%; diện tích mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Hòa Liên – Túy Loan tăng thêm 4,4%; mặt bằng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận tăng gần 18%… Đây là điều kiện thuận lợi để các dự án đẩy nhanh thi công, lũy tiến sản lượng giải ngân.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tiến độ cấp mỏ vật liệu ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến giữa tháng 9/2024, ngoài tỉnh Vĩnh Long đã cấp 1,1/3,4 triệu m3, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre vẫn đang triển khai thủ tục cấp mỏ, bổ sung mỏ.
“Các địa phương cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ trong tháng 9/2024, bảo đảm đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ các dự án”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng chia sẻ.
Đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, đã tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết như: Hệ thống an toàn giao thông (đúc dải phân cách, sản xuất tường hộ lan, biển báo); tập kết vật liệu đá dăm cấp phối, nhựa đường… chủ động thi công ngay khi thời tiết thuận lợi.
Theo Vụ Kế hoạch – Đầu tư, năm 2024, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công 71.284 tỷ đồng. Tính đến nay, tỷ lệ giải ngân của Bộ ước khoảng hơn 40.000 tỷ đồng. Trong đó, số vốn giải ngân tập trung phần lớn ở các dự án cao tốc Bắc – Nam.
Bộ GTVT đang đề nghị bổ sung 2.954 tỷ đồng kế hoạch năm 2024 cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn; bổ sung 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương 2022 cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ khoảng 75.478 tỷ đồng.
Đảm bảo giải ngân tối đa kế hoạch vốn năm nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 4 đợt cho 35 dự án với giá trị vốn điều chỉnh gần 2.900 tỷ đồng.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Tình trạng bất ổn của Hwang Jung Eum sau khi bị đại gia ngành thép “cắm sừng”
- 5 mẫu xe ga Yamaha nữ tốt nhất dáng thời trang an toàn giá từ 31tr
- Chủ tịch Sơn Hải trả lời câu hỏi “vụ lùm xùm biển báo, có phải để đánh bóng tên tuổi?”
- Bộ trưởng GTVT: Tiếp tục thi công “3 ca, 4 kíp”, đưa cao tốc Cần Thơ – Cà Mau về đích sớm
- Giá bán bộ dụng cụ nail cơ bản và thông tin chi tiết về sản phẩm